Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định trữ trứng

16/11/2024 - 06:04

PNO - Theo tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) - trước khi tìm đến dịch vụ trữ trứng, phụ nữ cần cân nhắc về độ tuổi, sức khỏe, chi phí, dự định mang thai của mình.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Phóng viên: Từ thực tế ở Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ có nhận định gì về vấn đề trữ đông trứng?

Bác sĩ Phan Thị Hằng: Khoảng 2-3 năm nay, số phụ nữ đến Bệnh viện Hùng Vương trữ đông trứng có xu hướng tăng: năm 2022, có khoảng 70-80 ca thì năm 2023 tăng lên khoảng 150-160 ca. Độ tuổi của người trữ đông trứng đa phần từ 30-40, cũng có những trường hợp trẻ hơn.

Đa số người trữ đông trứng cần tập trung vào sự nghiệp, chưa tìm được bạn đời phù hợp nên chưa có kế hoạch mang thai sớm. Cũng có những người muốn trữ trứng do đang cần điều trị ung thư hoặc đang gặp một số vấn đề về sức khỏe như suy buồng trứng sớm, người thân có bệnh lý liên quan đến sinh sản.

* Quy trình lấy trứng và trữ đông trứng diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

- Phụ nữ có thai tự nhiên sau 35 tuổi thì thai nhi có thể bị tăng nhiễm sắc thể, sinh ra con có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, dị tật. Phụ nữ càng lớn tuổi thì con được sinh ra càng có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe. Do đó, việc trữ đông trứng ở độ tuổi phù hợp giúp phụ nữ tránh được các nguy cơ này. Độ tuổi tốt nhất để trữ đông trứng là trước 35, khi chất lượng và số lượng trứng còn cao.

Trước khi trữ trứng, phụ nữ cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để được giải thích, được khám sức khỏe tổng quát và các bệnh lý liên quan. Để thu được nhiều trứng trong một chu kỳ, bác sĩ sẽ tiêm các loại hoóc môn (hormone) kích thích buồng trứng phát triển cùng lúc nhiều nang trứng. Quá trình này kéo dài khoảng 10-14 ngày và trong suốt thời gian đó, bệnh nhân được siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi. Sau khi các nang trứng phát triển đủ lớn, bác sĩ sẽ gây tê hoặc gây mê nhẹ để chọc hút trứng.

Số lượng trứng trữ khác nhau ở mỗi người tùy vào các yếu tố khách quan. Một người khỏe mạnh thường trữ khoảng 10 trứng. Sau khi lấy trứng, bác sĩ sẽ lưu trữ trứng trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Thời gian lưu trữ trứng tùy thuộc yêu cầu của người cần trữ trứng. Người mới được lấy trứng cần ăn uống đầy đủ, tránh vận động mạnh và liên hệ với bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu bất thường.

* Chất lượng trứng trữ có bị giảm theo thời gian không, thưa bác sĩ?

- Về lý thuyết, trứng được trữ đông có thể “sống” vô thời hạn, nhưng chúng tôi khuyên chị em nên trữ trong vòng 10 năm. Khi người chị em sẵn sàng có con, trứng sẽ được rã đông và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với tinh trùng của đối tác hoặc người hiến tinh trùng, sau đó chuyển phôi vào tử cung.

Tỉ lệ sống sót của trứng sau khi rã đông khoảng 90 - 95% và tỉ lệ thụ tinh thành công khoảng 50 - 65%. Tuy nhiên, tỉ lệ thụ thai chỉ chiếm từ 30 - 60% do còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi tác, chất lượng, số lượng trứng. Kỹ thuật trữ đông hiện nay an toàn, không ảnh hưởng đến chất lượng trứng và trẻ được sinh ra từ trứng trữ đông không có sự khác biệt so với trứng tươi.

* Bác sĩ có lời khuyên gì cho những phụ nữ muốn trữ đông trứng, đặc biệt là giới trẻ?

- Quy trình trữ đông trứng khá an toàn nhưng vẫn có một số rủi ro, bao gồm khả năng kích ứng với các loại hoóc môn được tiêm, nhiễm trùng hoặc gặp biến chứng khác nếu việc thủ thuật và vô trùng chưa chuẩn. Bên cạnh đó, không phải mọi trứng được trữ đông đều có thể thành phôi, thai bởi điều này còn phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe của chủ trứng.

Hiện nay, chi phí kích trứng, chọc hút và lưu trữ trứng khoảng 40-50 triệu đồng. Trữ đông trứng là dịch vụ hỗ trợ sinh sản nên chưa được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế. Người trữ trứng cũng phải tốn thêm chi phí bảo quản trứng, càng lâu năm thì càng tốn kém. Chị em cần xác định rõ, trữ trứng chỉ là biện pháp hỗ trợ để chủ động hơn về thời điểm sinh con. Nếu có điều kiện thuận lợi thì nên chọn cách thụ thai, sinh đẻ tự nhiên.
Trong thời gian trữ trứng, nếu không còn nhu cầu, muốn hủy bỏ quá trình trữ đông trứng thì chỉ cần gửi đơn yêu cầu tới bệnh viện.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

An Khuê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI