Tìm giải pháp phát triển du lịch đường sông TPHCM - ĐBSCL

30/11/2024 - 15:52

PNO - Ngày 30/11, Sở Du lịch TPHCM phối hợp cùng Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”. 

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn trong phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với sông nước và văn hóa sông nước. Với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL, TPHCM có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch đến miền Tây Nam bộ bằng đường thủy. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, trong nhiều năm qua, nhằm thu hút khách du lịch và gia tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các điểm đến ở phía Nam, TPHCM và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm, góp phần gia tăng lượng khách đến với vùng. Tuy nhiên, các sản phẩm liên tuyến chủ yếu vẫn là sản phẩm trải nghiệm bằng đường bộ, chưa phát huy được lợi thế sông nước của cả vùng. Do đó, nhằm phát huy thế mạnh sông nước và văn hóa sông nước của vùng trong xây dựng các sản phẩm, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch đường thủy, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa đi các tỉnh lân cận và ngược lại. Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TPHCM với các tỉnh, thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch; các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng.

Du khách thích thú tham quan bằng đường thủy xung quanh TP Cần Thơ
Du khách tham quan vùng sông nước nông thôn ở TP Cần Thơ

Theo ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - lâu nay TPHCM đóng vai trò cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam lan tỏa thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL và các vùng khác phát triển. Vùng ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, bờ biển dài 700km, dân số trên 18 triệu người. Năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL ước đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 62.000 tỉ đồng. Riêng TP Cần Thơ, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch ước đạt 6,3 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỉ đồng.

Du lịch đường sông là một trong các loại hình quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Loại hình này góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Mỗi dòng sông đều có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái đặc trưng từng vùng. Đây là những tài nguyên quý giá để khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch khác biệt, chất lượng cao thu hút du khách. Phát triển du lịch đường sông cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Du khách tham quan Cồn Sơn ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ
Du khách tham quan Cồn Sơn ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Nhiều địa phương đã tập trung phát triển loại hình này khá hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Thực Hiện cho rằng, du lịch đường sông TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và một số tour hiện rất ít khách, thậm chí có thể phải dừng khai thác. Do đó, buổi tọa đàm được tổ chức để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch đường sông TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng bến bãi, cảnh quan dịch vụ ven sông. Từ đó thu hút doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.

Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI