Tìm giải pháp giảm áp lực cho học sinh

26/09/2023 - 14:57

PNO - Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở nhiều trường TPHCM với quá nhiều môn học bổ trợ thu phí khiến thời khoá biểu bị đôn lên vượt quá số tiết quy định.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học với các khối lớp triển khai Chương trình GDPT 2018 mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học và mỗi tiết 35 phút. Các trường thực hiện tối thiểu 9 buổi với 32 tiết/tuần.

Tại trường tiểu học L.T.V. (TP Thủ Đức), thời khoá biểu dành cho các khối lớp đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 đều được bố trí 8 tiết/ngày với sáng 5 tiết, chiều 3 tiết. Sau 8 tiết trên, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ tự chọn cho học sinh đăng ký học. Vào tiết thứ 8 (tiết 3 buổi chiều) là các nội dung giáo dục tự chọn (không bắt buộc) như: STEM, kỹ năng sống, bơi… bên cạnh các môn học tăng cường có thu phí khác như tiếng Anh bản ngữ, tiếng Anh tăng cường.

Dạy học 2 buổi/ngày gồm chương trình chính khoá và các hoạt động bổ trợ
Dạy học 2 buổi/ngày gồm chương trình chính khoá và các hoạt động bổ trợ

Việc đưa nội dung hoạt động giáo dục tự nguyện ngoài giờ chính khoá thành môn học chính khoá, xếp trực tiếp vào thời khoá biểu một cách nặng nề, cứng nhắc được xem là nguyên nhân dẫn đến thời khoá biểu ở nhiều trường THPT “căng thẳng” lên đến 9 tiết/ngày như THPT Phú Nhuận, THPT Nguyễn An Ninh, THPT Nguyễn Hữu Thọ, THPT Nguyễn Thị Diệu, THPT Đa Phước...

Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF, Chuyên gia cao cấp Bộ GD-ĐT chia sẻ, về nguyên tắc, các nhà trường được chủ động xây dựng, phát triển những chương trình nhà trường để phát triển, bồi dưỡng, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, để tổ chức các chương trình, những môn học, hoạt động giáo dục nằm ngoài chương trình quy định của Bộ GD-ĐT thì trước hết nhà trường cần phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh không đồng ý hoặc có ý kiến hoặc chương trình không phù hợp thì trường chắc chắn phải xem lại.

Phải có sự trao đổi, thống nhất với phụ huynh trước khi xếp cứng vào thời khoá biểu
Với các hoạt động giáo dục bổ trợ, nhà trường phải có sự trao đổi, thống nhất với phụ huynh trước khi xếp "cứng" vào thời khoá biểu

“Nhà trường cần phải trao đổi, thống nhất và có sự đồng thuận với phụ huynh sau đó mới có thể tổ chức. Nếu trường chưa có sự trao đổi với phụ huynh mà xếp cứng vào thời khoá biểu ngay đầu năm học thì không được…”- Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền nói. 

Bà nhấn mạnh, việc nhà trường tạo được sự đồng thuận trong phụ huynh là cực kỳ quan trọng để tổ chức một cách hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường thông qua các chương trình, môn học bổ trợ trong chương trình nhà trường. Giả sử trong 1.000 phụ huynh thì có thể không phải 100% cùng đồng thuận nhưng nhà trường phải làm rõ, giúp phụ huynh hiểu để phụ huynh ủng hộ, chia sẻ, thống nhất cùng với nhà trường. 

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang - chuyên ngành quản lý giáo dục ĐH Hertfordshire (Anh) nhìn nhận, để tổ chức dạy 2 buổi/ngày hiệu quả, cán bộ quản lý nhà trường đóng vai trò quan trọng trong thiết lập chương trình học tập của trường, xác định số lượng tiết học, đảm bảo tiêu chuẩn học thuật, tạo cơ hội cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng.

Nhà quản lý giáo dục cần lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh để điều chỉnh chương trình học tập một cách hiệu quả.

Theo ông, một số giải pháp nhà trường có thể cân nhắc áp dụng để giảm áp lực cho học sinh khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày, như: Xem xét giảm số tiết học trong một ngày hoặc một tuần. Tạo các khoảng thời gian dành cho hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống; xây dựng chương trình học đa dạng gồm cả môn học văn hóa, các hoạt động phát triển kỹ năng như nghệ thuật, thể dục, khám phá nghề nghiệp…; khuyến khích phương pháp học tập sáng tạo và tự quản lý. Học sinh nên được hướng dẫn cách tự tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề, thay vì chỉ đơn thuần ghi nhớ kiến thức.

Đặc biệt, nhà trường cần tạo cơ hội cho phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục và thúc đẩy giao tiếp thường xuyên giữa nhà trường và gia đình để hiểu rõ hơn về áp lực mà học sinh đang phải đối mặt…

Cũng theo ông, các giải pháp trực tuyến hiện tại có thể hữu ích để hỗ trợ nhà trường điều chỉnh chương trình học tập và giảm áp lực cho học sinh. Trong đó, ứng dụng và công cụ trực tuyến sẽ giúp học sinh quản lý thời gian hiệu quả, lên kế hoạch cho bài tập và dự án… Các hệ thống quản lý học tập trực tuyến sẽ giúp trường tổ chức và theo dõi tiến trình học tập của học sinh, cũng như cung cấp tài liệu học tập trực tuyến.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI