Tìm giải pháp đồng bộ để ngăn xả rác

17/11/2020 - 08:02

PNO - Từ cuối năm 2018 đến nay TPHCM đã xử lý hơn 13.300 vụ vi phạm môi trường với tổng số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có công văn phản hồi về việc kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả thực hiện liên quan đến bài viết Thực hiện cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước: Tiếng nói người trong cuộc đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 8/6.

Việc xả rác, cho vật nuôi phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng vẫn diễn ra hằng ngày tại các khu phố ở TP.HCM
Việc xả rác, cho vật nuôi phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng vẫn diễn ra hằng ngày tại các khu phố ở TPHCM

Trước đó, ngày 28/7, UBND TPHCM đã có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nội dung phản ánh của bài báo trên.

Theo bài viết, Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 19/10/2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” là một quyết sách cần thiết, nhân văn.

Chỉ thị thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường. Thế nhưng, thực tế vẫn còn một số khu vực công cộng trên địa bàn thành phố còn nhiều rác thải. Như kênh Ba Bò (quận Thủ Đức), nhiều năm qua người dân liên tục kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để về tình trạng ngập rác thải và bốc mùi hôi thối, tuy có xử lý nhưng kết quả vẫn chưa có sự thay đổi tích cực. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” nhằm thúc đẩy một giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các chính sách quản lý, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập, chuyển đổi phương tiện thu gom rác, lắp đặt thùng rác công cộng, tăng cường xử phạt hành chính, xóa các điểm ô nhiễm môi trường, tổ chức đối thoại, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường…

Đến nay, một số kết quả nổi bật được ghi nhận từ khi triển khai Chỉ thị 19 như: 100% phường - xã - thị trấn đã tổ chức 7.899 cuộc đối thoại với nhân dân, với hơn 2,1 triệu hộ dân thực hiện bản cam kết, đạt tỷ lệ 99,9%; tiếp nhận và xử lý 20.937/20.999 ý kiến phản ánh, ghi nhận nhắc nhở 10.223 trường hợp, xử phạt 13.325 trường hợp vi phạm môi trường với tổng số tiền phạt khoảng 25,7 tỷ đồng.

Qua vận động xã hội hóa, đã lắp đặt bổ sung 37.321 camera an ninh. Chính quyền các cấp đã rà soát, giải tỏa 824/825 điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 142 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng và hiện còn 27 điểm đang tiếp tục triển khai giải quyết, trang bị 37.400 thùng rác công cộng trên địa bàn.

Về vấn đề thu gom, toàn thành phố đã vận động 2.366 đường dây thu gom rác dân lập vào các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, tỷ lệ chuyển đổi là 88,5% (tăng 20,1% so với thời điểm cuối năm 2019 là 69,5%); chuyển đổi 675/1.941 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đạt tỷ lệ 34,8%; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy năm tuyến kênh của thành phố, kết quả kiểm tra các tuyến rạch có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực nội thành đều thông thoáng…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những chuyển biến tích cực đạt được nói trên, vẫn còn một bộ phận người dân có ý thức chưa cao về bảo vệ môi trường. Dẫn đến một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… vẫn còn tình trạng bỏ bừa bãi chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng, gây mất vệ sinh. Hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận người dân vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Một số ít người dân có nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác trực tiếp xuống dòng nước…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả kết quả đạt được và khắc phục hạn chế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND TPHCM tiếp tục triển khai việc hướng dẫn phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành hai nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại nhằm phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050; chuẩn hóa pháp lý triển khai giá dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 

Tăng cường xử lý vi phạm môi trường từ camera

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch “Xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025” kèm các giải pháp xây dựng cơ quan, công sở xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, công viên xanh, tôn tạo cây xanh và tạo các mảng xanh trên các tuyến đường…

Bên cạnh giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, chính quyền và ngành chức năng cũng tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh môi trường, các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước, lấn chiếm trên kênh rạch... Đồng thời, thành phố triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư để xử lý vi phạm như nhắc nhở thông qua tổ dân phố hay phạt tiền…

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI