Trẻ mẫu giáo phải làm bài đến khuya
Trong quá trình hỗ trợ tâm lý cho trẻ em và phụ huynh, tôi nhận thấy đa số học sinh (HS) đều gặp khó khăn tâm lý nhất định ở trường học. Nhẹ thì không có động lực học tập, đến trường không cảm thấy vui vẻ; nặng hơn là ám ảnh bài vở, sợ những trừng phạt cả về tinh thần lẫn thể chất từ giáo viên (GV). Thậm chí, một số HS có biểu hiện rối loạn lo âu học đường, rối loạn hành vi, cảm xúc vì nhiều áp lực từ trường học cũng như lối giáo dục gia đình.
Đưa con gái tên T. đến tư vấn tâm lý, phụ huynh ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM liên tục giải thích: “Thầy ơi, tôi không ép con học. Con học được nhiêu thì học, thậm chí ở lại lớp tôi cũng chịu, miễn sao con vui”.
Theo người mẹ trình bày, mới học mẫu giáo mà con chị đã phải viết hai trang tập viết mỗi ngày, đồng thời làm hết 14 bài tập toán cộng trừ và học thuộc một trang chữ cái, ráp vần, bài đọc ngắn. Có đêm, con chị cố thức đến 23g để làm cho xong bài tập.
Con cứ luôn miệng: “Con phải làm. Con không làm thì mai lên lớp cô la, cô phạt, các bạn chê cười”. Thấy không ổn khi con ngày càng sợ hãi mỗi khi ai đó nhắc đến trường học, chị liền đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý.
|
Ở bậc tiểu học, mỗi tiết học kéo dài 45 phút là quá dài |
Cũng không biết phải làm sao với đứa con đang học tiểu học nhưng không thích đi học, một phụ huynh ngụ Q.Bình Thạnh cho biết: ngày nào đi học về con cũng bức bối, phàn nàn. Con trai chị đã đọc tốt, chỉ viết chữ chưa đẹp. Lúc nào đến đón con, cô giáo cũng yêu cầu chị về cho con viết lại 10 lần. Nếu chưa đẹp thì viết tiếp đến khi nào đẹp thì thôi. Mỗi lần như vậy, con chị la lên: “Mẹ ơi, chán quá! Sao mấy thứ con đã biết hết rồi, viết được hết rồi, lại cứ phải viết lại để làm gì”.
Có thể gia đình của các bé không quá quan tâm thành tích, nhưng GV ở trường lại bị áp lực, vì trường của họ là trường điểm, trường tốt. Do đó, mục tiêu là học trò phải tốt, phải giỏi. Nếu có HS nào không đạt kết quả như mong đợi thì phải thúc ép bằng nhiều biện pháp.
Tiếc thay, có những phương pháp tác động, chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn để lại hậu quả về tinh thần, thể chất, tâm lý và nhân cách HS. Không ít GV, trong quá trình dạy học, có xu hướng “đàn áp” HS mà không ý thức đầy đủ về tác hại của những việc làm do mình khơi tạo.
Khi thành tích là trung tâm
Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ chưa được học phép tính cộng trừ trong chương trình, chỉ đang trong quá trình làm quen với mặt số. Với bé học mẫu giáo nói trên, thực chất còn chưa biết viết số, nếu không nhìn sách, nhiều lúc em còn không phân biệt được số 6 và số 9, viết số 5 còn chưa rõ ràng. Vậy thì, việc GV giao chừng ấy bài tập về nhà, liệu có hợp lý không? Khi những yếu tố từ trường học trở thành yếu tố gây áp lực, đứa trẻ đến trường không còn là chuyện tự giác, vui vẻ mà chỉ là nỗi ám ảnh trả bài, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Có một sự thật là chúng ta đang không dạy học theo nhu cầu của trẻ. Cả phụ huynh lẫn GV đều có những lỗ hổng nhất định về kiến thức, kỹ năng trong việc hiểu tâm lý và giáo dục trẻ. Trong khi điều này rất quan trọng để giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách.
Đơn cử như một đứa trẻ độ tuổi tiểu học, chỉ có thể tập trung tốt trong khoảng 15-30 phút, nhưng tiết học lại quá dài, nặng lý thuyết, ít hoạt động và cũng không mấy hứng thú. Lúc nào GV cũng đòi những đứa trẻ ngồi khoanh tay, không quay lên quay xuống nói chuyện và nghĩ rằng phải dạy như vậy mới rèn nền nếp HS mà không hiểu rằng, chúng cần tập trung và rèn luyện theo một cách khác, chứ không thể cứng nhắc như vậy.
Để trường học là nơi hạnh phúc chứ không phải nỗi ám ảnh của học trò, chúng ta cần một tác động mang tính tổng thể của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy tầm nhìn xa phải từ chương trình giáo dục tổng thể, trước mắt, ta có thể bắt đầu từ người lớn - phụ huynh, GV, nhà quản lý giáo dục.
Giảm áp lực cho học sinh
Bất kỳ đứa trẻ nào đi học cũng gặp những áp lực nhất định và áp lực là cần thiết để đứa trẻ tiến bộ, trừ khi áp lực đó quá lớn, quá thường xuyên, “vượt ngưỡng” chịu đựng của trẻ. Hiện nay, rất nhiều trẻ cảm thấy căng thẳng quá mức với việc học tập. Áp lực lâu ngày sẽ hình thành thói quen không tốt và để lại hậu quả không mong đợi với đứa trẻ.
Ảnh hưởng đầu tiên là về mặt cảm xúc. Cảm xúc không ổn định, không tích cực thì bản thân trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Các em đón nhận việc học với tâm thế đối phó. Nếu cả cuộc đời đi học chỉ để đối phó thì học tập đâu còn là hạnh phúc. Nếu đứa trẻ có thể chấp nhận hoặc vượt qua áp lực thì vẫn có thể thành công, nhưng thành công đó không bền vững, bởi các em đang làm, đang viết ước mơ của người khác, còn bản thân các em rất khó thoát khỏi vỏ ốc của chính mình, khuôn mẫu của người lớn và suốt cuộc đời sống theo lập trình.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, đứa trẻ có thể suy nghĩ tiêu cực, rối loạn cảm xúc, trầm cảm và không ít HS đã tự tử vì chuyện học hành. Trong khi chúng ta biết, đối với một đứa trẻ, chẳng có lý do gì khiến chúng chán nản đến mức “từ bỏ” cuộc sống của mình, vì ở tuổi các em có gì khác chi phối nhiều hơn việc học tập?
Chúng ta cần thay đổi cách thức tiếp cận và giáo dục trẻ để giảm thiểu các áp lực về mặt tinh thần, thể chất cho chúng, kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn, chứ không phải luôn trăn trở về hệ quả tiêu cực do việc giáo dục mang lại.
Lê Minh Huân