Phong trào xong là im hơi lặng tiéng
Khác với 4 lần trước, Liên hoan ban nhạc nhóm ca TP.HCM lần thứ 5 được mở rộng quy mô, đối tượng. Trước đây, liên hoan chỉ dành cho nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ đang sinh hoạt trong câu lạc bộ, đội nhóm trực thuộc các đơn vị nhà văn hóa cấp thành phố; trung tâm văn hóa; trung tâm văn hóa thể thao, truyền thông TP.Thủ Đức, quận, huyện; nhà văn hóa xã, phường, thị trấn… Năm nay, liên hoan dành cho cả sinh viên, học sinh từ bậc THPT (bảng B) và câu lạc bộ, đội nhóm tự quản; câu lạc bộ, đội nhóm của trung tâm văn hóa, tỉnh thành trong cả nước.
|
Một nhóm nhạc biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong khuôn khổ sự kiện ngày Gia đình Việt Nam hồi tháng 6/2022 |
Theo cập nhật từ ban tổ chức (BTC), hiện đã có một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Gia Lai… đăng ký tham gia. Ngoài ra, sẽ có 10 ban nhạc đại diện cho 10 quốc gia trong khối ASEAN cùng tham dự.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung - một trong những giám khảo của liên hoan - cho biết các liên hoan đội, nhóm âm nhạc diễn ra tại TP.HCM trước đây đã giúp phát hiện được rất nhiều tài năng cho âm nhạc Việt Nam. “TP.HCM thời điểm đó như một chiếc nôi của âm nhạc”, ông nói.
Nhạc sĩ Hoài Sa - một trong những giám khảo của liên hoan - cũng từng bước ra từ những kỳ liên hoan như thế. Những năm sau này, không khí của các liên hoan không còn sôi nổi như trước, vì nhiều lý do: truyền thông không mạnh, sự cạnh tranh của các game show, truyền hình thực tế, khâu tổ chức kém thu hút… Tuy nhiên, cũng có những liên hoan thu hút được tài năng, có tiềm năng để phát triển xa hơn, nhưng sau đó cũng không thể bật lên được vì thiếu định hướng, sự đầu tư sau đó. Đây là điều rất đáng tiếc.
BTC cho biết đang tranh thủ sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa để có phần thưởng xứng đáng, nhằm thu hút nhiều ban nhạc, nhóm ca tài năng tham gia. Ngoài ra, BTC cũng được sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Làng đại học Quốc gia TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM… để tăng cơ hội tìm kiếm tài năng. NSƯT, nhạc sĩ Trần Vương Thạch cho rằng các đơn vị cơ sở, địa phương cũng nên đẩy mạnh công tác tìm kiếm những tài năng trong quần chúng. Có như thế, mới hy vọng có thêm nguồn nhân lực tham gia tốt |
Theo các nhà chuyên môn, tài năng âm nhạc của chúng ta không thiếu, nhưng thiếu đất dụng võ cho họ. Kỳ liên hoan này được tổ chức lớn hơn cũng là dịp để tìm kiếm, quan tâm đến các tài năng, đầu tư cho họ để góp phần phát triển không gian văn hóa, nghệ thuật của TP.HCM trong tương lai.
NSƯT, nhạc sĩ Trần Vương Thạch nhận định tiềm năng về nhóm nhạc, ban nhạc tại TP.HCM mạnh nhất cả nước. Theo ông, đây là một tài sản quý, cần được sử dụng hiệu quả. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cũng nêu vấn đề: “Phát động cuộc thi là một chuyện, nhưng làm sao để phát huy thành quả lại là một chuyện khác, hết sức quan trọng. Không phải cứ phong trào làm xong, rồi im, thì cuối cùng công sức, sự nỗ lực cũng không đi đến đâu. Tạo điều kiện cho các nhóm, ban nhạc được biểu diễn sau liên hoan là rất quan trọng. Có thể, hôm nay BTC chưa có câu trả lời xác đáng, nhưng phải nghiêm túc xem xét, lưu tâm chuyện này. Khi làm một chuyện gì đó, phải có hiệu quả nhất định, có tương lai. Chỉ có như thế mới tạo niềm tin cho các tài năng, giúp họ an tâm cống hiến”.
Hướng đi nào đén hoạt động chuyên nghiệp?
Ông Lê Cao Đạt - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.HCM, đại diện BTC - nhấn mạnh liên hoan kỳ này ưu tiên giới thiệu các tài năng trẻ đến với hoạt động văn hóa văn nghệ tại TP.HCM, mang thêm nhiều màu sắc mới cho đời sống âm nhạc.
|
BTC kỳ vọng Liên hoan ban nhạc nhóm ca lần thứ 5 sẽ giới thiệu được nhiều tài năng trẻ, đóng góp vào đời sống âm nhạc |
“Khi đạt giải cao, BTC sẽ có những hoạt động tôn vinh, tạo điều kiện biểu diễn cho họ, chẳng hạn đưa vào các chương trình biểu diễn của thành phố, đầu tư làm show riêng do BTC liên hoan đảm nhận. Chúng tôi đặt ra vấn đề này và xem xét nghiêm túc ở lần liên hoan thứ 5”, ông Đạt chia sẻ. Tuy nhiên, để ban nhạc, nhóm ca có thể tồn tại được vẫn cần thị trường biểu diễn thực thụ, chứ không phải chỉ theo cơ chế bao cấp. Nhạc sĩ Trần Vương Thạch cho rằng hiện tại quá thiếu sân khấu cho các ban nhạc, nhóm nhạc. Nhưng tạo ra sân khấu thế nào, theo ông là vấn đề vĩ mô và cần bàn luận thêm nhiều.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung đề xuất trước mắt có thể để các ban nhạc biểu diễn ở nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí thường thu hút đông người như: công viên Tao Đàn, phía trước Nhà hát TP.HCM… Thời gian đầu cần hỗ trợ kinh phí để họ duy trì hoạt động, trước khi tiến tới các mục tiêu xa hơn. Trong khi đó, nhạc sĩ Hoài Sa lại có cách nhìn khác. Theo anh, nếu muốn nhóm ca, ban nhạc sau kỳ liên hoan có hy vọng tồn tại được với thị trường, hoạt động chuyên nghiệp thì phải quay lại yếu tố đầu vào.
“Chúng ta phải xác định chính xác, rõ ràng mục tiêu mong muốn, từ đó mới có tiêu chuẩn đặt ra, cách làm phù hợp. Thông qua một liên hoan để phát động, khơi dậy phong trào văn nghệ, truyền tải tinh thần yêu nước rất đáng được trân trọng. Nhưng nếu muốn tồn tại với thị trường, thì phải biết công chúng đang thích gì, cần gì. Từ tính chất của sân chơi, sẽ thu hút được đối tượng phù hợp”, anh nói.
Một nhạc sĩ cho biết sự khác biệt lớn về áp lực giữa các sân chơi do tư nhân tổ chức và được Nhà nước hỗ trợ, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả thu về. Theo đó, với tư nhân, chỉ cần một mùa không thành công, sẽ khó có thể tổ chức mùa 2. Điều này bắt buộc họ phải bám sát, lắng nghe thị trường. Còn những sân chơi được bảo trợ bởi Nhà nước, thì áp lực này không nhiều, dẫn đến việc thiếu quyết liệt, thiếu định hướng rõ ràng. Vì thế, cần phải thay đổi suy nghĩ, cách làm để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Thực tế trước nay, thị trường nhạc Việt không chuộng nhóm nhạc. Vì thế, nhiều công ty quản lý, đào tạo chuyên nghiệp dù đã đầu tư rất nhiều vào các nhóm nhạc nhưng sau đó vẫn thất bại, tan rã. Theo nhạc sĩ Hoài Sa, kết quả tại một liên hoan, cuộc thi chỉ là bước khởi đầu, còn tương lai phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố: xu hướng âm nhạc, truyền thông… Trong đó, anh nhấn mạnh nếu nhóm có chất liệu, tố chất tốt sẽ có cơ hội nhiều hơn.
Trung Sơn