Tìm được chiếc máy chụp có nguồn phóng xạ

19/09/2014 - 12:22

PNO - PN - Ngay khi thông tin về thiết bị chứa phóng xạ biến mất, ngày 18/9, nhiều bạn đọc gọi điện đến Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ bày tỏ sự hoang mang, lo ngại về mức độ bị ảnh hưởng nếu “không may” ở gần thiết bị này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tối 18/9, theo thông tin từ Công an TP.HCM, cơ quan này đã phối hợp cùng Công an Q.Tân Bình phát hiện được chiếc máy chụp có nguồn phóng xạ kín - bị mất cắp trước đó - tại căn nhà số 111/5 Vườn Lài, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú.

Theo ghi nhận của Báo Phụ Nữ, đến 21g10 cùng ngày, các lực lượng chức năng gồm: công an, Bộ Khoa học - công nghệ, Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã thực hiện xong các công tác kiểm tra tại hiện trường. Chiếc máy đã được các cơ quan chức năng cho vào một chiếc thùng, được di dời an toàn. Trao đổi với Báo Phụ Nữ, một cán bộ Bộ Khoa học - công nghệ, cho biết, trong quá trình đo đạc tại hiện trường, không phát hiện tình trạng rò rỉ phóng xạ.

Người dân xung quanh căn nhà 111/5 Vườn Lài cho biết, đây là căn nhà cho thuê. Người thuê là hai vợ chồng trẻ cùng người em gái, mới ở được ba ngày. Theo thông tin từ Công an Q.Tân Bình, một người bạn của những người thuê trọ đã gửi chiếc máy này lại. Tối cùng ngày, Công an Q.Tân Bình đã triển khai công tác truy tìm nghi phạm thực hiện vụ trộm cắp trên.

Theo thông tin ban đầu, lúc 12g ngày 12/9/2014, tại TP.HCM, nhân viên Công ty TNHH A.C.A bị thất lạc thiết bị nói trên tại nhà trọ (521/67/60A Nguyễn Đình Khơi, P.4, Q.Tân Bình). Theo nguyên tắc, các thiết bị chứa phóng xạ phải được lưu giữ tại các phòng chống nhiễm xạ. Chiếc máy bị mất có hình dáng như thiết bị xách tay, là thiết bị phục vụ công tác kiểm tra không phá hủy (NDT), nguồn phóng xạ Ir-192 có hoạt độ 20,5 Curie (Ci), trong trường hợp nguồn phóng xạ được đưa ra khỏi thiết bị, sẽ đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và động vật khi ở cự ly gần.

Tim duoc chiec may chup co nguon phong xa

Chiếc máy được bảo vệ an toàn, di dời khỏi hiện trường

Ngay khi thông tin về thiết bị chứa phóng xạ biến mất, ngày 18/9, nhiều bạn đọc gọi điện đến Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ bày tỏ sự hoang mang, lo ngại về mức độ bị ảnh hưởng nếu “không may” ở gần thiết bị này. Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia y tế đều khẳng định, việc tiếp xúc với chất phóng xạ có thể ảnh hưởng tới cơ thể theo nhiều cách, và các hậu quả xấu mà việc tiếp xúc với chất phóng xạ gây ra đối với sức khỏe có thể không nhận thấy trong nhiều năm.

Dấu hiệu nhận biết: người bị chiếu xạ toàn thân sẽ xuất hiện những dấu hiệu như: buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và có thể sốt kèm tiêu chảy. Từ một - ba năm sau là thời kỳ ủ bệnh, người bị nhiễm xạ thường xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột… Nguyên nhân là do lượng hồng cầu trong máu bị giảm sút khiến bạch cầu tăng lên và dễ dẫn đến ung thư.

Theo các chuyên gia, khi có thông tin khu vực có nguồn phóng xạ bị rò rỉ, mọi người nên nhanh chóng thoát khỏi khu vực đó, liên hệ ngay với cơ quan y tế, cơ quan quản lý an toàn bức xạ và cơ sở dịch vụ an toàn bức xạ để nhận được sự giúp đỡ. Tuyệt đối không chạm vào các vật dụng bằng kim loại.

Người ở khu vực lân cận nơi để thiết bị chứa phóng xạ nên đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Bệnh nhân sẽ được thử máu, ba-bốn lần/ngày để theo dõi sự sụt giảm số tế bào bạch cầu. Việc thử máu này sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Nếu không có bất thường xảy ra trong khoảng 14 ngày, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tiến hành khám sức khỏe định kỳ năm để tiếp tục theo dõi.

 Tiến Đạt - Hải Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI