Tìm di sản Sài Gòn từ sách

11/06/2019 - 11:26

PNO - Sách về Sài Gòn được xuất bản rất nhiều trong những năm gần đây. Nhưng vẫn thấy dấu ấn, phong vị khác từ 'Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc'.

Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc là một trong các dự án về đề tài Sài Gòn (cả xưa và nay) của Green Horizon. Trước đó, đơn vị từng liên kết xuất bản các tựa sách hướng đến độc giả thiếu nhi: Sài Gòn của em. Thời gian tới sẽ phát triển dự án theo hướng khai thác ký ức cộng đồng.

Ông Hà Việt Cường - phụ trách mảng xuất bản của Green Horizon - cho biết, để thực hiện các ấn phẩm Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, đã phát hành đến số thứ hai), những người thực hiện đã phối hợp với thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, tham khảo nhiều tựa sách viết về Đông Dương từ thế kỷ XVII-XX. Nhờ thế mà Sài Gòn xưa và nay trong các ấn phẩm, được nhìn từ nhiều góc độ, từ tổng quan đến tiểu tiết, ở chiều rộng lẫn chiều sâu.

Tim di san Sai Gon  tu sach
Sách Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc được in song ngữ, với nhiều câu chuyện, hình ảnh đáng giá về di sản văn hóa của vùng đất này

Sách về Sài Gòn được xuất bản rất nhiều trong những năm gần đây. Nhưng vẫn thấy dấu ấn, phong vị khác từ Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc. Đi tìm những hiện hữu dung dị, cụ thể địa chỉ các di sản, địa danh có thể đang dần bị lãng quên hoặc bỏ quên. Nằm ngay chân cầu chữ Y, bên dòng kênh Tàu Hủ là đình Tứ Xuân. Địa danh này vốn gắn liền với ấp Tứ Xuân, hình thành vào thời Minh Mạng (1820-1840) và được ghi nhận trong cuốn Gia Định thành thông chí là “xóm tứ chiếng ấp Tứ Xuân”. Bằng những dòng ngắn ngủi ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Lộc đã mang đến những câu chuyện hay về đình miếu bên bờ kênh Tàu Hủ (Q.8) - thời lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này.

Di sản trong lòng Sài Gòn không chỉ có các công trình, kiến trúc lịch sử, tôn giáo… mà còn ẩn trong những giá trị hiện vật. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa đã có góc nhìn đáng suy ngẫm về sự hội tụ nên có của những bộ sưu tập tư nhân. Đó là bộ sưu tập bản đồ cổ đồ sộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bộ sưu tập hơn 2.000 loại nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ Đức Dậu, rồi gốm Chăm, gốm Biên Hòa, dụng cụ sản xuất của người Nam bộ thời mở cõi… Đó là chưa kể đến tranh, tem, tiền cổ, tượng, đồng hồ, đèn dầu, cối đá… đang được các nhà sưu tập gìn giữ.

Trong nhiều tour du lịch đến các thành phố lớn, ở nhiều quốc gia, đền, chùa đều có trong danh mục các điểm tham quan. Nhưng điều đó rất hiếm đối với những city tour tại TP.HCM. Tác giả Nguyễn Đình, trong Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn (Phương Nam books và nhà xuất bản Thế giới ấn hành), đã mở “tour” hướng dẫn thực tế cho khách mời được mục sở thị các di tích văn hóa của người Hoa ở Chợ Lớn. Mỗi ngôi chùa, mái đình đều có những giá trị riêng của trầm tích trăm năm; từng con đường, từng dải đất đều giữ lại trong lòng nó những câu chuyện lịch sử đầy biến động.

Một trong những ước vọng của Green Horizon khi thực hiện các dự án sách về Sài Gòn là mong những nhà làm du lịch có thể mở những tour tham quan nhà cổ, đình chùa, miếu mạo, những di chỉ ký ức, làng nghề truyền thống… của vùng đất này. Bên cạnh những giá trị xưa cũ, dự án sách Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc cũng chuyên chở những câu chuyện đẹp, tiếp cận những giá trị của đời sống mới: sự chu đáo, ân cần, lòng mến khách đến những yêu thương, đùm bọc, giản dị hiền lành đã tạo nên một Sài Gòn “dễ thương dễ sợ” như cách nói của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI