Tìm con ở tuổi trung niên

24/02/2025 - 17:38

PNO - Kết hôn nhiều năm vẫn chưa có con, chịu điều tiếng từ gia đình, họ hàng, làng xóm, ngày ngày sống với khao khát làm mẹ khiến những phụ nữ trung niên tìm đến phương pháp IVF - sinh con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Trải qua nhiều gian nan so với những phụ nữ trẻ tuổi hơn, cuối cùng họ cũng được hưởng trái ngọt làm mẹ.

Chị Trương Thị Hải Hằng - 54 tuổi, ở Hải Dương - trở thành mẹ của cặp song sinh nhờ IVF - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chị Trương Thị Hải Hằng - 54 tuổi, ở Hải Dương - trở thành mẹ của cặp song sinh nhờ IVF - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khó mấy cũng không từ bỏ khao khát làm mẹ

Chị Lê Thị Thùy - 36 tuổi, ngụ TPHCM - kết hôn năm 2014, sau khi không thể thụ thai tự nhiên, chị nhiều lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM để có con nhưng chưa thành công. Đến năm 2019, chị đi khám vì biểu hiện rong kinh và suy sụp vì phát hiện mắc ung thư cổ tử cung ở tuổi 31.

Người bệnh ung thư cổ tử cung thường được điều trị theo phương án cắt bỏ hoàn toàn tử cung rồi mới tiến hành các liệu pháp khác. Tuy nhiên, nếu cắt bỏ hoàn toàn tử cung thì sẽ không thể mang thai. Vì vậy, chị Thùy được chỉ định phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc, nạo hạch, nối phần thân tử cung vào âm đạo, giúp giữ lại hy vọng mang thai.

Sau phẫu thuật, chị tuân thủ lịch tái khám, cố gắng giữ tinh thần lạc quan, dinh dưỡng phù hợp nên sức khỏe hồi phục tốt. 2 năm sau (năm 2022), chị và chồng lại thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Theo kết quả thăm khám, cổ tử cung của chị Thùy không bình thường, lại thêm có u buồng trứng và bị tắc 2 vòi trứng khiến lần chuyển phôi đầu tiên không thành công.

Các bác sĩ lên phác đồ đặc biệt, phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng và 2 tai vòi, khâu vòng cổ tử cung trước khi chuyển phôi, giúp tăng tỉ lệ đậu thai sau khi chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm, dự phòng sớm nguy cơ sinh non. Sau nhiều nỗ lực từ phía y bác sĩ và vợ chồng chị, cuối cùng, vợ chồng chị Thùy đón con trai chào đời nhờ phương pháp sinh mổ.

“Tôi biết ơn các bác sĩ vì vẫn được làm mẹ. Con là món quà kỳ diệu với cả gia đình” - chị Thùy xúc động nói khi ngắm con trai 3,1kg vừa chào đời khỏe mạnh.

“Với thể trạng yếu, lại trải qua nhiều lần phẫu thuật trước khi chuyển phôi, Thùy là một trong những bà mẹ kiên cường, vượt qua mọi đau đớn, có niềm tin mãnh liệt vào thiên chức làm mẹ. Cuối cùng, cô ấy cũng toại nguyện. Đồng hành cùng Thùy trong suốt quá trình thăm khám, phẫu thuật, mang thai và sinh con, chúng tôi cũng vỡ òa cùng gia đình trong khoảnh khắc em bé chào đời” - vị bác sĩ điều trị cho chị Thùy thông tin thêm.

Với chị Chu Thị Hạnh - 40 tuổi, hiện sinh sống tại Bắc Giang - hành trình có 2 con nhờ IVF cũng gian nan không kém. Ngoài tốn tiền, phải đi lại liên tục, chịu đau đớn và tác dụng phụ của các loại thuốc, những sản phụ làm IVF còn phải đối diện với nỗi đau thầm lặng mà hầu hết không ai muốn chia sẻ. Đó chính là việc phải lựa chọn bỏ phôi nào, giữ phôi nào để nuôi.

Thường khi làm IVF, mỗi lần chuyển phôi, các bác sĩ sẽ chuyển một lúc nhiều phôi để có tỉ lệ đậu thai cao nhất. “Nếu chuyển 5 phôi, đậu cả 5, cha mẹ thường phải đưa ra lựa chọn bỏ phôi nào, giữ phôi nào. Điều này, ảnh hưởng đến tinh thần của người mẹ rất nhiều” - chị Hạnh kể.

Chị cũng tiết lộ, chi phí cho 5 lần chuyển phôi của chị khoảng 500 triệu đồng; chưa kể còn rất nhiều lần phải đi lại giữa 2 bệnh viện - Bưu điện Hà Nội và Phụ sản Hà Nội.

Thực tế, không phải cặp đôi nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi hành trình tìm con. “Có những người phải thuê trọ, chầu chực ở bệnh viện hàng năm trời; có người vay mượn, bán nhà cửa… để lo các chi phí” - chị Hạnh chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi được thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hà - Bệnh viện Âu Cơ Đồng Nai - kể về trường hợp một sản phụ sinh năm 1986, lập gia đình 12 năm, kinh tế khó khăn, người chồng ở quê làm ruộng, người vợ một mình vào Nam bán cá viên chiên mưu sinh. Khi điều kiện ổn định, vợ chồng chị mới được ở cạnh nhau.

Tuy nhiên, sau 2 năm thụ thai tự nhiên không có kết quả, đi khám, phát hiện vợ có u xơ tử cung to, tắc 2 vòi trứng. Chị được mổ bóc u xơ và làm IVF. Tuy đã làm 2 chu kỳ IVF, chị chỉ tạo được 2 phôi loại trung bình. Chuyển phôi 2 lần đều thất bại. Tiền tiết kiệm hết sạch, chị lại tiếp tục đi làm, gom góp để làm IVF lần 3. Lúc nghe bác sĩ báo nghe được tim thai con, vợ chồng ôm nhau khóc vì hạnh phúc, nhưng sau đó lại thất vọng vì con chưa có duyên với mình. Khi bình tĩnh trở lại, chị cho biết, vợ chồng chị sẽ không bỏ cuộc, dù có khó khăn tới đâu.

Tỉ lệ phụ nữ trung niên điều trị hiếm muộn ngày càng cao

Khảo sát từ Bệnh viện Phụ sản Trung Ương và Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho thấy, trong số các cặp vợ chồng tìm đến tư vấn và điều trị hiếm muộn, phần lớn là các cặp trong độ tuổi từ 30-40. Đáng chú ý, tỉ lệ hiếm muộn ở các cặp đôi trung niên, tức từ 35 tuổi trở lên (tính theo tuổi sinh nở), ngày càng tăng, do các yếu tố liên quan đến tuổi tác và sự suy giảm chất lượng trứng, tinh trùng.

Sản phụ chờ tới lượt thăm khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội - Nguồn ảnh: Bệnh viện Bưu điện Hà Nội
Sản phụ chờ tới lượt thăm khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội - Nguồn ảnh: Bệnh viện Bưu điện Hà Nội

Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm IVF, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết: Trong các ca điều trị IVF tại bệnh viện, có tới 60% là phụ nữ ngoài 35 tuổi. Tỉ lệ IVF thành công trung bình khoảng 71.5% và giảm dần khi độ tuổi tăng lên (69.3% ở độ tuổi 35-40 tuổi và chỉ còn khoảng 44.1% ở mốc sau 40 tuổi).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, phụ nữ trung niên và lớn tuổi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện IVF, vì số lượng cũng như chất lượng trứng giảm, có thể phải kích thích và chọc hút trứng nhiều lần. Phụ nữ trung niên có những bệnh lý nội khoa đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… có thể làm tăng rủi ro trong quá trình mang thai, dễ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tiền sản giật trong thai kỳ rất nguy hiểm. Tỉ lệ sẩy thai và thai lưu, thai dị tật cũng tăng cao hơn so với những phụ nữ trẻ tuổi.

Phân tích từ chuyên gia y tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh hoặc hiếm muộn ở phụ nữ trung niên có thể gồm: do người chồng giảm chất lượng tinh trùng, tinh trùng dị dạng nhiều, không có tinh trùng, giảm chức năng tình dục; nguyên nhân từ phía vợ: giảm dự trữ buồng trứng, hết trứng, chất lượng trứng suy giảm dẫn đến phôi bị bất thường nhiều, tăng nguy cơ sẩy thai sớm, thai lưu, sinh non. Ngoài ra còn có những nguyên nhân về phía vòi trứng như tắc vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu…

“Do vậy, nếu vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai trên 1 năm mà chưa có con thì cần thăm khám ngay để không bỏ qua thời gian vàng trong điều trị. Việc lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại cũng giúp tăng khả năng thành công, tiết kiệm chi phí; bởi thăm khám muộn và điều trị không đúng phương pháp khiến quá trình điều trị có thể kéo dài 5-7 năm, thậm chí lâu hơn” - bác sĩ Tạ Trung Kiên - chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện Âu Cơ Đồng Nai - cảnh báo.

Kim Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI