Tìm con mùa tựu trường

28/09/2024 - 06:02

PNO - Đã mấy tháng nay, chồng cũ của bà đưa các con đi đâu, bà không biết. Bà lo lắng, hoang mang và bế tắc khi ngày khai giảng đã qua mà con chưa được đưa về nhập học.

Nhớ con, bà L.P. lại đến đứng ở cổng Trường tiểu học An Phú, vịn song sắt hồi lâu, lẳng lặng nhìn các bạn học sinh trang lứa con mình - ẢNH: CTV
Nhớ con, bà L.P. lại đến đứng ở cổng Trường tiểu học An Phú, vịn song sắt hồi lâu, lẳng lặng nhìn các bạn học sinh trang lứa con mình - Ảnh: CTV

Những ngày đầu năm học, tuy không đưa con đến trường, bà P.T.H.L.P. - 40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - vẫn đến đứng trước cổng ngóng vào sân trường, nơi các em học sinh hớn hở vui đùa trong bộ đồng phục tiểu học đẹp mắt.

Đã mấy tháng nay, chồng cũ của bà đưa các con đi đâu, bà không biết. Bà lo lắng, hoang mang và bế tắc khi ngày khai giảng đã qua mà con chưa được đưa về nhập học. Theo thông báo nhập học, năm nay, 2 bé của bà vào lớp 1/1 và 3/4 của Trường tiểu học An Phú (TP Thủ Đức).

Có 4 con chung, khi ly hôn, bà P.T.H.L.P. và ông N.T.T. thống nhất giao 2 con nhỏ cho mẹ trực tiếp chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, còn 2 đứa lớn thì giao cho cha. Điều này được thể hiện trong quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của đôi bên tại Tòa án nhân dân quận 2 (TPHCM) vào cuối năm 2020.

Theo bà L.P., vợ chồng ly hôn một thời gian thì 2 con lớn được cha đưa về Đà Nẵng, còn 2 con nhỏ vẫn ở TPHCM với mẹ. Đầu mùa hè năm 2024, ông T. cho người giúp việc đưa 2 bé lớn từ Đà Nẵng vào TPHCM chơi với mẹ và 2 em. Ngày 9/6/2024, ông T. gọi điện yêu cầu bà P. cho cả 2 đứa nhỏ theo về Đà Nẵng chơi 1 tuần. Tuy nhiên, quá 1 tuần, ông T. không giao trả con, dù bà P. nhiều lần yêu cầu.

Bà L.P. cho biết, vào cuối tháng 6/2024, bà đích thân ra Đà Nẵng, đến cả địa chỉ thường trú lẫn tạm trú của ông T. để tìm con và tá hỏa khi biết không có cả cha lẫn con ở đó. Trong những ngày ở Đà Nẵng tìm con trong vô vọng, bà gọi điện thoại cho ông T. thì một nhân viên của ông nghe máy, cho biết ông đang đi công tác nước ngoài. Thông tin này càng khiến bà thêm hoang mang, lo sợ, không biết các con hiện ở đâu, ai chăm sóc, bảo vệ chúng.

“Ông T.T. đã lợi dụng quyền được thăm nom con sau ly hôn để thực hiện hành vi chiếm đoạt 2 trẻ H.Y. và T.A. trái pháp luật. Đồng thời, với việc giấu cả 4 đứa con, ông T.T. cũng đã ngang nhiên tước đoạt quyền thăm nom của tôi đối với 2 đứa con lớn. Việc liên tục dịch chuyển nơi lưu trú đã gây xáo trộn cuộc sống của các con. Nghiêm trọng nhất là 2 đứa nhỏ không được nhập học tại ngôi trường tốt, gần nhà. Ngôi trường này đã gắn bó với bé H.Y. suốt năm học lớp Một và Hai. Nếu ông T.T. có đưa con đi học chỗ khác cũng chỉ là tạm bợ, vì hồ sơ học bạ hiện vẫn được Trường tiểu học An Phú lưu giữ. Với quyết định của tòa án khi ly hôn, tôi mới là người đại diện hợp pháp duy nhất của bé H.Y., T.A.” - bà L.P. bức xúc.

Vào ngày 19/7/2024, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức đã ra quyết định cho thi hành án đối với ông N.T.T., giao cho bà P.T.H.L.P. trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng 2 con - N.H.Y. và N.H.T.A. Đầu tháng 8/2024, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức đề nghị Công an phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng hỗ trợ xác minh và nhận được kết quả là ông T.T. hiện đang tạm trú tại địa phương này.

Nhận được đơn cầu cứu của bà L.P. vào đầu tháng 9/2024, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã liên hệ qua số điện thoại ông T.T. nhưng không được. Chúng tôi đã đến trực tiếp địa chỉ tạm trú của ông ở phường Hòa Xuân. Tại đây, người giúp việc cho biết, 2 bé gái đã được cho đi học tại Đà Nẵng, nhưng không tiết lộ trường nào. Khi chúng tôi trình bày việc nhận được đơn cầu cứu và muốn được trao đổi, tìm hiểu tình hình thực tế từ ông T.T. thì người giúp việc không cung cấp thêm thông tin gì.

Có mặt tại trụ sở công ty của ông T.T., chúng tôi nghe nhân viên ở đây báo ông T.T. không có mặt và muốn liên hệ phải đặt lịch trước. Chúng tôi đã để lại số điện thoại, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.

Những ngày gió giông, bão lũ gần đây, bà L.P. càng bất an và quyết tâm tìm con. Vẫn hướng mắt về phía sân trường như để cố tìm hình bóng con tung tăng, bà L.P. chia sẻ: “Từ chỗ vòng vo, lẩn tránh đến ra mặt thách thức khi tôi khổ sở tìm con, ông T.T. đã bỏ qua quyền được bình yên, học hành của các con. Bản án hiện hành đang giao 2 con nhỏ cho tôi nuôi dưỡng nên tôi rất mong điều này được thực thi”.

Cha/ mẹ "bắt con" bị xử lý thế nào?

Căn cứ quy định tại điều 82, điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự năm 2020 của Tòa án nhân dân quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TPHCM và quyết định thi hành án ngày 19/7/2024 của Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức thì bà P.T.H.L.P. là người có quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 2 cháu N.H.Y. và N.H.T.A. sau khi ly hôn.

Do đó, căn cứ những quy định của pháp luật, bà P.T.H.L.P. có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét về việc hạn chế quyền của ông N.T.T đối với con chưa thành niên - cháu N.H.Y. và N.H.T.A.

Trường hợp ông N.T.T. không tự nguyện thi hành án, bà P.T.H.L.P. có quyền yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc ông N.T.T. phải giao con cho bà P.T.H.L.P. theo quy định tại khoản 1 điều 7, điều 46, điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Căn cứ quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, sau khi ly hôn, việc cha/mẹ không trực tiếp nuôi con có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm chiếm giữ “bắt con” dưới 16 tuổi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luật sư Nguyễn Thanh Thanh - Giám đốc Công ty luật TNHH Thanh và Cộng sự

Diệu Hiền (ghi)

Nếu không chấp hành án, sẽ chuyển cho cơ quan công an xử lý

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng - cho biết, sau khi tiếp nhận quyết định ủy thác thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức cùng các hồ sơ kèm theo, Chi cục Thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ sẽ có văn bản gửi cho ông N.T.T. đề nghị chấp hành thi hành án.

“Nếu ông T.T. không chấp hành, chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý về hành vi, thái độ, trách nhiệm chấp hành pháp luật theo bản án của tòa án. Nếu sau đó đương sự vẫn không chấp hành, chúng tôi sẽ gửi cho cơ quan công an xử lý về hành vi không chấp hành bản án” - ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, đây là một việc nhạy cảm nên trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là phải làm thế nào để ổn định về tâm lý, tư tưởng cho trẻ em chứ không tạo ra những hình ảnh không đẹp về người mẹ, người cha; tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm lý các cháu.

Đình Dũng

Đình Dũng - Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI