Tìm cội rễ đời mình

30/04/2018 - 18:37

PNO - Hằng năm, với nhiều người, 30/4 không chỉ là dịp nghỉ lễ với những kế hoạch dịch chuyển của gia đình, nhiều bạn bè của tôi chọn “tour tự phát” đi tìm nguồn cội.

Anh bạn kia vượt 2.000km từ một tỉnh lẻ miền Bắc vào Sài Gòn. Bạn ra bến xe An Sương, bắt xe đò đi Tây Ninh. Từ TP.Tây Ninh bạn mượn xe máy đi 100km về cửa khẩu Xa Mát, vào chiến khu xưa.

Tim coi re doi minh
Một nhân vật trong Đừng kể tên tôi

Người đàn ông lặn lội vào rừng một mình, đăng lên Facebook tấm hình nhà lán của một chỉ huy thời đó - ông Võ Văn Kiệt, với nhiều người đó chỉ là một chuyến tham quan đơn thuần. Tôi đọc hết những câu bình luận qua lại và biết, đây là chuyến đi mà "bốn mươi năm cuộc đời" bạn buộc mình phải làm được.

Bạn gửi tôi xem bức hình khác. Ảnh đen trắng, dưới lán lá đơn sơ là một cặp vợ chồng, quần áo giản dị, ngồi bên chiếc bàn tre dân dã. Một thứ ánh sáng khó tả của hạnh phúc, bình yên, ấm áp trùm lên họ. Nếu bạn không nói bức ảnh được chụp vào thời chiến sẽ chẳng ai nghĩ ngoài mái lá và cánh rừng đó là bom đạn, chia cắt, là quê hương dằng dặc biết còn có ngày về.

Cặp đôi trong hình đen trắng là cha mẹ bạn. Họ được tăng cường vào Nam dạy học cho bọn trẻ chiến khu. Một người thủ trưởng đã giới thiệu, ghép đôi và họ yêu nhau, tổ chức đám cưới trong rừng. Từ cánh rừng đó, chị em bạn tôi ra đời. 

Cha bạn giờ là ông già tám mươi, quẩn quanh trong nhà, chưa từng trở lại căn cứ nơi ông gửi một thời tuổi trẻ, nơi xây dựng tình yêu, hình thành nên gia đình, nối dài sợi dây huyết thống của họ tộc. Chiến tranh là chia cắt, tử vong, nhưng cũng từ đó, bài ca sự sống cất lên tha thiết nhất. Bạn tôi thay cha cóp nhặt kỷ niệm nhưng cũng là làm giàu cho mình ý thức về nguồn cội.

Năm trước, cô bạn tôi viết xong cuốn sách về chiến tranh mang tên Đừng kể tên tôi (Nhà xuất bản Phụ Nữ). Sách ra thầm lặng vì bạn tự phát hành, nhưng những gì sách mang đến làm bất ngờ bao người. Bạn đọc khóc, ngẫm và ám ảnh về cuộc chiến theo góc nhìn của họ - nhân văn, thấm đẫm tình người, chứ không phải là gươm giáo, súng đạn. 

Tôi mừng khi sách của bạn được các nhà bình luận trong và ngoài nước đánh giá là tác phẩm hay nhất về chiến tranh trong những năm gần đây. Tôi tự hào vì đã biết tới dự án này của bạn từ nhiều năm trước, khi cô chưa manh nha ý định viết thành sách.
Ban đầu đó là những bài lẻ trên Facebook, gồm những lời kể về chiến tranh và thân phận của họ sau khi trở về.

Những câu chuyện kể trong chiều tà, giữa đêm khuya, ngoài hàng hiên, giữa cánh đồng, hay trong mái nhà thủng lỗ chỗ… Các nhân vật đều ra đi từ miền quê, trải qua đạn bom, mất mát, trân mình cùng những trận đói, cơn đau như dòi bò trong xương.

Chiến tranh nhức nhối với những trận đánh, số người hy sinh đau đớn trong từng sinh ly tử biệt, trong trắc trở của tình thâm, tình yêu đôi lứa. Nhưng không ai oán hờn, tiếc nuối, tiếng kể đều đều như thở vào trời đêm những nhịp bình thản lạ lùng.

Tim coi re doi minh
 

"Nhân chứng đều gần đất xa trời, nếu em không gặp họ và ghi lại, có lẽ những câu chuyện cũng đi vào lòng đất", đó là lý do bà mẹ hai con nhỏ bỏ Hà Nội tiện nghi mỗi cuối tuần, dắt hai đứa trẻ đi về những miền quê xa xôi. Những người anh hùng thời chiến giờ đều đói nghèo, cô độc, sống trong mái nhà nát, cái toilet nào cũng sơ sài khiến hai đứa trẻ khiếp sợ không dám vào.

Cô bạn tôi muốn con biết về một khoảng lịch sử đã quá xa với bọn trẻ. Cô viết lại để cả người lớn đừng quên nhìn xung quanh mình. Bác bán rau muống ngày ngày bị quản lý đô thị xua đuổi ngoài chợ “chồm hổm”, trong chiến tranh có thể là một thủ lĩnh dạn dày, là chỗ dựa cho đồng đội qua bao trận đánh.

Một ông nông dân nghèo ngày ngày lượm lá về đun có thể từng vác đồng đội trúng bom chạy suốt đêm để cứu mạng... Họ là ai đó trong cuộc đời này có thể trong phút giây ấy đã ngẫu nhiên xuất hiện trong đời cha mẹ, anh chị người khác, giữ gìn và tạo nên một thiên tình sử nào đó, để nối dài sự sống, nối dài những cuộc đời.

Năm lớp Mười, tôi đọc tác phẩm triệu bản mang tên Cội rễ của Alex Haley. Nhà văn có nguồn cội nô lệ ấy đã làm dấy lên phong trào gia phả học (genealogy) khắp thế giới. Tôi cũng như bao độc giả nhen nhóm ước ao đi tìm cội rễ của mình và dựng một cây gia phả thật hoành tráng. 

Chiến tranh, loạn lạc suốt thế kỷ XX nên dòng họ hai bên nội ngoại của tôi không có gia phả dài. Tôi tìm tới đời cụ mình thì hết thông tin. Nhưng tôi phát hiện ra, cội rễ không chỉ là dòng máu, nó còn là duyên phận đẩy con người tới với nhau, ở bên nhau yêu thương và giữ cho nhau mạng sống trong những giờ phút sinh tử. Cội rễ của một con người hay cội rễ của một thế hệ, lớn hơn nữa là của một đất nước chính từ những bình dị nhưng không hề bé nhỏ ấy.

Tôi chợt nghĩ, nếu dựng gia phả, những con cháu của các nhân vật trong sách Đừng kể tên tôi biết đâu sẽ xen vào tên người y tá cứu thương binh, tên một đồng đội bất chấp cái chết để không bỏ bạn. Hay như anh bạn vừa tìm về chiến khu kia. Trong gia phả của dòng tộc anh, biết đâu có cái mở ngoặc dành cho người thủ trưởng nào đó đã tác hợp một chuyện tình.

 Hoàng Hồng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI