Tìm cách ứng phó với nắng nóng và thời tiết cực đoan

10/05/2023 - 05:27

PNO - Những ngày qua, cả nước gánh chịu đợt nắng nóng với nền nhiệt cao nhất từ trước đến nay, có nơi 44,2 độ C. Theo dự báo của ngành khí tượng - thủy văn, các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện trong 3 tháng tới, tập trung ở miền Bắc và miền Trung.

Vùng nhiều sông rạch cũng thiếu nước

Nghệ An là tỉnh hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt nhất ở miền Trung. Ngày 7/5, nền nhiệt ở huyện Tương Dương là 44,2 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số địa phương ở vùng biên giới thuộc tỉnh Nghệ An mới đang thực sự khan hiếm nước.

Người đàn ông ở bến xe Mỹ Đình phải dội nước lên mặt để chống nắng nóng gay gắt ngày 6/5 - ẢNH: TRANG THU
Người đàn ông ở bến xe Mỹ Đình phải dội nước lên mặt để chống nắng nóng gay gắt ngày 6/5 - Ảnh: Trang Thu

Có mặt ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, chúng tôi ghi nhận, nhiều sông, suối ở đây đã trơ đáy, người dân phải rủ nhau đi tìm khe nước mới cách nơi ở nhiều cây số, rồi mua đường ống dẫn nước về nhà. Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ - cho hay, không có nước tưới nên nhiều nương hoa màu khô héo, hơn 20ha lúa bị hạn nặng khi đang trổ đòng. 

Ông cho biết thêm, UBND xã đã đề xuất từng cụm khoảng 20 gia đình góp tiền mua đường ống lớn, dẫn nước từ khe suối về một điểm để dùng chung, sau đó dùng can xách nước về nhà để nấu ăn. Việc tắm giặt chung bất tiện, nhưng không còn cách nào khác. 

Những ngày qua, nền nhiệt ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi như Ba Tơ, Trà Bồng có lúc lên trên 40 độ C. Chị Phương (huyện Trà Bồng) phải để một thau đá lạnh, bật quạt thổi cho con gái ôn thi học kỳ II lớp Bốn. Ở thị xã Đức Phổ, bà con đã thu hoạch lúa từ tháng trước nhưng do thiếu nước nên chưa thể xuống giống vụ lúa tiếp theo. 

Theo bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - nếu đến hết tháng Năm mà không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn trên đảo sẽ rất khốc liệt. Hiện giờ, nhiệt độ trên đảo có lúc cao hơn 39 độ C khiến nhiều ruộng hành bị héo lá, chết. 

Ở khu vực Nam Bộ, nắng nóng kéo dài hơn 2 tuần qua. Ông Võ Tấn Nhẫn - Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An - cho hay, mực nước hồ giảm sâu, đo được sáng 7/5 là 50,5m, gần với mực nước chết (50m), là mực nước thấp nhất đo được ở hồ này trong hơn 10 năm qua.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông, kênh, rạch nhưng nắng nóng vẫn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương. Người dân ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, một số nhà dân đã thiếu nước. Họ khoan giếng rất sâu nhưng vẫn không có nước ngọt. Hiện bà con chủ yếu dựa vào nguồn nước tích trữ được nhưng nếu nắng nóng kéo dài, nước sinh hoạt sẽ khan hiếm.

Người đô thị gồng mình trong "chảo lửa"

TP Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt đầu mùa với nền nhiệt xấp xỉ 40 độ C. Thậm chí, nhiệt độ thực tế đo được ở ngoài trời cao hơn rất nhiều, như vào trưa ngày 6/5, nhiệt độ mà chúng tôi đo được ở bến xe Mỹ Đình là 52 độ C. 

Người dân ở TP Hà Nội mưu sinh dưới cái nắng đổ lửa ngày 6/5 ẢNH: TRANG THU
Người dân ở TP Hà Nội mưu sinh dưới cái nắng đổ lửa ngày 6/5 - Ảnh: Trang Thu

Ví mình như “mực một nắng”, anh Nguyễn Tuấn - làm nghề bốc vác ở bến xe này - phải mang nón lá, mặc áo dày cộp, kín mít từ đầu đến chân để tránh nắng rát. Tranh thủ trú trong bóng râm bên hông chiếc xe khách, anh dội thẳng chai nước lên khắp mặt, đầu để hạ nhiệt cơ thể. 

Để đối phó với nắng nóng, nhiều người “cố thủ” trong nhà khiến đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn. Tuy nhiên, với nhiều người, căn phòng trọ chưa đầy 10m2 chẳng khác nào chiếc nồi hầm. Ngồi trong phòng trọ ăn cơm trưa, lưng áo của bà Hứa Thị Vinh - 73 tuổi, quê ở tỉnh Cao Bằng - ướt nhẹp mồ hôi. Là bệnh nhân phải lọc thận, bà Vinh trọ ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) được 8 năm. Năm nào, mùa hè tới cũng là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân chạy thận như bà, nhưng mùa nắng năm nay đến sớm, oi bức hơn. Thỉnh thoảng, bà lại chạy đi dấp khăn vào nước, đắp lên đầu cho mát. 

Nhiều người dân ở TPHCM vào Thảo Cầm Viên để tránh đợt nắng nóng đầu tháng 5/2023 - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Nhiều người dân ở TPHCM vào Thảo Cầm Viên để tránh đợt nắng nóng đầu tháng 5/2023 - Ảnh: Nguyễn Văn

Ở TPHCM, cơn mưa tối 8/5 được ví là mưa vàng, giúp giảm bớt phần nào sự oi bức. Tuy nhiên, ngày 9/5, tiết trời vẫn oi ả. Trong căn nhà trọ ở ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, anh Thạch Hiếu canh cơm vừa chín là rút điện để phòng đỡ nóng bức. Giữa tiết trời 37 độ C, dù đã bật quạt, anh vẫn nhễ nhại mồ hôi. Gia đình anh Hiếu có 4 thành viên, chung sống trong căn phòng trọ khoảng 9m2. “Mấy hôm nay nắng quá, tôi phải bắc võng ra ngoài nằm cho đỡ ngột ngạt” - anh Hiếu nói.

Chủ động ứng phó để giảm thiệt hại

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Nghệ An dự kiến gieo trồng 81.000ha lúa. Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An - cho biết, ngay từ vụ đông xuân, UBND tỉnh đã nhiều lần đề nghị ban quản lý các hồ, đập thủy điện xả nước để phục vụ sản xuất, chống hạn vùng Thanh Chương và Đô Lương. 

Ông nói: “Hiện lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chỉ còn khoảng 300 triệu m3 nước, thấp hơn mực nước thấp nhất cần đạt 12m. Các hồ chứa nước khác cũng đang thiếu nước trầm trọng. Với tình hình này, vài tháng tới, toàn tỉnh sẽ đối mặt với hạn hán nặng. Sắp tới, chúng tôi sẽ khơi thông khe suối, nạo vét kênh mương, nối thêm đường ống, khảo sát và lắp đặt các trạm bơm dã chiến để đối phó nắng hạn”.

Ở tỉnh Bình Định, các địa phương đã cấp tốc xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng, cháy ở khu dân cư. Ông Hồ Đắc Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - cho biết, nhờ chủ động dự báo về tình trạng hạn hán nên các hồ chứa được điều tiết hợp lý, hiện còn 75% dung tích, đủ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất vụ hè thu sắp tới. Lực lượng kiểm lâm cũng tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống cháy rừng và chuẩn bị đủ phương án, phương tiện chống cháy rừng.

Mực nước ở nhiều công trình thủy lợi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chạm mức “chết” - ẢNH: THUẬN HÓA
Mực nước ở nhiều công trình thủy lợi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chạm mức “chết” - Ảnh: Thuận Hóa

Theo Công ty TNHH một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu vụ, tùy theo thực tế, trạm A Lưới chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó hạn hán, bố trí lực lượng, chủ động điều tiết nước và kịp thời lắp đặt máy bơm dầu ở các hồ chứa để sẵn sàng cấp nước chống hạn một cách tiết kiệm, hiệu quả. Công ty cũng sẽ phối hợp các địa phương hướng dẫn người dân tưới tiêu phù hợp, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nắng nóng đã khiến 3.548ha tôm nuôi ở tỉnh Cà Mau bị bệnh, mức độ thiệt hại khoảng 50 - 85% tùy nơi. Tình trạng tôm nuôi bị bệnh do chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ban ngày và ban đêm cũng xảy ra ở tỉnh Kiên Giang. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, đến nay, đã có khoảng 446ha tôm nuôi bị thiệt hại và nguy cơ còn tăng bởi nắng nóng vẫn gay gắt. Chi cục đã hỗ trợ nông dân hàng chục tấn chlorine để xử lý nguồn nước, môi trường. 

Ở tỉnh Bến Tre, do lường trước tình trạng hạn, mặn người dân đã chủ động ứng phó. Ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết, toàn huyện có hơn 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây giống, hoa kiểng và cây ăn trái đặc sản. Bên cạnh xây hồ chứa nước ngọt, người dân còn thường xuyên đo mặn trước khi tưới cho cây trồng; ngành chức năng cũng xây dựng thêm các công trình ngăn mặn, trữ ngọt. Nhờ đó, dù đang mùa xâm nhập mặn, khoảng 80% diện tích đất sản xuất của huyện vẫn có đủ nước tưới. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI