Hoa lạc giữ rừng gươm
Tiến sĩ Bùi Thị Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội - cho hay, với các ngành kỹ thuật như điện, công nghệ điện, điện tử, cơ khí, công nghệ ô tô… rất hiếm sinh viên nữ. Đặc biệt, ngành công nghệ ô tô chỉ có 1 sinh viên nữ trong tổng số hơn 2.000 sinh viên trong suốt 3 năm học vừa qua. Điều này cho thấy sinh viên nữ theo ngành kỹ thuật hiếm hoi đến thế nào. Theo bà Bùi Thị Ngân, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ định kiến lĩnh vực STEM chỉ dành cho nam giới, rất khô khan, quá trình học vất vả.
Tương tự, phó giáo sư, tiến sĩ Đàm Sao Mai - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cũng thông tin, tính bình quân trong khối ngành STEM thì trường vẫn ổn về vấn đề “cân bằng giới tính”, nhưng ở từng ngành cụ thể lại có sự khác biệt lớn. Có những ngành như công nghệ thực phẩm hoặc môi trường, tỉ lệ sinh viên nữ lên đến hơn 60%. Tuy vậy, ở những ngành như ô tô, động lực, cơ khí… thì rất ít sinh viên nữ. Năm nay, tân sinh viên Khoa Động lực chỉ có hơn 10 em nữ. Bà Đàm Sao Mai đánh giá vấn đề không phải là năng lực, bởi thực tế cho thấy các sinh viên nữ học ngành động lực thậm chí giỏi hơn cả nam, vì phụ nữ có khả năng để ý các chi tiết nhỏ của máy móc tốt hơn. Tuy vậy, rào cản lớn nhất nằm ở tâm lý lựa chọn ngành nghề của nữ sinh. Đa phần các bạn ngại lựa chọn những ngành được mặc định là dành cho nam.
|
Sinh viên nữ theo học ngành cơ khí tại Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - Ảnh: P.T |
Tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), tỉ lệ sinh viên nữ luôn ở mức thấp. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - nhận xét, trong các khối ngành STEM thì tin học dễ thu hút nữ hơn, nhưng ở trường, tỉ lệ nữ học ngành này chưa đầy 10%. Tuy vậy, gần đây đã có chuyển biến tốt, năm học 2022-2023, trường tự hào công bố lần đầu tiên tỉ lệ sinh viên nữ lên đến 22% (khoảng 1.000 em) so với những năm trước chỉ khoảng 18%. Bên cạnh đó, trong đợt tốt nghiệp mới đây, cũng lần đầu tiên trường có tới 12 nữ trong tổng số 40 tân cử nhân được vinh danh do có thành tích xuất sắc. Trong đó, có 6 em đoạt huy chương vàng và 6 em đoạt huy chương bạc, thuộc các khoa: Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật địa chất và dầu khí, Công nghệ vật liệu, Môi trường tài nguyên, Cơ khí, Kỹ thuật xây dựng…
Còn tại Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, dù nhìn chung tỉ lệ sinh viên nữ cao hơn nam, nhưng ở các khoa kỹ thuật như Cơ khí, Điện tử… chỉ có một vài sinh viên nữ. Là sinh viên nữ duy nhất trong lớp có 40 người, Trương Ngọc Bích - đang học năm thứ ba ngành cơ điện tử thuộc Khoa Cơ khí của trường - chia sẻ: “Thực tế quá trình học tập các ngành kỹ thuật, cơ khí cho thấy dù sinh viên nữ có thể hạn chế về những môn thực hành như hàn hay tiện, song với những môn về tính toán thông số, bản vẽ kỹ thuật, trình bày… nữ có thể chiếm ưu thế so với nam”.
Làm tốt tư vấn hướng nghiệp để tạo chuyển biến trong tư duy
Ông Bùi Hoài Thắng cho biết trong những năm qua, trường rất chú trọng việc đẩy tỉ lệ nữ cao hơn qua từng năm học. Đối với chương trình tư vấn tuyển sinh, trường có làm riêng chương trình về doanh nhân nữ giới. Hiện trường có nhiều lãnh đạo khoa là nữ, cho nên trong những mùa tuyển sinh, nhà trường yêu cầu các trưởng ngành là nữ xuất hiện để tư vấn cho học sinh. Các chính sách hỗ trợ nữ giới tại trường được duy trì nhất quán từ nhiều năm qua, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, lãnh đạo nữ cũng như thu hút sinh viên nữ.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác tuyển sinh, ông Bùi Hoài Thắng nhận xét: “Những năm gần đây, các bạn nữ đã mạnh dạn đặt câu hỏi về ngành kỹ thuật, kể cả với xây dựng là ngành mà nhiều người mặc định là của nam giới. Hoặc nhiều em hỏi phụ nữ học ngành ô tô được không. Có em còn tâm lý sợ phải chui gầm xe. Nhưng không, ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển đến mức vượt qua được tất cả rào cản đó, các em không cần phải chui gầm mà có hệ thống đẩy xe lên. Các bạn nữ cũng đừng ngại chuyện tay bạn có đủ mạnh để vặn cờ lê không, quan trọng là bạn nắm được kiến thức còn những việc nặng nhọc đó hoàn toàn có máy móc hỗ trợ. Tuy vậy, ở các vùng nông thôn, định kiến còn rất nặng nề. Do đó, ở góc độ tư vấn tuyển sinh, chúng tôi cố gắng mang những hình ảnh nữ giới về các vùng sâu, vùng xa để thay đổi nhận thức về giới trong khối ngành STEM”.
Theo bà Bùi Thị Ngân, nhà trường rất trăn trở làm thế nào để nữ sinh hiểu đúng, đăng ký học và làm việc trong các khối ngành STEM. Tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, để nữ sinh hiểu hơn về STEM, ngoài việc tuyển sinh thông thường qua các kênh, năm vừa rồi trường sử dụng hình thức live stream trực tiếp đối với tất cả chương trình đào tạo. Trong mỗi buổi truyền hình đó, đều có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt lấy các em nữ sinh thành đạt để làm hình mẫu tham gia vào các diễn đàn tư vấn. Có hình mẫu thành công của nữ sinh viên và nữ doanh nhân trong khối ngành STEM sẽ góp phần thu hút bạn nữ quan tâm.
Trong khi đó, bà Đàm Sao Mai nhìn nhận, nếu cùng một vị trí việc làm, với 2 người học tương đương nhau về bằng cấp và năng lực thì doanh nghiệp vẫn có xu thế chọn bạn nam. Đó mới là vấn đề. Do đó, cân bằng giới trong trường không khó, vấn đề là làm sao sau khi ra trường, xã hội và doanh nghiệp dành cơ hội cho nam và nữ ngang nhau mới khó. “Ở góc độ nhà trường, chúng tôi cố gắng trang bị cho sinh viên ngoài kiến thức còn có kỹ năng mềm. Nữ học kỹ năng mềm tốt hơn nam, khả năng nắm bắt tâm lý, thuyết trình, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian… đều có thể vượt trội nam giới. Nếu trang bị tốt các kỹ năng này thì sẽ là lợi thế cho sinh viên nữ sau khi ra trường” - bà Đàm Sao Mai nhấn mạnh.
Trường đại học đặt vấn đề doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng sinh viên nữ Bà Bùi Thị Ngân đánh giá các bạn nữ theo học các khối ngành STEM đều rất giỏi. Tỉ lệ sinh viên nữ ra trường có việc làm ngay tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội tăng hằng năm, có những khoa tuy ít nữ nhưng 100% ra trường có việc làm ngay. Trường có những chương trình hợp tác chuyên sâu với doanh nghiệp để đào tạo phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng. Khi làm việc với doanh nghiệp, nhà trường luôn đặt vấn đề ưu tiên tuyển dụng nữ sinh, có cam kết với doanh nghiệp về chất lượng đào tạo sinh viên nữ. Tương tự, ông Bùi Hoài Thắng cũng cho rằng, nhu cầu việc làm tại khối ngành STEM rất cao. Có những công việc như công nghệ thông tin cần người đến mức các trường tốt nghiệp bao nhiêu là doanh nghiệp lấy bấy nhiêu, khi đó vấn đề nam, nữ không còn quan trọng. Nhưng đối với những công việc mà doanh nghiệp cần cân nhắc số lượng thì vai trò của nhà trường rất quan trọng. Do đó, nhà trường cũng duy trì mô hình kết nối với doanh nghiệp và đặt vấn đề ưu tiên tuyển dụng sinh viên nữ. Bên cạnh đó, trong các công ty nước ngoài hoặc dự án quốc tế buộc phải đảm bảo tỉ lệ nữ giới thì lúc đó vai trò của nhà trường nổi lên. Các doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi là sinh viên nữ của trường đâu. Khi đó trường đại học lại đặt câu hỏi xuống các trường phổ thông là học sinh nữ đâu. Theo ông Bùi Hoài Thắng, việc cân bằng tỉ lệ nữ trong học tập cũng như làm việc ở khối ngành STEM cần được thực hiện liên tục, đồng bộ, từ việc thay đổi tư duy của gia đình và xã hội, cũng như những chính sách trong học tập và làm việc để thu hút nữ giới. |
Phương Thanh