“Được ăn, được ngủ là tiên trên đời”, thiên hạ bảo thế nhưng vẫn chưa đủ, phải còn đạt đến yêu cầu này nữa: ăn với ai và ngủ với ai. Không gì sung sướng hơn khi mỗi ngày, mọi hoạt động đó được “chung chạ” với người mình yêu. Đã yêu, thôi thì, cách tốt nhất vẫn là cưới nhau, từ đây chung sống một nhà, tha hồ cùng ăn, cùng ngủ. Nếu mọi việc cứ diễn ra như thế ắt đời vui và mình luôn có cảm giác là “tiên trên đời”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hỡi ôi, đời không là mơ. Những viễn mơ của thời yêu nhau đã dần dà lui gót, bấy giờ, họ phải đối mặt với hiện thực của đời sống đã diễn ra, đã tác động đến mái ấm của họ. Trước những tình huống éo le này, có đôi lứa “hóa giải” để “xuôi chèo mát mái”; ngược lại có những vợ chồng cứ như sao Hôm sao Mai, sao Hỏa sao Kim, ông chẳng bà chuộc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược… Rối cả đầu. Mệt cả óc.
Dám đồ rằng, khi bước vào hôn nhân, phụ nữ “trưởng thành” và chững chạc hơn đàn ông nhiều lắm. Nghe lạ tai, phải không?
Này nhé, khi trở thành vợ, con cháu của bà Eva đã nghĩ gì? Tự thâm tâm họ như một cấu trúc đặc biệt đã hình thành một lẽ tự nhiên: họ nghĩ từ đây mình bắt đầu/chính thức bước vào một trang đời mới hoàn toàn khác trước, do đó, phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để có những bước đi “đâu ra đó”. Tất cả còn ở phía trước. Tất cả chỉ mới bắt đầu. Ngược lại, đàn ông hầu hết lại nghĩ khác. Họ nghĩ rằng, hôn nhân là kết thúc. Đã xong. Cái mà mình cần có thì bây giờ đã có. Họ yên tâm và quên béng đi những chuyện mà trước đây nhờ đó họ mới chinh phục được “người bạn đời”.
Nếu khảo sát các tình huống ông nói gà, bà nói vịt, ta sẽ ngạc nhiên vì thấy trong đó có những chuyện cực kỳ “trẻ con”. Có thể vào một buổi chiều nào đó, bạn đi làm về, bỗng kinh ngạc khi thấy nhà cửa trang hoàng đẹp hơn, nhìn vào bàn ăn thấy bao món ăn ngon; đã thế, cô vợ còn diện oách hơn mọi ngày. Bạn ngạc nhiên, dụi mắt, vỗ tay vào trán và thầm hỏi: “Sao thế này?”. Ngay lúc đó, cô nàng mặt tươi như hoa, hớn hở: “Hoa tặng em đâu?”.
Vẽ chuyện. Sao lại hoa hòe hoa sói gì nữa? Cưới nhau đã có mấy mặt con mà hôm nay giở chứng đòi tặng hoa ắt… cô nàng có “vấn đề” gì chăng? Nhìn thấy ông chồng biểu lộ khuôn mặt ngạc nhiên, cô vợ bèn nhỏ nhẹ: “Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không?”. Trời, 1 năm có 365 ngày thì hôm nay là ngày thứ Hai chứ gì? Với “đáp án” đó, ngay lập tức, ta thấy ngay một gương mặt rầu rĩ, xụi lơ như thể bánh tráng nhúng nước: “Anh hết yêu em rồi. Hôm nay kỷ niệm ngày cưới của bọn mình”. Chà, anh chồng giật mình chống chế: “Sao em không nhắc anh?”.
Câu chuyện chỉ có thế, tưởng sẽ “làm lành” một cách dễ dàng nhưng chưa chắc. Nỗi khổ tâm nhất của các cặp vợ chồng, tôi nghĩ vẫn chính là lúc cả 2 cùng thiện tâm, cùng mong muốn việc đó diễn ra tốt đẹp hơn nhưng lại không tìm được tiếng nói chung. Ví dụ, cha mẹ nào mà không yêu thương, chăm lo cho con; nhưng giữa chồng và vợ lại có cách biểu hiện lẫn tính toán khác nhau. Sau khi có con, cô vợ đâm ra khác trước, tức là mong muốn thu nhập ngày càng nhiều hơn, chỉ vì cần lo cho con về sau. Tốt thôi. Thế là cô bỏ nghề dạy học chuyển sang môi giới bất động sản và may thay cũng “thắng đậm” sau nhiều lần mua đi - bán lại. Sau khi có tiền, cô vợ quyết định cho con du học, anh nọ đồng thuận nhưng cân nhắc là cho học ở Singapore vì phù hợp túi tiền mà vợ chồng đang có. Hợp lý quá đi chứ?
“Không, đã du học thì phải học ở châu Âu mới bảnh” - cô vợ nói. Vậy, tiền đâu? Chính vì phải trả lời câu hỏi này cho bằng được mà cuối cùng vợ chồng anh đành chọn phương án vay tiền ngân hàng. Ừ, lo cho con cũng tốt thôi. Có điều, sự vay mượn đó đã trở thành áp lực lên vợ chồng anh mỗi ngày. Trước kia, thỉnh thoảng họ có thể dẫn nhau du lịch, mua sắm nọ kia, có thời gian nghỉ ngơi, xem phim, đọc sách… thì nay phải ra sức “cày” mỗi ngày để kiếm ra tiền. Từ chỗ dạy 1 trường, nay anh phải dạy thêm nhiều chỗ khác nữa; từ chỗ chỉ môi giới bất động sản, cô vợ lại kiêm “chơi” chứng khoán dù không mấy rành rẽ. Cứ thế, thời gian cuốn đi cho đến lúc anh… đưa tay đầu hàng.
Đại loại, các tình huống tương tự, ta có thể nhìn thấy ngay chính trong căn nhà của mình. Vấn đề đặt ra ở đây, khi bàn về chuyện này, điều then chốt vẫn là làm thế nào để tháo gỡ. Vì rằng, sự trái ngược giữa sao Hỏa sao Kim vẫn có chung mục đích nhằm đạt đến điều gì đó tốt hơn, chỉ có khác ở cách thực hiện. Đến nước này, thú thật, nếu là tôi, tôi chỉ nghĩ đến chiều hướng tích cực hơn cho nhẹ nhàng cái sự đời.
Ví dụ trường hợp anh chồng quên tặng hoa vì quên kỷ niệm ngày cưới, cô vợ vẫn còn có cách tự an ủi vì dù gì chồng cũng về nhà đúng giờ; còn hơn ngày đó lại léng phéng với mèo mỡ nào đó. Thế thì trường hợp vừa xảy ra cũng chưa là “cái đinh” gì. Có nghĩ thế, mới nghĩ ra cách hóa giải mà không “lớn chuyện”. Còn chuyện du học của anh chàng nọ thì sao? Dễ lắm, cứ nghĩ mọi việc của vợ dù có thế nào đi nữa cũng là vì tình yêu thương dành cho con, còn hơn mình bị đẩy vào cảnh tồi tệ hơn - cô ấy làm thế vì… “phi công trẻ” ất ơ nào đó.
Ý tôi muốn nói, đã vợ chồng là ăn đời ở kiếp, dù gì cũng phải tìm mọi cách để có thể “chung sống hòa bình” lâu dài. Một trong những cách, theo tôi, khi đối diện, đối thoại, tranh luận lẫn nhau, tâm niệm rằng: “Vợ mình/chồng mình làm chuyện này, muốn chuyện này cũng vì cái chung, vì mái ấm nhà này, chứ không vì gì khác”. Một khi đã nghĩ như thế, ắt cả 2 sẽ cùng có cách tìm ra hướng đi phù hợp nhất.
Lê Minh Quốc