Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, khảo sát về bình đẳng giới trong 3 lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ giúp hoạch định chính sách, tìm giải pháp giảm thiểu khoảng cách giới.
Còn nhiều khoảng cách
Từ kết quả khảo sát 9.094 người từ 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước năm 2024, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thi - Phó viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục.
Tỉ lệ nam và nữ tham gia học tập ở các cấp học gần như tương đương. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách giới trong sinh viên, giáo viên, giảng viên, cũng như sự chênh lệch trong việc lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp.
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Cụ thể, giáo viên làm việc ở bậc giáo dục mầm non luôn chiếm tỉ lệ từ 98 - 99% là nữ, bởi quan niệm “chăm sóc trẻ nhỏ là công việc phù hợp với phụ nữ”. Ở bậc tiểu học, tỉ lệ giáo viên nữ chiếm 77 - 80% và dao động quanh mức 70% ở bậc THCS, 62 - 65% ở bậc THPT.
Bà Minh Thi e ngại, sự mất cân bằng giới trong lĩnh vực giáo dục sẽ đặt ra thách thức trong việc thu hút nam giới tham gia vào ngành. Theo bà, tỉ lệ giáo viên nam cao hơn có thể giúp tạo ra môi trường học tập đa dạng hơn về cách quản lý lớp học, phong cách giảng dạy và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ có trình độ đại học trở lên. Nhìn chung, tỉ lệ nam giới có trình độ đại học cao hơn nữ giới ở hầu hết các nhóm, dù sự chênh lệch này không quá lớn.
Ví dụ, ở khu vực đô thị, tỉ lệ nam giới có trình độ đại học là 36,9%, nữ giới là 35,3%, trong khi ở nông thôn, tỉ lệ này lần lượt là 20,5% và 17,6%. Điều này cho thấy: dù nữ giới có cơ hội học đại học nhiều hơn trước nhưng họ vẫn gặp một số rào cản so với nam giới, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Nghiên cứu sự đầu tư của phụ huynh cho việc học thêm của con, bà Minh Thi chỉ ra những vấn đề giới cần quan tâm. Đó là tỉ lệ tham gia của nam (45,4%) vào các môn năng khiếu, các lĩnh vực mang tính sáng tạo hoặc kỹ thuật, cao hơn so với nữ (40,6%). Con trai cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động phát triển thể chất và kỹ năng.
“Nữ sinh thường tập trung vào các lĩnh vực như khoa học xã hội, giáo dục và y tế, trong khi nam sinh chiếm ưu thế ở các ngành kỹ thuật và công nghệ. Điều này phản ánh những khuôn mẫu và định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của cả 2 giới” - bà Minh Thi khẳng định.
Định kiến giới cản trở phụ nữ
Trong thời đại ngày nay, biết sử dụng các thiết bị công nghệ là cơ hội để phát triển cá nhân, mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ, thông tin, cơ hội việc làm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Thị Thanh - Viện Nghiên cứu con người - không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang bị ảnh hưởng bởi định kiến giới trong việc tiếp cận khoa học công nghệ.
Theo tiến sĩ Thanh, tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ sinh viên nữ tham gia các ngành khoa học công nghệ chưa đến 40%. Số liệu của Tổng cục Thống kê và UNICEF tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, chỉ khoảng 29% phụ nữ Việt Nam tận dụng kỹ năng số để phục vụ cuộc sống. Đó là do phụ nữ ít được sở hữu các thiết bị công nghệ và ít dành thời gian sử dụng internet hơn nam giới.
Mặc dù đảm nhận vai trò chính trong việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nhưng tỉ lệ phụ nữ biết sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại như máy rửa bát, robot lau nhà, thiết bị nhà thông minh chỉ chiếm 8,3%, thấp so với nam giới (12,5%).
Theo tiến sĩ Vũ Thị Thanh, chính những định kiến cho rằng phụ nữ không phù hợp lắm với những công việc, ngành nghề liên quan đến khoa học công nghệ khiến phụ nữ không chủ động học hỏi, thiếu tự tin và ít tham gia lĩnh vực này. Đó cũng là rào cản đối với phụ nữ trong cơ hội nghề nghiệp cũng như giải phóng sức lao động cá nhân, làm ảnh hưởng tới việc tăng cường quyền năng kinh tế chính họ.
Dựa trên sự chênh lệch số liệu trên thị trường lao động, tiến sĩ Phạm Thị Thu Phương - Tổng biên tập Tạp chí Phát triển và bền vững vùng - chỉ ra: trong khi nam giới có xu hướng làm các công việc trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, có nhiều lựa chọn cho công việc chính và chiếm tỉ lệ cao ở các vị trí lãnh đạo thì nữ giới chiếm tỉ trọng lớn trong các ngành nghề lao động giản đơn, bán hàng, dịch vụ.
Đáng chú ý là thu nhập trung bình của nam giới đang cao hơn nữ giới 1,3 lần. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt thu nhập đó, theo bà đến từ sự phân biệt đối xử từ thị trường lao động và chủ doanh nghiệp.
 |
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh - Viện Nghiên cứu con người - chia sẻ ý kiến tại hội thảo |
Khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động STEM
“Bình đẳng về cơ hội, trình độ giáo dục, đào tạo trên thị trường lao động sẽ giúp nữ giới cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách với nam giới. Do đó, giáo dục, đào tạo sẽ là chìa khóa quyết định năng lực cạnh tranh của phụ nữ trên thị trường lao động. Việc tăng cường công nghệ số, đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng một xã hội học tập suốt đời cũng sẽ giúp con người, đặc biệt là phụ nữ, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của thị trường lao động” - tiến sĩ Phạm Thị Thu Phương nêu giải pháp.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia hoạt động đào tạo, giúp họ nâng cao năng lực, tiếp cận khoa học công nghệ. Hiện nay, ở một số vùng nông thôn đã thành lập mô hình “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” nhằm hướng dẫn phụ nữ, người dân tiếp cận quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, sự hướng dẫn không nên “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải “cầm tay chỉ việc”, phải làm thường xuyên theo quan điểm “trăm hay không bằng tay quen”.
Ngoài ra, cũng cần có các chương trình, sáng kiến, học bổng để thúc đẩy bình đẳng giới trong việc tham gia các hoạt động STEM, khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tham gia nhiều hơn vào các ngành công nghệ để không chỉ có cơ hội việc làm mà còn biết tận dụng nhiều hơn các thành quả của khoa học công nghệ để phục vụ cuộc sống, phát triển bản thân.
“Quan trọng không kém là phải tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi định kiến giới để phụ nữ chủ động, tự tin rằng họ hoàn toàn có thể học hỏi từ khoa học công nghệ để làm chủ cuộc sống” - bà Thanh nói thêm.
Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển Việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ giúp nâng cao năng lực cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo và đổi mới quốc gia. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian rộng mở hơn cho sự tham gia của các giới trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉ lệ nữ ứng cử vào các cấp ủy, HĐND luôn là vấn đề được quan tâm. Điều này một lần nữa cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới cũng như tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên, phát triển. Ông Phạm Quý Trọng - Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương |
Nguyệt Minh