TikTok với những trào lưu độc hại tấn công giới trẻ

17/10/2021 - 09:28

PNO - Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn và ảnh hưởng của TikTok đến giới trẻ, nhất là trong giai đoạn COVID-19 đang diễn ra. Thế nhưng, các nhà quản lý giáo dục đang đứng ngồi không yên với những thách thức và trào lưu nguy hiểm, độc hại đang tấn công học sinh của mình.

Với 2,6 tỷ lượt cài đặt cho đến thời điểm hiện tại, TikTok hiện đang là một trong những nền tảng mạng xã hội thu hút sự tham gia đông đảo nhất của giới trẻ.

Nhu cầu đăng ký trở thành thành viên của TikTok càng gia tăng trong thời gian gần đây khi tình hình dịch bệnh COVID-19 với các làn sóng lây nhiễm liên tục tấn công các quốc gia trên khắp thế giới.

Lượng người dùng TikTok tăng đột biến trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 - Ảnh: Social Publi
Lượng người dùng TikTok tăng đột biến trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 - Ảnh: Social Publi

Theo thống kê của tạp chí Forbes vào tháng 9/2020, cứ 6 người Mỹ thì có 1 người dùng TikTok, và trong số đó phần lớn là thanh thiếu niên. Còn trên phạm vi toàn cầu thì hãng tư vấn quốc tế Tug Agency cho biết: Tháng 11/2018, số người dùng TikTok là 680 triệu người trong khi con số người dùng hoạt động hàng tháng trong năm 2021 là 1,1 tỷ. Điều này cho thấy có sự gia tăng đột biến lượng người dùng nền tảng mạng xã hội TikTok trong thời gian dịch bệnh.

Mặc dù theo quy định của TikTok thì trẻ em dưới 13 tuổi không được phép đăng ký sử dụng nền tảng mạng xã hội này, thế nhưng bất cứ ai thuộc nhóm tuổi này cũng đều dễ dàng tạo cho mình một tài khoản trên TikTok bằng cách cung cấp thông tin giả về ngày tháng năm sinh để qua mặt hệ thống đăng ký.

Đây chính là điều mà các bậc phụ huynh và nhà quản lý lo lắng bởi bên cạnh những clip nhảy nhót vui nhộn thì thanh thiếu niên cũng đang bị cuốn sâu vào các hoạt động trên mạng xã hội này với những trào lưu độc hại liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.

Những thách thức nguy hiểm và trào lưu độc hại trên TikTok

Thử thách thùng sữa (Milk Crate Challenge): Đây là một thách thức rộ lên trên TikTok trong tháng 8/2021 bằng cách yêu cầu người chơi cố gắng vượt qua các thùng sữa được xếp chồng lên nhau theo hình kim tự tháp. Nghe và nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra những thùng nhựa này lại rất mong manh và dễ đổ bởi kết cấu thiếu chắc chắn. Nhiều người chơi đã bị té ngã giữa chừng trước khi kịp leo lên được tới đỉnh.

Nhiều trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng khi người chơi thực hiện thử thách này - Ảnh: New York Post
Nhiều trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng khi người chơi thực hiện thử thách này - Ảnh: New York Post

“Thử thách thùng sữa rất nguy hiểm. Đã xảy ra ​​nhiều chấn thương nghiêm trọng từ các cú ngã như gãy cổ tay, trật khớp vai, đứt dây chằng chéo trước khớp gối, rách sụn chêm… Không hiếm những chấn thương đe dọa tới tính mạng như chấn thương tủy sống”, Shawn Anthony, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình chuyên về y học thể thao tại Bệnh viện Mount Sinai (New York) cho biết.

Trong khi số bệnh nhân COVID-19 vẫn tăng cao khiến hệ thống y tế nhiều nơi đang phải căng mình ra để xử lý, thậm chí bị quá tải thì việc phải nhận thêm những ca cấp cứu do bị chấn thương bởi thử thách này càng khiến các bác sĩ lo lắng.

“Vì dịch bệnh đang quay trở lại nên các bạn hãy kiểm tra xem bệnh viện gần mình nhất có giường cho bạn nằm hay không trước khi tham gia Milk Crate Challenge nhé”, một bệnh viện địa phương ở Mỹ đã phải đăng lời cảnh báo như vậy lên trang web của mình.

Thử thách Giựt da đầu (Scalp Popping Challenge) cũng đang khiến giới trẻ phát cuồng với động tác tưởng như vô hại nhưng lại dẫn đến những đau đớn về thể xác. Theo đó, người chơi xoắn một phần tóc trên đỉnh đầu của mình quanh ngón tay và giật mạnh lên, tạo ra hiệu ứng “popping” (giựt) trên da đầu với âm thanh nghe như tiếng bẻ khớp ngón tay.

Hành động này nếu làm sai cách thì có thể khiến chúng ta đau đớn khi từng mảng tóc bị rứt ra khỏi da đầu của mình.

Thử thách Giựt da đầu thu hút phần lớn các cô gái trẻ tham gia - Ảnh: Parentology
Thử thách Giựt da đầu thu hút phần lớn các cô gái trẻ tham gia - Ảnh: Parentology

Thử thách ngạt thở (Blackout Challenge) được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội từ năm 2020, đặc biệt là TikTok. Nó đòi hỏi người chơi thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời.

Đã có nhiều báo cáo các trường hợp thanh thiếu niên tử vong vì bị ngất xỉu khi đang ở một mình dẫn đến việc không có được sự hỗ trợ kịp thời của những người xung quanh.

Thử thách Coronavirus (Coronavirus Challenge) là thử thách khuyến khích người chơi liếm đồ vật ở nơi công cộng nhằm chứng tỏ bản thân không sợ COVID-19. Thử thách này đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội với hashtag #coronaviruschallenge thu hút 3,1 tỷ lượt xem trên TikTok.

Thử thách này khiến mọi người lo lắng bởi nó gây ra những nhận thức sai lầm về COVID-19, từ đó thúc đẩy các hành vi không được phép trong phòng chống dịch. Người chơi rất dễ bị nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có chứa virus và sau đó chạm vào miệng, mũi, mắt của mình.

Một bộ phận thanh niên có hành vi liếm bồn cầu để chứng minh mình không sợ COVID-19 - Ảnh: TikTok/@avalouiise
Một bộ phận thanh niên có hành vi liếm bồn cầu để chứng minh mình không sợ COVID-19 - Ảnh: TikTok/@avalouiise

Trào lưu đập phá trường học (Devious licks) vừa mới xuất hiện trong tháng 9/2021 và ngay lập tức làm mưa làm gió trên khắp các trường học ở Mỹ. Đối tượng thực hiện chủ yếu là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên đại học. Các em phá hoại tài sản của trường, phổ biến nhất là phòng tắm, rồi đăng kết quả phá hoại lên TikTok như là một cách để khoe chiến tích.

Chỉ trong vòng một tháng, đã có khoảng 94.200 đoạn clip với nội dung trên được đăng lên TikTok, thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người, nhất là các chuyên gia giáo dục, tỏ ra băn khoăn vì họ không thể hiểu nổi tại sao giới trẻ lại có thể thích thú với hành vi phá hoại tài sản như thế này.

Trào lưu hành hung giáo viên (Slap a teacher) được tiếp nối ngay sau trào lưu phá hoại trường học nói trên. Ngay từ đầu tháng 10/2021, nhiều trường học ở Mỹ đã ghi nhận các vụ việc giáo viên và nhân viên trường học bị chính học sinh của mình hành hung bằng cách tát vào mặt hoặc tấn công từ phía sau. Những hình ảnh này được ghi lại sau đó tung lên nền tảng mạng xã hội TikTok để khoe với nhau dẫn đến một làn sóng kêu gọi, thách thức nhau tiếp tục hành vi nghiêm trọng này lan nhanh trong môi trường học đường trên khắp nước Mỹ.

Cảnh sát đã phải vào cuộc bắt giữ một số học sinh vi phạm trong khi các nhà quản lý giáo dục liên tục cảnh báo giáo viên của mình cần thận trọng hơn khi tham gia hoạt động trong khuôn viên nhà trường.

Trào lưu hành hung giáo viên đang lan nhanh khắp các trường học ở Mỹ - Ảnh: Knowyourmeme
Trào lưu hành hung giáo viên đang lan nhanh khắp các trường học ở Mỹ - Ảnh: Knowyourmeme

Nhà trường và phụ huynh cần làm gì?

Cho tới lúc này, nhà chức trách lẫn giới tâm lý xã hội vẫn chưa đưa ra được những lý giải về nguyên nhân của các hành vi mà họ cho là “lệch chuẩn” thông qua hàng loạt những thử thách và trào lưu độc hại đang lan tràn trên TikTok trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cũng đã đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp các trường học có thể phòng tránh được những hiện tượng tiêu cực trên TikTok.

Trước tiên, phải xác định rằng, công tác giáo dục là điều kiện then chốt để đối phó với tệ nạn này. Cần đảm bảo rằng học sinh, phụ huynh và giáo viên được hướng dẫn và cung cấp đầy đủ thông tin về phương pháp sử dụng internet và mạng xã hội an toàn. Bên cạnh đó, trường học cũng cần xây dựng hệ thống nội quy cụ thể liên quan đến việc sử dụng các thiết bị thông minh và áp dụng một cách nghiêm túc khi thanh thiếu niên đang tham gia vào các hoạt động bên trong nhà trường.

Một giải pháp khác là sự quan tâm hỗ trợ của phụ huynh đối với con em mình. Do trẻ em chỉ ở trường trong một khoảng thời gian nhất định trong khi việc đảm bảo sự an toàn cho trẻ trên không gian mạng là 24/7, vì vậy, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng và cần thiết để đảm bảo có thể giám sát được hành vi tham gia mạng xã hội của con mình khi ở nhà. Nhà trường cũng có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp cho phụ huynh các khóa tập huấn về an toàn thông tin trên không gian mạng và các phương pháp kiểm soát con cái... nhằm đảm bảo trẻ em được an toàn kể cả khi đang ở trên môi trường ảo của mạng xã hội.

Nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiểm soát con cái tham gia mạng xã hội - Ảnh: Linewize
Nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiểm soát con cái tham gia mạng xã hội - Ảnh: Linewize

Cuối cùng, công nghệ là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp giáo viên có thể kiểm soát và duy trì tiết học của mình thông qua các phần mềm kiểm soát lớp học. Bằng cách này, giáo viên hoàn toàn có thể nắm bắt được học sinh đang làm gì trên mạng internet khi đang trong bài giảng, từ đó kịp thời khóa các ứng dụng “ngoài luồng” mà học sinh đang sử dụng để giúp các em tập trung học tập mà không bị xao nhãng bởi những hoạt động không phù hợp.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI