Tiểu truyện của những anh hùng bình dân Nam Bộ

31/08/2024 - 07:43

PNO - Trong khoảng 1 thập niên, nhà văn Trần Bảo Định đã trình làng hơn 20 đầu sách, từ thơ ca, truyện ký cho đến nghiên cứu lý luận phê bình. Đất Việt trời Nam liệt truyện (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành) là tuyển tập văn xuôi mới nhất của nhà văn Trần Bảo Định; ví như “trường thiên tiểu thuyết” qua nhiều giai đoạn lịch sử gian lao mà anh hùng của đất và người Nam Bộ.

Trên trang văn, phạm vi đề tài của Trần Bảo Định rất phong phú, đa dạng nhưng văn hóa lịch sử vẫn là địa hạt nổi bật hơn cả. Tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện trải dài từ những lưu dân đầu tiên vào Đàng Trong (hồi một, từ năm 1620…), cho đến vương triều Nguyễn thiết lập chính thể thống nhất, khi thực dân Pháp xâm lược (hồi hai, từ năm 1859…) và tiến hành hàng loạt cuộc khai thác thuộc địa ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX (hồi ba, từ năm 1900…).

Qua ấn phẩm, “bạn đọc sẽ cảm thấy âm vang tiếng nói hào sảng, cảm khái tính cách phóng khoáng và phẩm chất nhân nghĩa thủy chung của người bình dân châu thổ Cửu Long”. Với truyền thống yêu nước thương nòi, họa ngoại xâm càng kích hoạt năng lực cách mạng sôi nổi, sản sinh thêm những bậc anh hùng như: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt…; càng khêu sáng thêm khí tiết anh hùng phương Nam.


Về ý nghĩa tên gọi tuyển tập, “liệt truyện” vốn là văn bản ghi ghép tiểu truyện nhân vật anh hùng trong chính sử (hay sử của chính thể). Liệt truyện thuộc thể kỷ truyện - một thể thức thư tịch cổ phổ biến ở khu vực văn hóa Đông Á. Thể kỷ truyện gồm bản kỷ (chép truyện nhà vua), liệt truyện (chép truyện hoàng tộc, ngoại thích và nhân vật có đóng góp lớn).

Trong khi đó, liệt truyện của Trần Bảo Định lại xuất phát từ nhãn quan bình dân để ghi chép tiểu truyện của những người anh hùng Nam Bộ. Họ có thể là những người hữu danh (công nữ Ngọc Vạn, Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa…) hoặc những người vô danh (Lê Phước Tang, 2 bà vợ của Phan Thanh Giản, cô Hai Rái, cô Sáu Sanh, mẹ của Đỗ Trình Thoại…). Nhưng trên hết, nhà văn muốn tôn vinh tinh thần người anh hùng xuất thân bình dân và trọn đời gắn bó bình dân. Đó là những anh hùng không được chính sử ghi chép hoặc ghi chép từ “nhãn quan khác” (ví dụ Lê Xuân Giác - kỳ sĩ đất Sầm Giang). Cho nên, Đất Việt trời Nam liệt truyện là dân gian sử, là tiểu truyện của những người anh hùng chân lấm tay bùn.

Vốn là cựu sinh viên Ban Triết Trường đại học Văn khoa (Viện Đại học Đà Lạt), Trần Bảo Định tiếp cận nền triết học Đông Tây có hệ thống. Nhưng triết học không chi phối mà ông lại bị chi phối/bị soi chiếu bởi triết lý bình dân ông trực tiếp cảm nghiệm từ đời sống trực quan của người lao động chân chất. Do đó, Đất Việt trời Nam liệt truyện không chỉ ghi chép tiểu truyện mà còn hàm chứa tỉ trọng tư tưởng đáng kể.

Xin mượn ý của Việt Điểu Thái Văn Kiểm để nói về tuyển tập văn xuôi của Trần Bảo Định: những tinh hoa đẹp đẽ của dân tộc, những màu sắc tươi thắm của xứ sở, bạn hãy cùng tôi ôn lại trong tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện - tập sách “như nhịp cầu thông cảm với đồng bào toàn quốc và cũng là chút lòng thành dâng lên Tổ quốc mến yêu”.

Võ Quốc Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI