Tiểu thuyết về hành trình kỳ diệu của cô giáo Anne Sullivan và Helen Keller

19/11/2022 - 17:46

PNO - Bằng tình yêu thương và lòng kiên trì, cô Anne Sulivan đã thắp lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho cô học trò thiếu may mắn.

 

Tiểu thuyết Quý cô nóng nảy của Sarah Miller đã giành giải thưởng Sách xuất sắc nhất giành cho thiếu niên năm 2008 của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Ảnh. T.V.
Tiểu thuyết "Quý cô nóng nảy" của Sarah Miller đã giành giải thưởng Sách xuất sắc nhất dành cho thiếu niên năm 2008 của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ - Ảnh: T.V.

Với cả thế giới, Helen Keller là 1 huyền thoại. Được Tạp chí Time xếp vào danh sách “100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX”, bà là người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên nhận được bằng Cử nhân nghệ thuật. Bà được một số trường đại học trao bằng tiến sĩ danh dự, trong đó có Đại học Harvard.

Thế giới của Helen Keller không có màu sắc và âm thanh, nhưng bà đã sống một cuộc đời rực rỡ, truyền cảm hứng và tiếp thêm hy vọng cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Để có được một Helen Keller mạnh mẽ và kiên cường như chúng ta đã biết, phải kể đến công lao rất lớn của cô giáo Anne Sullivan.

Là 1 giáo viên tận tụy và giàu lòng nhân hậu, cô Anne đã dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho cô học trò kém may mắn của mình. Cô gia sư với trái tim kiên định ấy đã kéo Helen Keller ra khỏi thế giới của bóng tối. Cuốn tiểu thuyết Quý cô nóng nảy của Sarah Miller được lấy cảm hứng từ hành trình phi thường của cô giáo Anne Sullivan và cô học trò nhỏ Helen Keller.

Sau cơn sốt viêm màng não quái ác, cô con gái dễ thương của vợ chồng đại úy Keller không may bị mù và điếc. Khi Helen lên 6 tuổi, vợ chồng đại úy quyết định gửi thư tới học viện dành cho người mù Perkins để mời gia sư về dạy cho con gái mình. Người được chọn không ai khác chính là cô Anne Sullivan.

Cô giáo trẻ vừa mới bước vào tuổi 20 rất hào hứng với hành trình mới. Trước khi lên đường, cô giáo trẻ đã mang theo 1 con búp bê để làm quà cho cô học trò nhỏ. Ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân đến trang viên Ivy Green, Anne đã rất hồi hộp mong được gặp Helen.

Trái với hình dung của cô giáo trẻ về 1 đứa bé gái 6 tuổi, Helen khiến cô Anne hoảng hốt ngay từ lần đầu gặp mặt. Cô bé khá táo bạo và ghê gớm. Nếu ai đó khiến Helen không vừa ý, cô bé này sẵn sàng lao vào cào cấu và đấm.

Bữa sáng ở nhà Keller là cảnh tượng hỗn loạn, nằm ngoài sức tưởng tượng của cô Anne. Helen tự ý bốc thức ăn trong đĩa của người khác rồi cho vào miệng. Cô bé không muốn dùng muỗng để ăn uống như 1 đứa trẻ lịch sự. Tiểu thư nhà Keller sẵn sàng nằm vạ, gào thét giữa phòng ăn nếu bị ai đó ngăn cản.

Vì thương cô con gái nhỏ bị bệnh tật cướp đi khả năng nghe và nhìn, vợ chồng đại úy chiều theo mọi ý muốn của con gái, khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Khi nhìn thấy cảnh tượng này, cô Anne quyết định phải thay đổi tất cả.

Việc đầu tiên cô giáo trẻ muốn làm là dạy Helen phép lịch sự trên bàn ăn. Khi ăn, cô bé phải  ngồi ngay ngắn trên ghế, cầm muỗng và xúc một cách từ tốn. Cha mẹ của Helen luôn nghĩ cô bé không hiểu gì, nên không rèn giũa con gái vào khuôn phép, nhưng cô Anne biết Helen là một đứa trẻ thông minh.

Nếu không dạy dỗ cô bé một cách nghiêm túc để cô bé biết thế nào là lễ phép và chừng mực, thì người lớn sẽ phá hỏng cuộc đời em. Thậm chí, cô Anne còn tranh luận với đại úy Keller để cô được toàn quyền dạy dỗ Helen. Bởi cô biết sự nuông chiều thái quá của cha mẹ cô bé sẽ phá hỏng tất cả.

Nhờ sự kiên trì và phương pháp giáo dục đúng đắn của cô giáo, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Helen đã thay đổi. Cô bé đã ngồi ngay ngắn vào bàn ăn và dùng bữa sáng cùng cả nhà với chiếc muỗng nhỏ trên tay.

Tuyệt vời hơn, cô Anne còn giúp Helen hiểu được sự kỳ diệu của ngôn từ. Nếu trước kia Helen chỉ ậm ừ trong miệng những âm thanh vô nghĩa thì giờ đây cô bé có thể gọi tên những thứ xung quanh. Cô Anne chính là người đã tìm ra chiếc chìa khóa để mở cánh cửa lâu nay bị khóa kín trong tâm trí của Helen.

Với văn phong đầy tình cảm cùng cách kể chuyện tự nhiên và linh hoạt, tác giả Sarah Miller đã mang đến cho bạn đọc 1 cuốn tiểu thuyết cảm động và lôi cuốn. Tác phẩm này mang tới cho các bậc phụ huynh nhiều bài học bổ ích về giáo dục. Để dạy dỗ 1 đứa trẻ, ngoài kiến thức và sự nghiêm khắc cần có cả sự thấu hiểu cùng tình yêu thương.

                                                                   Quỳnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI