Tiểu thuyết Thành kỳ ý bị tố "giống Tàu" và đạo văn

25/02/2016 - 10:48

PNO - Tiểu thuyết Thành kỳ ý của hai tác giả Linh (Lê Thị Ngọc Linh) - San (Bùi Hải Bình) do NXB Văn học và Đông A phát hành.

Được coi là một hiện tượng của ngành xuất bản năm 2015 khi ra mắt bằng nguồn quỹ đóng góp từ cộng đồng, được PR rầm rộ khắp các trang mạng và báo chí.

Thế nhưng, ngay khi còn chưa có bản in, sách đã bị độc giả tố tạo hình nhân vật giống Trung Quốc (TQ), nhìn từ các hình ảnh nhân vật được sử dụng trong quá trình quảng bá sách cũng như gây quỹ xuất bản. Không ít ý kiến cho rằng các tác giả đã mô phỏng kiểu vẽ các “soái ca” Tàu - từ trang phục đến bút pháp.

Nhóm tác giả phản biện rằng họ đã tuân thủ đúng theo chuẩn trang phục thời Lê sơ, dẫn chuyện Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông cử sang TQ lấy quy chế trang phục về cho Đại Việt. Nhóm tác giả khẳng định tạo hình nhân vật dựa theo ảnh chụp các bức tượng nhân vật lịch sử thời Lê cùng những hình vẽ phục dựng. Họ còn cho biết trong quá trình làm sách, nhóm đã được sự tư vấn của các nhà chuyên môn nên không thể bị ảnh hưởng TQ.

Tieu thuyet Thanh ky y bi to
Tạo hình một số nhân vật trong Thành kỳ ý và “lời xin lỗi” trên group của Comicola

Dù tranh cãi thế nào thì độc giả vẫn cứ thấy hơi hướm Tàu ở Thành kỳ ý, kể cả trong cách nhân vật thái giám Đinh Phúc xưng là “nô tài” với vua Lê Thái Tông, đặt thêm biệt hiệu “Tiểu Hoàn” cho Dương Thị Bí, ảnh minh họa nhân vật chơi cờ vây (vi kỳ).

Một tranh cãi khác nằm ở việc các tác giả giới thiệu đây là tiểu thuyết lịch sử (nhưng trên sách lại thể hiện là “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử”). Những người phản đối cho rằng, một khi đã là tiểu thuyết lịch sử thì sách phải nói về các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử chứ không thể là ngôn tình ẩn dưới lớp vỏ lịch sử; còn nếu là tiểu thuyết yêu đương mượn bối cảnh lịch sử thì phải sòng phẳng với độc giả.

Thế nhưng bởi sách là tiểu thuyết giải trí thuộc nhóm hư cấu (fiction) nên dù các tác giả có tạo ra mấy nàng Ngọc Huyên cũng chẳng sao. Có chăng, là chuyệ n chất lượng hết sức bình thường của tác phẩm so với những dòng PR đao to búa lớn của nhóm tác giả theo kiểu tiểu thuyết lịch sử đầu tiên, muốn làm sang cho sử Việt. Đọc tác phẩm, có cảm giác Ngọc Linh chỉ thuần túy đọc các tài liệu về vụ án vườn Lệ Chi rồi kể lại theo một cách khá dễ dãi.

Rắc rối lớn nhất ở Thành kỳ ý đến thời điểm này là cáo buộc đạo văn dành cho tác giả Ngọc Linh. Nhiều đoạn trong sách bị chỉ ra là giống hoàn toàn với nội dung của cuốn Tứ thư bình giải (tác giả Lý Minh Tuấn, NXB Tôn giáo phát hành 8/2011). Chẳng hạn Tứ thư bình giải viết “Đức dũng là năng lực mạnh mẽ.

Tuy nhiên cần phải học cho biết để phát huy năng lực ấy ra sao. Nếu mạnh mẽ quá mức, người ta dễ biến thành kẻ phá rối, gây loạn như một dòng nước lũ, lợi ít mà hại nhiều” thì Thành kỳ ý viết “Đức dũng là sự mạnh mẽ, cần phải học để biết nên phát huy năng lực ấy ra sao, nếu mạnh mẽ quá mức, dẫn tới không biết kiểm soát bản thân, người ta sẽ trở thành kẻ phá rối, như một dòng nước lũ, lợi ít mà hại nhiều”. Thậm chí có độc giả tinh ý còn dò ra được nhiều đoạn giống nhau trong Thành kỳ ý với các bài viết đăng rải rác trên các trang mạng tapchisonghuong, thuvienhoasen, báo điện tử Dân Trí trong các năm từ 2010-2012.

Trước cáo buộc, nhóm tác giả khẳng định mạnh mẽ trên fanpage rằng mình không đạo văn và cho rằng đã có “một số đối tượng tìm cách phá rối dự án nhằm thu hút sự chú ý”. Tác giả Lý Minh Tuấn của Tứ thư bình giảng đã ủy quyền cho luật sư để xử lý theo pháp luật.

Trong công văn gửi nhóm tác giả Linh - San, NXB Văn học, công ty sách Đông A lẫn nhóm Comicola, luật sư Nguyễn Văn Doanh, đại diện cho tác giả Lý Minh Tuấn ấn định thời hạn để Ngọc Linh công khai xin lỗi độc giả và tác giả Lý Minh Tuấn là hôm nay (24/2) và phải xin phép sử dụng những phần của Tứ thư bình giải đã dùng trong Thành kỳ ý.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI