30 năm 1 bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa
Nhà văn Lại Văn Long vừa ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ Hồ sơ lửa (gồm 6 tập): Mật danh Đ9, Oán thù trớ trêu, Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Lật án tử hình và Hồng nhan sương khói. Bộ sách do Sbooks và Nhà xuất bản (NXB) Công an Nhân dân ấn hành, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là “Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm (1992-2022)”. Đây cũng là giấc mộng ấp ủ của nhà văn Lại Văn Long từ khi anh bắt đầu sự nghiệp cầm bút.
|
Một số tác phẩm văn học hình sự, trinh thám nổi bật |
“Trước năm 1975, tôi còn nhỏ, ở Đà Lạt và rất mê đọc sách, nhất là những truyện phiêu lưu mạo hiểm. Tôi vẫn nhớ từng tựa sách ngày ấy: Mật lệnh U Đỏ, Pho tượng Rồng Vàng, Đôi vòng huyết dụ, Bóng người dưới trăng… Đọc nhiều rồi thì mơ mộng đến những siêu anh hùng trừ gian diệt ác cùng ước mơ lớn lên sẽ viết văn như người ta” - nhà văn Lại Văn Long bộc bạch. Và anh đã bước vào trường văn trận bút với “số vốn lận lưng” là tư liệu về những cuộc điều tra, phá án của lực lượng chức năng trong suốt thời gian công tác ở Báo Công an TPHCM.
Lại Văn Long nói, viết 1 bộ tiểu thuyết hình sự là giấc mộng cả đời, nên anh phải thực hiện bằng được. Suốt nhiều năm ròng rã, anh cần mẫn hoàn thành hàng ngàn trang tiểu thuyết. Hồ sơ lửa là thành quả của hơn 4 năm ròng (từ 2016-2020), nhà văn đã làm việc không mệt mỏi để hoàn thành gần 3.000 trang sách.
Những ngày qua, Hồ sơ lửa là bộ sách nổi bật trong mục tìm kiếm với từ khóa “tiểu thuyết hình sự Việt Nam”. Thể loại này trước nay không có nhiều nhà văn theo đuổi. Trước đó, NXB Công an Nhân dân từng xuất bản tiểu thuyết hình sự Bão ngầm của trung tá Đào Trung Hiếu. Câu chuyện về hành trình lần tìm ra các sào huyệt ma túy, chui sâu leo cao trong các đường dây, tổ chức tội phạm của những chiến sĩ cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy.
Tác giả từng công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra và Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Yên Bái (1996-2003), sau này là Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội. Vì vậy mà Bão ngầm đầy những chất liệu thực tế, câu chuyện được dẫn dắt kịch tính, thuyết phục, và các nhân vật được xây dựng với sự chi tiết, chính xác về đặc thù nghề nghiệp cũng như tâm lý tội phạm. Bão ngầm cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên vào năm 2019. Tiểu thuyết hình sự là thể loại không dành cho những tác giả thiếu trải nghiệm, dấn thân.
Nhiều người đọc, ít người viết
Tác phẩm hình sự, trinh thám luôn thu hút sự tò mò của độc giả, nhưng văn học Việt Nam hiện nay có rất ít tác phẩm thuộc thể loại này. Phần lớn tác phẩm trinh thám có mặt trên thị trường sách Việt hiện nay là sách dịch. “Tôi nghĩ mọi người đều thích những câu chuyện trinh thám, vì ở đó chứa đựng những điều bí ẩn, bí mật của đời sống mà ai cũng bị tò mò, cuốn hút. Đó cũng là lợi thế của văn học trinh thám. Nhưng ở Việt Nam, số lượng sách thuộc thể loại này quá ít ỏi” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định trong cuộc tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại trong giao thoa Đông Tây”, tổ chức tại Hà Nội thời gian gần đây.
Nếu kể tên các nhà văn Việt Nam viết truyện trinh thám hiện nay, Di Li sẽ là 1 trong những cái tên đầu tiên, với các tác phẩm: Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7. Các nhà văn từng viết tác phẩm trinh thám, hình sự còn có nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy. 2 tác giả có tác phẩm được cộng đồng bạn đọc yêu thích văn học trinh thám bình chọn trong tốp 10 tác phẩm truyện trinh thám Việt hay nhất là Giản Tư Hải (Ổ buôn người) và Kim Tam Long (Ẩn ức trắng). Tuy nhiên, đó vẫn chưa thể gọi là “một dòng chảy” của văn học trinh thám Việt. Thể loại này luôn có sự đứt đoạn từ khi văn xuôi Quốc ngữ được hình thành (từ những năm thập niên 1930) cho đến những năm sau giải phóng và giai đoạn hiện nay.
“Văn học trinh thám ở Việt Nam cũng như châu Á nói chung trước giờ không phát triển bằng phương Tây. Lý do rất đơn giản, vì ở Việt Nam trước giờ, đó vẫn là văn học giả tưởng, nó huy động trí tưởng tượng gần như là 100% để tạo nên câu chuyện. Nhà văn không phóng tác câu chuyện dựa trên những tư liệu, mà đó chỉ là những chất liệu cho sáng tác. Tất cả dựa trên trí tưởng tượng, nhưng trí tưởng tượng thực sự là hạn chế, không phải là sở trường của người châu Á. Điều này còn bắt nguồn từ giáo dục học đường. Từ bé, trẻ con ít khi được khuyến khích trí tưởng tượng để kể những câu chuyện giả tưởng, huyền ảo” - nhà văn Di Li nhìn nhận. Một phần khác, không dễ để tạo nên 1 câu chuyện trinh thám ly kỳ, hấp dẫn người đọc.
Tiểu thuyết hình sự Việt đa phần được viết từ những người trong nghề, am hiểu lĩnh vực và xuất phát từ những vụ án có thật. Truyện trinh thám cũng viết về các vụ án, tội phạm, nhưng thường là câu chuyện tưởng tượng với sự dẫn dắt, cài cắm, giấu chi tiết khéo léo của nhà văn.
Cả 2 thể loại đều hấp dẫn người đọc ở yếu tố phiêu lưu, kịch tính, căng thẳng và bí mật đến phút cuối. Người viết tiểu thuyết hình sự cần trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế; với thể loại trinh thám cần sự đào sâu, tìm tòi, chắt lọc, xử lý tư liệu… Thể loại nào cũng đầy những thử thách mà nói theo nhà văn Lại Văn Long, nếu không xử lý được các vấn đề về nghiệp vụ, pháp luật… thì tác phẩm có thể gượng gạo, nhạt nhẽo, và thậm chí là thiếu tính giáo dục. Điều đó đòi hỏi kiến thức, vốn sống cũng như về cái tâm, cái tầm đặt vào từng nhân vật phản diện hay chính diện, và cả năng lực đầu tư cho tác phẩm.
Song Giang