|
Tiểu thuyết đầu tay của cô học trò 12 tuổi |
Đây quả là tin vui và bất ngờ cho văn giới Việt Nam. Là một người cầm bút, cũng từng viết văn từ thuở học lớp Bảy, tôi khá tò mò với trường hợp của Đặng Hà Linh. Không chỉ đủ kiên tâm để viết cả một cuốn tiểu thuyết, em còn viết luôn bằng ngôn ngữ Anh - không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Nghĩa là em đã vượt qua hai lần thách thức lớn ở lứa tuổi của mình - điều mà không mấy người lớn, dù có năng lực viết, có thể làm được. Hẳn bố mẹ em là người rất giỏi, em sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật?…
Tôi đã gặp hai mẹ con Hà Linh và vô cùng ấn tượng bởi sự tự tin lẫn khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh tuyệt vời của em. Hà Linh còn rất chủ động trong việc trò chuyện với tôi, một nhà văn mà em gặp lần đầu tiên. Chính em đã đưa ra những câu hỏi rất căn bản về nghề viết của tôi. Em cũng kể rằng mình đã viết cuốn tiểu thuyết Lựa chọn giữa hai thế giới chỉ trong vòng nửa tháng, sau đó dành ra chừng đó thời gian để sửa chữa. Tốc độ viết ấy cũng thật đáng nể.
|
Đặng Hà Linh trong một cuộc thi ở trường |
Vậy nhưng chị Nguyễn Thị Hà - mẹ em - lại chưa dám nhận con mình là tài năng trẻ, chỉ cho rằng con say mê việc viết và thể hiện tư duy, tưởng tượng của mình bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ con dùng thành thạo có khi còn hơn cả tiếng Việt và con yêu thích việc viết ấy.
Vợ chồng chị Hà đều từng học Đại học Bách khoa, khi ra trường đều làm về công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng. Trong gia đình chị không có ai làm nghệ thuật. Tuy nhiên, anh chị có quan niệm: sống tử tế với niềm đam mê của mình, tôn trọng đam mê của người xung quanh. Giống như bao gia đình công chức khác, gia đình chị Hà có một tổ ấm nho nhỏ trong một khu chung cư quân đội yên bình với những người hàng xóm thân thiện, dễ mến… Khu chung cư cũng có một khoảng sân nho nhỏ để trẻ em có thể vui chơi và đạp xe, đi bộ hằng ngày.
Anh chị cho rằng, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cho con có một nơi sinh hoạt an toàn, sạch sẽ, thoáng mát và ấm áp.
Nhớ lại quãng thời gian mới sinh bé Hà Linh, chị Hà dành nhiều thời gian tìm hiểu, đọc sách nuôi dạy trẻ để có những hiểu biết cơ bản về con. Chị luôn quan tâm tới sự phát triển của con, nhất là năm đầu, mỗi ngày bé Hà Linh lại đổi khác, mỗi tháng em có một nhu cầu vận động riêng. Chị cho rằng bố mẹ nên thường xuyên quan tâm, chơi đùa, nói chuyện với con. Đặc biệt, vợ chồng chị luôn tôn trọng những ý kiến, quyết định của con ngay từ nhỏ.
Hai vợ chồng cưới nhau đã lâu mới có được bé Hà Linh nên khi biết có thai, vợ chồng chị rất mừng, háo hức. Chị Hà đã đọc nhiều sách thai giáo, nuôi dạy trẻ và giáo dục sớm. Chị không ngại thổ lộ rằng khi đó, chị cũng đặt kỳ vọng vào con. Tuy nhiên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho con là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với vợ chồng chị, sau đó là sự chuẩn bị về tinh thần cho cả mẹ và con. Thời gian mang thai, chị thường nghe nhạc cổ điển không lời, nghe các bài hát ru trước khi đi ngủ rồi đọc to các câu chuyện cổ tích cho hai mẹ con cùng nghe…
Bố Đặng Hà Linh đặt tên thân mật cho con là Pi từ khi con còn trong bụng mẹ. Buổi tối hoặc ngày nghỉ, bố hay gọi Pi nói chuyện vui rất lâu. Khi sinh ra, Pi đang nhắm mắt mà bố gọi “Pi ơi”, em bé liền mở mắt trông rất đáng yêu.
Cả bố và mẹ Hà Linh đều rất chăm nói chuyện với con. Khi Linh lớn lên, mẹ hay đọc truyện và sách cho con nghe trước khi đi ngủ. Đôi khi, chị cũng kể các câu chuyện mình tự nghĩ ra và nhận thấy con rất thích. Ví dụ: “Một hôm đi đường bên hồ Thiền Quang, mẹ gặp một bạn sóc với cái đuôi bông dài. Bạn ấy hỏi thăm: “Hôm nay bạn Pi thế nào? Bạn ấy có ngoan không? Bạn ấy đã làm cái này cái kia chưa. Bạn sóc rất yêu Pi…”. Hà Linh rất thích những mẩu chuyện nhiều đối thoại như vậy. Có lẽ chính vì ảnh hưởng này mà trong tiểu thuyết đầu tay, Hà Linh cũng sử dụng nhiều hội thoại cho các nhân vật.
Hà Linh được học piano từ khi năm tuổi. Em đã từng phải chia tay với bộ môn này tới ba lần nhưng bây giờ, cô bé rất yêu đàn và chơi đàn khá hay.
Khi con chuẩn bị tốt nghiệp cấp I ở Trường tiểu học Khương Mai gần nhà, chị Hà băn khoăn không biết lên cấp II nên cho con học trường nào. Biết thông tin về trường Delta Global School, chị tìm hiểu và thấy ngôi trường này thực sự phù hợp với tính cách của con. Thật may, Hà Linh được chọn và hỗ trợ mức học bổng khá phù hợp với hoàn cảnh gia đình dù bố mẹ em phải cố gắng về tài chính thêm một chút. Dù vậy, đó cũng là động lực cho cả gia đình cùng phấn đấu.
Chỉ sau ba tháng, chị Hà thấy khả năng trình bày vấn đề của Hà Linh đã tiến bộ hơn hẳn, cả về ngôn ngữ cũng vậy: Tư duy và quan điểm của Linh cũng rõ ràng hơn. Sau một học kỳ, khả năng viết của Hà Linh tiến bộ vượt bậc. Lúc này, Linh có thể dùng được nhiều từ tiếng Anh phức tạp hơn.
Hồi mới năm tuổi, Hà Linh đã lẽo đẽo theo mẹ để kể cho mẹ nghe về những chuyện con tự nghĩ ra. Chuyện nào Hà Linh kể cũng được mẹ nghe rất hào hứng. Nhưng, đến năm Hà Linh học lớp Hai, chị Hà mới thực sự được đọc tác phẩm của con mình; sau đó là rất nhiều tác phẩm khác bao gồm cả truyện tiếng Việt và các bài thơ, các truyện Linh sáng tác bằng tiếng Anh. Khi đọc tác phẩm đầu tay của Hà Linh, chị Hà thực sự ngạc nhiên vì không ngờ con viết được như vậy.
|
Đặng Hà Linh cùng bố mẹ và em gái |
Hà Linh luôn muốn mẹ đọc và bàn luận về tác phẩm của mình. Chị Hà cũng cởi mở đón nhận các tác phẩm cũng như suy nghĩ của con. Có khi con viết nhưng không muốn chia sẻ với mẹ thì chị tôn trọng vì con có những điều cần cất giữ cho riêng mình. Chị Hà cho rằng mình không hoàn toàn là kiểu người mẹ “để con làm những gì con muốn” nhưng chị sẽ tôn trọng, ủng hộ sở thích và cách giải quyết các vấn đề của con. Khi con làm gì chưa đúng, chưa hợp lý, vợ chồng chị luôn có những buổi nói chuyện với con để hiểu thêm về suy nghĩ của mình cũng như để con hiểu quan điểm của bố mẹ, đồng thời cho con có thời gian suy nghĩ và lựa chọn.
Khi một nhà xuất bản Canada quyết định xuất bản tác phẩm đầu tay của Hà Linh, chị Hà rất hạnh phúc, cảm giác lâng lâng dài đến mấy ngày. Dưới ngòi bút của Hà Linh, mọi việc đều trở thành những câu chuyện rất nhẹ nhàng, hài hước, trong sáng. Còn chị Hà chưa vội hình dung đến nghiệp viết của con ở tương lai, chỉ cho rằng con gái yêu văn chương thì hãy viết và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đó.
|
|
Tiểu thuyết Lựa chọn giữa hai thế giới (The Strongest Magic of All) dày hơn 100 trang, thuộc loại văn học giả tưởng. Trong đó, nhân vật chính Darcy Faerie có một cuộc sống nhiều biến động lạ lùng từ khi cô bé phát hiện ra những phép thuật thực sự tồn tại quanh mình và người thân, bạn bè. Nhiều điều lý thú đến với cô bé và mọi người nhưng những rắc rối kỳ quặc cũng bùng nổ. Tiểu thuyết dày đặc các tình tiết bất ngờ và đối thoại hấp dẫn. Lựa chọn giữa hai thế giới hiện được bán qua kênh Amazon và kênh phát hành của Nhà xuất bản Ukiyoto tại Canada, Ấn Độ, Philippines; bản sách điện tử có giá 2,99 USD, bản sách bìa mềm có giá 7 USD.
Kiều Bích Hậu