Tiểu thương văn minh, kéo khách về chợ

14/04/2018 - 06:30

PNO - Sự việc bắt đầu từ Lễ hội áo dài TP.HCM. Sở Công thương TP.HCM đề nghị các chị em tiểu thương chợ Bến Thành bận áo dài mỗi tuần hai ngày trong suốt tháng 3/2018.

Đã có 6.000 nữ tiểu thương hưởng ứng. Và thế là, vào những ngày đó, người dân và du khách tới chợ Bến Thành tha hồ được tận hưởng cảm giác dễ chịu và thoải mái khi nhìn ngắm các chị trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Phát biểu trên báo chí, chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, một tiểu thương trong chợ này, cho biết khi mặc áo dài, chị cảm thấy tự tin hơn vì mặt hàng chị bán là hàng mỹ nghệ truyền thống. "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mặc áo dài sẽ vướng víu, nhưng mặc một hai lần thấy quen, thấy thích, thấy rất tự hào về trang phục truyền thống Việt Nam. Khách hàng nhìn trang phục của mình cũng tỏ ra rất ngưỡng mộ" - chị Quỳnh hồ hởi.

Tieu thuong van minh, keo khach ve cho

Sự thích thú của du khách, của người dân với tà áo dài của các nữ tiểu thương cho thấy họ mong muốn nếp buôn bán ở chợ thay đổi theo hướng đẹp hơn, văn minh hơn.

Nền nếp đó bắt đầu từ việc thay đổi trang phục sao cho duyên dáng, thể hiện sự tôn trọng khách hàng, kế đến là cung cấp hàng hóa tốt, có chất lượng, an toàn, sạch sẽ, người bán không nói thách. Những điều này đang dần dà xuất hiện trong các khu chợ lớn và lâu đời tại TP.HCM. 

Đi vào nhiều khu chợ truyền thống hiện nay, có thể thấy, các siêu thị mini mọc ngay cạnh chợ, thậm chí trong khu chợ. Ví dụ như tại chợ Cây Quéo (Q.Bình Thạnh), ngay trên phố chợ đã mọc lên ba siêu thị mini, trong đó có hai cái bán đủ thứ và một cái chuyên bán thịt chất lượng cao.

Trong siêu thị có máy lạnh, có quầy hàng ngăn nắp, sạch sẽ, có máy tính tiền hiện đại, có các cô phục vụ nhiệt tình, nên nếu tiểu thương muốn bán được hàng thì phải cạnh tranh cho tốt.

Gần đây, hiếm khi tiểu thương ở các chợ dân sinh nói thách, lừa dối hay to tiếng với khách hàng. Tôi luôn có cảm giác dễ chịu khi mua bán ở chợ bởi các chị bán hàng ăn nói ngọt ngào, bán đúng giá và luôn tìm cách thêm chút gì đó cho người mua vui lòng.

Ví như cân nhiều hơn một chút, bán rẻ đi một chút, tặng thêm rau gia vị, hành ớt cho người mua. Những chiếc cân điện tử hiện đại, có cả báo giá cũng xuất hiện nhiều hơn trong các khu chợ này, làm khách hàng an lòng.

Bàn bán hàng cũng được trang bị tốt hơn, sạch sẽ, an toàn và có cả vòi nước sạch tại chỗ cho các khu bán thực phẩm. Nhiều loại hàng hóa vốn trước đây chỉ có khuyến mãi trong siêu thị, nay cũng được khuyến mãi tại chợ. 

Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn giữ được những ưu thế vốn có so với siêu thị: đồ ở chợ luôn tươi ngon; thực phẩm phong phú và đa dạng; có những mối hàng quen mà người bán và người mua cảm thấy thân thiết, tin cậy nhau.

Chợ truyền thống và chị em tiểu thương đang thay đổi rất nhanh để bắt kịp với thị trường. Chính vì vậy, sau rất nhiều lo lắng về sức cạnh tranh dữ dội từ siêu thị và trung tâm thương mại, chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn tồn tại ngon lành và đang vươn lên mạnh mẽ. 

 Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI