Chợ An Đông 1 (Q.5, TP.HCM) có khoảng 800 quầy sạp kinh doanh hàng may mặc, hàng Trung Quốc (TQ), Thái Lan (TL) chiếm 80-90%. Theo một tiểu thương, thời điểm này lượng khách đông hơn bình thường nhưng thực tế đã giảm khoảng một nửa so với mọi năm.
Tại lầu 1 của chợ, chỉ riêng dãy hàng bên phải đã có khoảng 50 sạp quần áo bình dân của TQ, TL, chủ yếu là hàng chạy theo xu hướng thời trang, giá rẻ nên hút khách, dù chất lượng… kém. Để cạnh tranh với dòng hàng này, các tiểu thương kinh doanh hàng Việt đang phải liên tục cho ra sản phẩm mới và không ngừng nâng cao chất lượng.
Một tiểu thương cho biết: “Khoảng 5-7 năm trở lại đây, lượng tiểu thương bán hàng may mặc Việt Nam (VN) cứ rơi rụng dần, hiện chỉ còn khoảng 100 tiểu thương kinh doanh mặt hàng này tại chợ; nhưng đều là những người nhiều kinh nghiệm”.
Trong số này, có những tiểu thương trước đây kinh doanh cả hàng thời trang TQ, TL và VN, nay mạnh dạn chuyển sang tự thiết kế thời trang, mở xưởng may và chỉ bán hàng do mình sản xuất.
Theo họ, dù hiện tại hàng TQ và TL đang chiếm lĩnh thị trường, mãi lực hàng VN đi xuống, nhưng thời trang tự thiết kế vẫn có đất sống. Khách hàng chủ yếu của nhóm tiểu thương này khoảng từ 30 tuổi trở lên, rất chú trọng đến kỹ thuật cắt may và chất liệu trang phục. Những yêu cầu này, hàng giá rẻ của TL, TQ không đáp ứng được.
|
Hàng tự thiết kế vẫn có đất sống vì chất liệu đẹp, mẫu mã hợp thời trang, giá cả phải chăng. Chị Thái Trang đang mặc sản phẩm do mình tự thiết kế. |
Sạp Thái Vân (lầu 1), chuyên bán hàng thời trang tự thiết kế và hàng của thương hiệu D&T, trưng bày đến hàng trăm mẫu đầm, áo quần công sở… dành cho khoảng tuổi 30-50. Sản phẩm (SP) được lên từ đủ loại vải Hàn Quốc, TL, TQ với hoa văn, màu sắc được chọn lọc kỹ.
Chị chủ sạp khẳng định: “Để chiều khách, ngoài những mẫu có sẵn, chúng tôi còn nhận may theo mẫu của khách, đảm bảo không đụng hàng”.
“Thời trang VN dành cho độ tuổi 50-70 trước đây có mẫu mã “cũ hơn bà ngoại”, giờ cũng đang thay dần bằng thời trang “bà già yamaha”, những người bán tại sạp Thùy Nga (sạp A52, lầu 2, A40 và A41 lầu 1), chia sẻ. Các mẫu “bà ngoại” ngày trước chỉ rập khuôn với áo kiểu voan, sơ mi, thun mỏng in các loại hoa văn lòe loẹt; quần thì theo “điệp khúc” đen, nâu, xám, vải thun dài, ống suông…
Giờ thì đã hoàn toàn khác, phải độc, lạ và sang hơn với áo gile, áo vest sát nách dáng dài, những chiếc blazer ngắn, quần alibaba, đầm suông cổ vest với tà đắp chéo… Màu sắc, phom dáng, việc phối hợp phụ liệu, sự nhấn nhá những đường cắt cúp, chít ben, thêu chỉ, đính đá… đều rất chuẩn để che khuyết điểm và tôn được vẻ đẹp của người mặc.
Làm ăn lớn phải... chịu khổ!
“Cả chợ chỉ còn khoảng 10-20% tiểu thương kinh doanh hàng may mặc VN nhưng hầu hết họ đều là những tiểu thương kiệt xuất”, một tiểu thương đánh giá.
Theo nhiều tiểu thương, hàng thiết kế VN sống được là nhờ… cái đầu của người bán. Khi chọn con đường này, các tiểu thương đó phải chịu khổ trăm bề. |
Họ quyết tâm “chiến đấu” và phải tự “lớn lên” để sống còn với thị trường đang bị hàng ngoại giá rẻ tấn công.
Theo nhiều tiểu thương, hàng thiết kế VN sống được là nhờ… cái đầu của người bán. Khi chọn con đường này, các tiểu thương đó phải chịu khổ trăm bề. Là một người có hơn 20 năm kinh doanh thời trang nữ tại chợ, chị Thái Trang - chủ sạp Thái Vân - cho biết, thời gian đầu, để đáp ứng nhu cầu cho những khách muốn có quần áo không quá đắt tiền nhưng phải sắc sảo, chị đã đặt mẫu tại các cơ sở may.
“Tuy nhiên, các cơ sở lại nhận may cho nhiều nơi cùng lúc nên mình bị nhái mẫu và cạnh tranh về giá ngay. Để tránh việc này, tôi phải lập xưởng may riêng với khoảng 100 nhân công”, chị kể.
Chuyện cũ nói nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, chị đã phải trải qua nhiều lần thiệt hại về vốn, phải đi học thiết kế thời trang và liên tục cập nhật xu hướng thời trang qua phim ảnh, trên internet để có những thiết kế riêng. Nếu trước đây 5-7 năm, khoảng 2-3 tháng mới cần có mẫu mới, nhưng hiện nay thì mỗi tháng chị phải lên 5 mẫu để tăng khả năng cạnh tranh. Muốn “nuôi” xưởng may, chị phải chiều khách tối đa.
Nhiều tiểu thương không muốn bán hàng TQ, TL, đã chuyển sang bán hàng tự thiết kế nhưng bị thất bại vì việc tổ chức khâu thiết kế không hề đơn giản.
Để chuyên nghiệp hơn, nhiều tiểu thương còn mạnh dạn chi 15 triệu đồng/tháng để thuê người thiết kế xuất thân từ trường lớp đàng hoàng.
Bên cạnh khâu thiết kế, các tiểu thương còn phải chăm chút từng phụ kiện đi kèm; thậm chí phải nhập từ Hàn Quốc, Hồng Kông, khiến chi phí bị đội lên khá cao.
|
Theo chị Đoàn Thúy Nga, chủ sạp Thúy Nga, tạo một mẫu cho tuổi trung niên phải mất thời gian gấp 4-5 lần so với thiết kế mẫu cho giới trẻ. Khách hàng 50-70 tuổi thích thời trang có phong cách cổ điển nhưng trông vẫn trẻ trung; lại phải sang và lạ; chất liệu co giãn thoải mái nhưng vẫn tạo được dáng; giá SP lại không quá cao.
Đó thật sự là một bài toán hóc búa. Để chuyên nghiệp hơn, nhiều tiểu thương còn mạnh dạn chi 15 triệu đồng/tháng để thuê người thiết kế xuất thân từ trường lớp đàng hoàng. Bên cạnh khâu thiết kế, các tiểu thương còn phải chăm chút từng phụ kiện đi kèm; thậm chí phải nhập từ Hàn Quốc, Hồng Kông, khiến chi phí bị đội lên khá cao.
Vì vậy, khi bán ra với giá 250.000-300.000đ/SP, người bán chỉ lời khoảng 20.000đ/SP. Lời ít nhưng hàng tự thiết kế được đánh giá là an toàn hơn so với bán hàng TQ, TL vì sau khi thiết kế cho đơn hàng đầu tiên, có bạn hàng khác đặt tiếp là có thể sản xuất hàng loạt, không sợ hàng tồn. Nhờ vậy, nhiều tiểu thương vẫn có thể bám trụ để giành thị trường.
Nhiều tiểu thương đang bám trụ với hàng thời trang tự thiết kế đã khẳng định được thương hiệu, đưa được SP vào siêu thị, từ cơ sở may mặc đã tiến lên thành lập công ty. Cụ thể, thương hiệu thời trang Dung Nam và LMT 1985 của chị Nguyễn Thị Thu Dung - chủ cơ sở may mặc Dung Nam, đã vào được 2 hệ thống siêu thị lớn là Lotte Mart và Co.opmart. |
Thanh Hoa