PNO - PN - Ngày 25/9, UBND Q.Tân Bình, TP.HCM đã tổ chức buổi đối thoại đầu tiên với 300 tiểu thương chợ Tân Bình. Tại buổi đối thoại, phần lớn các tiểu thương đều kiên quyết phản đối việc xây chợ mới nhiều tầng (ảnh).
edf40wrjww2tblPage:Content
Lo chợ đẹp thành… “chợ ma”
Mở đầu buổi đối thoại, đại diện UBND Q.Tân Bình trình bày đề án xây dựng chợ Tân Bình mới. Theo đó, khu đất gần 22.000m² tọa lạc bốn mặt tiền đường (Lý Thường Kiệt - Phú Hòa - Tân Tiến - Lê Minh Xuân) của chợ Tân Bình hiện hữu sẽ được xây dựng mới thành hai phần. Khoảng 7.000m² đất giáp mặt tiền đường Lý Thường Kiệt sẽ xây trung tâm thương mại - dịch vụ đa năng 17 tầng; gần 15.000m² đất còn lại sẽ xây mới chợ Tân Bình thành chợ truyền thống văn minh với quy mô sáu tầng, ba hầm, một tầng lửng hầm với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Ba tầng hầm sẽ là chỗ để xe; tầng lửng hầm bố trí các hàng buôn bán rau củ quả; tầng một bố trí các mặt hàng tạp hóa, kim khí điện máy; các tầng còn lại sẽ là nơi kinh doanh các ngành hàng may mặc, vải vóc và nguyên phụ liệu ngành may. Dự kiến chợ Tân Bình mới khởi công vào tháng 5/2016, hoàn thành vào tháng 11/2018. Sau khi đưa chợ mới vào sử dụng, các tiểu thương (TT) sẽ được bố trí sạp trở lại theo nguyên tắc đổi ngang; sạp cũ diện tích, vị trí như thế nào thì sạp mới sẽ y như vậy. Giá thuê sạp ở chợ mới cao nhất 400.000đ/m²/tháng (tầng 1), thấp nhất 150.000đ/m²/tháng (tầng lửng hầm).
Ngay lập tức, chị Nguyễn Thị Thanh (chủ sạp B18) phản đối: "Bằng chứng rành rành trước mắt, chợ An Đông là một trong những chợ sỉ lớn nhất nhì TP nhưng hiện nay chỉ bán được tầng một, tầng lửng đóng cửa làm kho. Không ít trung tâm mua sắm khác trên địa bàn TP cũng tương tự. Nguyên nhân chính là do xây cao tầng, ít người vào, dần dần mất mối hàng. Trong khi đó, chợ Tân Bình là chợ sỉ nhưng chủ yếu bán cho khách bình dân thì khả năng cùng chung số phận là rất lớn".
Bà Trần Ngọc Anh (chủ sạp 2B) tiếp lời: “Hiện tại ở khu A chợ Tân Bình vẫn còn một lầu đang bỏ trống cả chục năm qua, TT chỉ bán được dưới đất. Vậy UBND Q.Tân Bình xây chợ mới lên sáu tầng để làm gì? Nếu chợ không bán được, quận có dám chịu trách nhiệm không?".
Ông Vũ Minh Quân (sạp 9-10C) bức xúc: “Tôi thấy quận chỉ bảo vệ chủ đầu tư mà không bảo vệ TT. Nếu bảo vệ TT thì quận phải quan tâm khi tái bố trí vào chợ mới có đảm bảo việc buôn bán được tốt không. Bởi TT cần chợ bán đắt chứ không cần chợ đẹp để ngắm”.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hoa (sạp B11) đặt vấn đề: “Lãnh đạo quận phát biểu trên các phương tiện thông tin cho rằng đã lấy ý kiến TT, kết quả 60% đồng ý, vậy bây giờ tất cả các TT ở đây không đồng ý xây chợ cao tầng thì quận có ngưng dự án không?".
Liệu vào chợ Tân Bình mới, tiểu thương có còn cảnh mua bán tấp nập như hiện nay?
Tiểu thương sẵn sàng góp tiền sửa lại chợ
Bên cạnh việc phản đối xây dựng chợ mới, phần lớn các TT đều ủng hộ việc sửa chữa, nâng cấp chợ để chợ văn minh, an toàn, tiện lợi hơn.
Chị Đỗ Thị Thu Lê (sạp KB2/3) cho rằng, "sức mạnh của chợ truyền thống là đáp ứng nhu cầu của người mua nhanh, rẻ, tiện lợi. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng góp tiền sửa sang lại chợ cho an toàn, văn minh chứ chúng tôi không cần nhà đầu tư nào xây chợ mới lên nhiều tầng mà không hiểu gì về chợ. Tôi đề nghị UBND Q.Tân Bình cứ công khai lấy ý kiến TT, nếu trên 60% TT đồng ý xây mới chợ thì cứ thực hiện, còn không được con số này thì phải giữ nguyên chợ truyền thống".
Anh Vũ Hoài Nam (sạp A46) đồng tình: "Hiện nay người dân TP vẫn còn nghèo, phần lớn vẫn có thói quen đi chợ. Vì vậy, tôi đề nghị chỉ sửa sang, tu bổ để kinh doanh thuận tiện, vì hiện nay chợ Tân Bình cũng khá xuống cấp, nhưng không đập xây mới". Bà Lê Thị Hương La (sạp 4D) tiếp lời: “Tôi đồng ý cải tạo lại chợ để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu chủ đầu tư không chịu tham gia, quận không có tiền làm, TT sẵn sàng đóng để nâng cấp chợ”.
Chị Nguyễn Thị Tình (sạp 18B) góp ý: “Quận có khó khăn gì trong việc cải tạo chợ, TT sẵn sàng góp tiền, góp công cùng quận vượt khó. Thậm chí TT sẵn sàng cùng quận góp tiền xây dựng lại chợ Tân Bình trên đúng diện tích cũ với quy mô một trệt, một lầu để đảm bảo hiệu quả. Bởi sau lưng 3.000 TT chợ Tân Bình còn hàng vạn công nhân đang làm việc cho chúng tôi. Nếu vào chợ quy mô sáu tầng mà không bán được thì sẽ có hàng nghìn người khổ”.
Trước phản ứng của các TT, ông Lê Sơn - Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình thừa nhận, đa số các TT không đồng ý xây mới chợ Tân Bình nhiều tầng mà chỉ đồng ý sửa lại chợ. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, ý kiến một số TT nói quận không bảo vệ quyền lợi TT là không đúng. Việc xây dựng mới chợ Tân Bình chỉ nhằm làm cho chợ khang trang hơn chứ quận không có quyền lợi gì trong đó.
Về việc có dừng dự án không, ông Sơn nói: “Hiện chợ có 3.336 sạp với 2.950 TT. Cuộc tiếp xúc này mới ghi nhận ý kiến 300 TT, còn chín cuộc tiếp xúc nữa. Quận sẽ lắng nghe ý kiến tất cả TT chợ Tân Bình để có quyết định”.
PHAN TRÍ
Biết chợ sắp giải tỏa, vẫn để tiểu thương sang sạp
Tại cuộc họp, nhiều TT đã tố cáo Ban quản lý (BQL) chợ Tân Bình vô trách nhiệm, vì biết chợ sắp giải tỏa mà vẫn để TT sang sạp với giao dịch lên đến hàng tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Thu Hà (sạp K21, khu A1) vừa khóc vừa nói: “Do không biết chợ sắp giải tỏa, cách nay khoảng ba tuần, tôi đã bán căn nhà bốn tầng, vay thêm ngân hàng, sang một sạp tại chợ Tân Bình hơn năm tỷ đồng. Tại sao có quyết định giải tỏa mà BQL chợ Tân Bình vẫn ký quyết định sang sạp và cấp giấy phép kinh doanh cho tôi? Cách làm việc của BQL chợ Tân Bình đã giết gia đình tôi!”.
Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Nga - Trưởng BQL chợ Tân Bình nói: “Từ ngày 1/9 đến nay, tất cả các trường hợp sang sạp, BQL chợ đều có thông báo rõ là ủy ban đã có dự án xây dựng chợ mới nhưng TT vẫn sang sạp. Việc sang nhượng là thỏa thuận của TT, BQL chợ không biết”. Bà Hà phản đối: “Tôi khẳng định không được phổ biến chút gì về việc làm chợ. Khi tôi ký tên sang sạp xong, cán bộ BQL chợ cho tôi xem văn bản ghi sắp tới sẽ họp TT thông báo xây chợ mới. Tôi hỏi cán bộ này có việc ấy không thì chị trả lời không biết". Ông Lê Sơn cho biết, sẽ kiểm tra lại vụ việc này.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.