Tiểu thương mất ăn, mất ngủ vì làn sóng COVID-19 thứ hai

31/07/2020 - 07:43

PNO - Tiểu thương kinh doanh tại các chợ chưa kịp phục hồi từ đợt dịch COVID-19 trước thì nay lại xuất hiện đợt dịch mới, không ít người chọn giải pháp rời bỏ chợ.

Gần nửa năm đóng sạp 

Lầu 2 chợ An Đông 1 (quận 5, TPHCM) là khu tập trung các sạp bán quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ. Mặc dù trong giờ cao điểm kinh doanh nhưng hơn chục sạp trong tình trạng cửa đóng, then cài. Hỏi các tiểu thương tại đây mới biết, đã năm tháng trôi qua kể từ dịch COVID-19 xuất hiện, các chủ sạp này vẫn chưa kinh doanh trở lại.

“Sau Tết tôi đến chợ mở sạp kinh doanh gần 1 tháng nhưng không bán được sản phẩm nào. Thấy tình hình không ổn, tôi quyết định trả giấy phép kinh doanh để khỏi đóng thuế và các loại tiền khác”, một chủ sạp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ nói với chúng tôi.

Chợ An Đông vắng hoe khách, nhiều chủ sạp đã 4-5 tháng nay chưa mở cửa trở lại
Chợ An Đông vắng khách, nhiều chủ sạp đã 4-5 tháng nay chưa mở cửa trở lại

Khu chợ thực phẩm 96 Hùng Vương (thuộc cửa Bắc chợ An Đông) cũng vắng khách. Nhiều sạp kinh doanh hoa, trái cây trước đây hoạt động rất nhộn nhịp, tấp nập, nay thưa thớt vắng lặng. Nhiều sạp treo bảng nghỉ bán, cho thuê sạp trên một năm.

Chị Loan, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại đây kể, trong tháng 4 và tháng 5, khu này có hơn chục sạp đóng cửa. Đến tháng 6 và tháng 7, tình hình dịch bệnh đã giảm, một số chủ sạp ra mở cửa bán trở lại. Lượng khách chỉ mới phục hồi gần 1 tháng nay, bây giờ lại quay về trạng thái vắng vẻ như trước. Một chủ sạp còn có dự định sẽ trả giấy phép kinh doanh luôn.

Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bến Thành và Tân Định (quận 1)… các sạp quần áo, vải vóc, đồ khô… tình cảnh cũng không khá hơn. 

“Tôi có một sạp đôi ở chợ. Vừa qua tôi chỉ treo bảng cho thuê sạp để đỡ đóng tiền thuế, chờ đợi thời gian phục hồi. Nhưng nay quyết định sang lại sạp, ra ngoài tìm cơ hội kinh doanh mới”, chị Nho - một chủ sạp tại chợ Phạm Văn Hai nói.

Nhân viên các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại chợ An Đông ngồi chơi vì không có khách
Nhân viên các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại chợ An Đông ngồi chơi vì không có khách

Thậm chí ngay cả các sạp kinh doanh vàng, vốn được cho là “sạp nhà giàu”, có sức khỏe dẻo dai, thường có vị trí sạp đẹp ngay mặt tiền chợ nên dễ dàng kinh doanh thì nay cũng phải đóng sạp, trả giấy phép kinh doanh vì quá ế ẩm.

Tại chợ Vườn Chuối (quận 3), nếu như khu bán thực phẩm phía sau chợ còn có khách nhộn nhịp thì khu kinh doanh vàng ngay mặt tiền chợ buồn hiu hắt, không một bóng người. Một chủ sạp cho biết, có khi cả tháng chỉ bán được… một chỉ vàng, nhưng phải ráng mở cửa cầm chừng. 

Hộ kinh doanh trả giấy phép ngày một tăng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ An Đông 1 cho biết, hiện có 42 sạp nghỉ kinh doanh từ tháng 3/2020 đến nay chưa mở trở lại. Chợ có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, nhưng từ tháng 4/2020 đến nay, cứ trung bình mỗi tháng là có khoảng 12 hộ trả giấy phép kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến chợ đã vắng, kể từ khi có thông tin xuất hiện ca bệnh mới tại Đà Nẵng, chợ càng không có người đến. Hiện đang là đợt thu phí tại chợ, tiểu thương kinh doanh khó khăn nên việc thu phí của ban quản lý rất khó, có trường hợp hẹn vài ngày, vài tuần, thậm chí khi nào có tiền mới đóng.

Trước việc tiểu thương than kinh doanh ế ẩm mà vẫn phải đóng thuế, bà Hà cho hay, chỉ có những hộ tạm thời nghỉ kinh doanh thì mới được miễn thuế. Trước đây tiểu thương có làm đơn tập thể xin miễn giảm thuế dài hạn nhưng cơ quan thuế cho biết không thể giải quyết theo tập thể mà phải làm đơn xin giảm từng trường hợp và việc hỗ trợ sẽ tùy vào đối tượng.

“Tới đây cơ quan thuế sẽ phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức hội nghị hướng dẫn các tiểu thương viết đơn theo từng trường hợp”, bà Hà thông tin.

Các doanh nghiệp vàng đang chịu tác động kép vì người dân thờ ơ với vàng, lại không thuộc đối tượng nhận gói hỗ trợ của Chính phủ
Các doanh nghiệp vàng đang chịu tác động kép vì người dân thờ ơ với vàng, lại không thuộc đối tượng nhận gói hỗ trợ của Chính phủ

Một cán bộ thuộc Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết, chợ có khoảng 800 hộ kinh doanh (1.688 sạp), nhưng theo từng năm số hộ kinh doanh tại chợ cứ... rơi rụng dần. Nếu từ sau Tết đến đầu tháng 3 có 8 hộ xin trả giấy phép kinh doanh để khỏi phải đóng tiền thuế phí các loại thì hiện tại, con số này nâng lên khoảng 30 hộ.

Lý do các hộ này kinh doanh ế ẩm, treo biển cho thuê nhiều tháng liền, giá thuê sạp từ 10 triệu đồng giảm xuống còn 2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có ai thuê. “Khách đến chợ vừa mới phục hồi được một ít, chỉ vài ngày qua sau khi có thông tin dịch thì lượng khách đã giảm 50%”, vị cán bộ này nói.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM - cho biết, ông đã đóng cửa 3/5 cửa hàng của mình do ảnh hưởng của dịch COVID-19; cửa hàng còn lại chỉ mở cửa cầm chừng, cả tháng trời không có doanh thu. Thậm chí doanh nghiệp ông có giấy phép sản xuất nhưng nay cũng trả giấy phép để tiết kiệm bớt chi phí về thuế, tiền thợ, phí môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Hội viên của hội có khoảng 1.7000 doanh nghiệp, nhưng theo khảo sát mới đây thì có trên 30% số lượng doanh nghiệp ngưng sản xuất kinh doanh. Theo ông Dưng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đang gặp khó khăn “kép”. Thứ nhất là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung khiến đồng đô la Mỹ rớt giá, dẫn đến giá vàng tăng đột biến. Thứ hai, người dân không còn mặn mà với vàng, ngược lại còn gom hết vàng miếng, vàng trang sức đem bán khiến doanh nghiệp gặp khó.

“Phần lớn doanh nghiệp vàng hiện nay đều không có doanh thu, hoạt động cầm chừng nhưng lại không thuộc đối tượng nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Có doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, y tế, có cả ngàn lao động nhưng vẫn bị từ chối hỗ trợ. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, tất cả đều bị ảnh hưởng chung thì tại sao lại có sự phân biệt giữa doanh nghiệp kinh doanh vàng và doanh nghiệp khác”, ông Nguyễn Văn Dưng nói.

Thông tin thêm với chúng tôi, đại diện Phòng quản lý ngoại hối và vàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 9 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM trả lại giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi đó tính từ năm 2012 đến nay có 66 doanh nghiệp trả giấy phép, tức trung bình mỗi năm có khoảng 8 doanh nghiệp. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI