Tiểu thương lo thiếu hàng, sức mua thấp

09/10/2021 - 06:27

PNO - Nhiều tiểu thương ngành hàng quần áo, bánh kẹo, mứt… tại các chợ truyền thống của TPHCM cho biết chưa thể mở bán lại vì hiện không nhập được hàng mới để bán, sức mua thấp.

Chợ sỉ Bình Tây (Q.6, TPHCM) dự kiến mở lại vào ngày 15/10 cho 500 tiểu thương các ngành hàng quần áo, giày dép, túi xách, gia dụng, bánh kẹo, mứt… có sạp trong nhà lồng, kinh doanh theo hình thức bán một ngày, nghỉ một ngày để đảm bảo phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, mứt lo lắng vì đây là thời điểm họ tính toán đặt hàng chuẩn bị cho mùa tết, các mối hàng ở tỉnh cũng đã đặt hàng bán tết, trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa hoạt động lại, không có hàng để chào hay báo giá… 

Nhiều sạp bán bánh kẹo, mứt chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vẫn đóng cửa, chỉ một số ít tiểu thương mở bán cầm chừng
Nhiều sạp bán bánh kẹo, mứt chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vẫn đóng cửa, chỉ một số ít tiểu thương mở bán cầm chừng

Bà Ứng Thị Liên - Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt Chợ Bình Tây - cho biết: Nhiều tiểu thương dự tính đầu tháng 11 tới đây mới mở bán lại vì chợ hiện chỉ cho bán từ 6g - 15g mỗi ngày, ngày bán, ngày nghỉ; chỉ bán sỉ, chưa bán lẻ. Tiểu thương hiện chủ yếu bán hàng online nhưng cũng chưa có hàng để bán. Thời điểm này mọi năm, tiểu thương đã ứng tiền đặt hàng các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt để bán sỉ nhưng năm nay chưa cơ sở sản xuất nào nhận. Thông thường, các cơ sở phải sản xuất ít nhất một tháng mới có đủ hàng tết, đầu tháng 11/2021 là chuẩn bị thị trường tết rồi mà giờ nhiều cơ sở báo vẫn chưa lấy được nguyên liệu (me, mãng cầu…) từ các tỉnh. 

Nhiều tiểu thương ngành hàng quần áo, bánh kẹo, mứt chợ Bà Chiểu, Tân Định, Bến Thành… cũng cho biết tình hình tương tự. Chị Xuân - chủ cửa hàng thực phẩm Hưng Xuân (chợ Bến Thành) - thì cho biết chị không lo lắm việc đứt hàng vì còn ba tháng nữa mới đến tết, các cơ sở sản xuất dù chậm hơn mọi năm nhưng vẫn có thể kịp đưa hàng ra thị trường. Điều chị lo nhất là sức mua giảm mạnh sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Theo đại diện một số cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, quần áo… ở TPHCM, hiện đang rất thiếu nhân công do lao động về quê chưa biết bao giờ lên lại, nguồn cung nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác bị “đứt gãy”. Bà Ngô Thị Loan - chủ cơ sở mứt mãng cầu Loan - cho biết cơ sở chưa có kế hoạch sản xuất tết vì không có người làm, nguồn mãng cầu ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng chưa thể về. Bà Loan dự đoán, sản lượng cơ sở của bà sẽ giảm 50%, giá sản phẩm có thể tăng 20% vì giá nhân công, vận chuyển, nguyên liệu đều tăng…

Theo chủ cửa hàng quần áo trẻ em Thu Hoa (chợ Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp), hiện chỉ có một, hai cơ sở quần áo chào hàng tết nhưng không có nhiều mẫu mới do không nhập được nguyên liệu vải. Giá các sản phẩm chào sỉ cũng đã tăng ít nhất 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình đáng lo của thị trường, một số tiểu thương tại chợ Bình Tây đề xuất được mở bán liên tục các ngày thay vì phải ngày bán, ngày nghỉ, để có thể phục hồi kinh doanh nhanh hơn. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Quản lý chợ Bình Tây - cho biết ban quản lý chợ sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh để có thể điều chỉnh dần lịch hoạt động của tiểu thương. “Tháng 11/2021 nếu tình hình ổn hơn, tiểu thương vẫn kịp mùa kinh doanh tết. Còn hiện giờ ban quản lý khuyến khích tiểu thương chỉ bán buôn và bán online là chính”, bà Thủy nói. 

Nguyễn Cẩm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI