Tiểu thương chợ truyền thống phát nản với hàng rong

21/11/2023 - 05:57

PNO - Để buôn bán được trong nhà lồng chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM), tiểu thương phải qua tập huấn về an toàn thực phẩm, phải đóng nhiều khoản thuế, phí. Trong khi đó, những người bán rong ngay bên ngoài nhà lồng vô tư buôn bán mà không cần đóng phí, không cần quan tâm an toàn thực phẩm nên có thể giảm giá bán, thu hút đông khách mua.

Bên ngoài tấp nập, bên trong ế ẩm 

Chị T.C. - tiểu thương chợ Phạm Văn Hai - cho biết, chợ có 1.688 sạp, trong đó có vài trăm sạp kinh doanh thực phẩm, nhưng khách vào chợ chỉ lác đác. Trái lại, các cung đường bao quanh chợ như Dương Vân Nga, Đình Điền, Tân Sơn Hòa luôn tấp nập khách, kẹt xe do có nhiều tiệm bán đủ loại thực phẩm giống như trong nhà lồng chợ. 

Tiểu thương chợ Phạm Văn Hai rất bức xúc bởi các tiệm bên ngoài chợ không có giấy phép kinh doanh, bán đủ loại thực phẩm tươi sống nhưng cơ quan chức năng không hề kiểm tra. Trái lại, cơ quan chức năng cứ kiểm tra tiểu thương trong chợ dù họ đều có giấy phép kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước (đóng thuế, trả tiền điện, nước, thuế hoa chi), luôn tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các điểm kinh doanh tự phát quanh chợ Bình Điền khiến tiểu thương trong chợ này điêu đứng - ẢNH: QUỐC THÁI
Các điểm kinh doanh tự phát quanh chợ Bình Điền khiến tiểu thương trong chợ này điêu đứng - Ảnh: Quốc Thái

Một tiểu thương trong chợ so sánh, doanh thu của sạp thực phẩm bên trong chợ chưa tới 1 triệu đồng/ngày nhưng một điểm bán tự phát bên ngoài chợ có thể đạt gần 10 triệu đồng/ngày: “Tôi kinh doanh trong chợ này hơn 20 năm mà chưa từng thấy cơ quan chức năng kiểm tra các điểm bán tự phát bên ngoài. Cứ dung túng cho họ bán rong như vậy, chẳng khác nào giết chết các tiểu thương trong chợ”. 

Được biết, tháng 3/2023, UBND TPHCM đã có chỉ đạo về việc xử lý, giải quyết dứt điểm các điểm mua bán tự phát xung quanh các chợ đầu mối nhưng đến nay, tình trạng chợ tự phát sống nhờ chợ hợp pháp vẫn phổ biến ở các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. 

Chị Y. - chủ sạp thịt heo trong chợ đầu mối Hóc Môn - cho hay, muốn đưa thịt heo vào chợ bán, phải có vòng truy xuất nguồn gốc để khi quét mã trên các vòng này, khách hàng biết được heo nuôi từ trại nào, cơ sở nào giết mổ, vận chuyển bằng phương tiện gì. Trong khi đó, thịt heo ở các điểm tự phát không rõ lấy từ đâu, heo khỏe hay heo bệnh, còn trong hạn sử dụng hay không và giá chỉ bằng phân nửa trong chợ. “Nhiều mối hàng chuyển sang mua thịt từ bên ngoài để có giá rẻ hơn khiến tiểu thương trong chợ bị mất mối, ế ẩm, phải tạm ngưng kinh doanh” - chị Y. bức xúc.

Chị Phương - chủ vựa cá trong chợ Bình Điền - than, các điểm kinh doanh tự phát dọc 2 bên đường Quản Trọng Linh đã lấy hết nửa lượng khách hàng của chợ này. Nhiều chủ vựa rau trong chợ được ban quản lý cho phép bày ra sân chợ để bán trong buổi sáng để tiện cho khách chạy xe máy vào mua. Nhưng cách này chỉ tạo thuận lợi chút ít cho tiểu thương bán rau, còn tiểu thương ngành hàng khác vẫn chịu thiệt. Hơn nữa, do không phải chịu các loại thuế, phí nên rau bên ngoài chợ vẫn rẻ hơn rau của tiểu thương, khiến các vựa rau trong chợ bị giảm lượng bán ra so với trước. 

Phải cứu tiểu thương chân chính 

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, dù chợ luôn hoạt động hết 100% công suất nhưng lượng hàng hóa về chợ ít hơn trước do chưa giải tỏa được các chợ trái phép trên đường Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh và các khu dân cư xung quanh chợ. 

Còn theo đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, tình trạng chợ tự phát kinh doanh các mặt hàng tương tự trong các chợ sỉ đã tồn tại từ rất lâu. Ngoài việc phát tán các thực phẩm trôi nổi, gây ảnh hưởng đến trật tự, vệ sinh và làm thất thu cho tiểu thương trong chợ, các hộ kinh doanh ở vỉa hè, lề đường còn mang rác thải bỏ xung quanh chợ, buộc ban quản lý chợ phải thuê người dọn dẹp vệ sinh mỗi ngày. Ban quản lý chợ nhiều lần phản ánh với UBND huyện Hóc Môn và UBND TPHCM nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi.

Trong buổi đối thoại “Dân hỏi - chính quyền trả lời” về công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức ngày 12/11, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - cho hay, tiểu thương các chợ truyền thống rất buồn bã, lo lắng vì sức mua ngày càng yếu do người dân chỉ tập trung mua thực phẩm ở các chợ tự phát. 

Theo bà, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn cho tiểu thương các chợ về an toàn thực phẩm, cách truy xuất nguồn gốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở các chợ. “Thế nhưng, trong khi chúng tôi tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm thì người dân lại chỉ mua hàng ở chợ tự phát, vừa khiến chợ truyền thống bị ế, vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Muốn có thực phẩm an toàn, mọi người phải có trách nhiệm mua hàng ở nơi uy tín, truy xuất được nguồn gốc, không nên ủng hộ hàng trôi nổi ở chợ chồm hổm” - bà kêu gọi.
Rõ ràng, không thể dẹp chợ “chồm hổm” chỉ bằng lời kêu gọi. Chính quyền cấp phường xã đã được UBND TPHCM giao quyền dẹp chợ tự phát và có đủ lực lượng để thực thi nghĩa vụ, quyền hạn này. Họ cần ra quân quyết liệt.  

Ngày 19/9, HĐND TPHCM đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM trên cơ sở Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM; sở này bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2024. Nhưng, với sự ra đời của sở, an toàn thực phẩm vẫn khó cải thiện nếu thực phẩm chưa qua kiểm soát vẫn dễ dàng đến tay người dân thông qua các điểm bán tự phát, các xe hàng rong bên ngoài chợ chính. 

Quốc Thái - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI