Công an quận Gò Vấp phối hợp cùng các đơn vị liên quan diễn tập xử lý tình huống cháy, nổ và cứu nạn ở Trường đại học Văn Lang (đường Dương Quảng Hàm, phường 5, TPHCM)- Ảnh: Chí Thạch
TPHCM: Hàng tết bít lối đi trong chợ Những ngày này, lượng hàng hóa về chợ An Đông (quận 5) nhiều hơn thường ngày. Ở các tầng kinh doanh quần áo, giày dép, mũ nón, hàng chất đầy sạp, muốn bít kín lối đi. Ở tầng hầm - nơi kinh doanh ăn uống - hoạt động đun nấu vẫn diễn ra tại chỗ.
Chúng tôi ghi nhận, các chủ sạp đều trang bị bình chữa cháy mini nhưng hầu hết đều bị hàng hóa che lấp hoặc để trong kẹt. Bên ngoài chợ, các bãi xe bao quanh 4 cửa chợ đầy xe, dựng tràn lên lối ra vào chợ. Nếu có sự cố xảy ra, xe cứu hộ sẽ rất khó vào chợ.
Các tiểu thương bán quần áo trong chợ An Đông cho biết, những năm trước, đường dây điện trong chợ bị cũ, thường xuyên gây chập điện. Sau khi tiểu thương phản ánh, ban quản lý chợ đã thay toàn bộ hệ thống dây điện, bố trí khu vực và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) bài bản hơn. Ở mỗi khu vực, mỗi tầng, mỗi sạp đều có thiết bị ngắt mạch điện tự động khi hệ thống điện bị quá tải, sụt áp hoặc có sự cố chập điện. Mỗi buổi tối, sau khi tuần tra, bảo vệ đều tắt mọi thiết bị điện.
Ông Nguyễn Văn Vị - chủ sạp Hoa Phượng, chợ An Đông - thông tin, đội bảo vệ của chợ tuần tra, nhắc nhở tiểu thương hằng ngày về PCCC, cảnh sát PCCC cũng kiểm tra định kỳ hằng tháng. Nếu đoàn kiểm tra thông báo ổ điện bị hư, cũ hoặc chỗ nào có nguy cơ gây cháy, nổ, tiểu thương liền lo sửa chữa. Ý thức phòng chống cháy nổ của tiểu thương đã tăng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Dù vậy, nguy cơ cháy nổ ở chợ truyền thống vẫn rất cao do mỗi tiểu thương hoạt động một kiểu, một số người vẫn còn đốt nhang, cúng bái trong chợ.
“Để phòng chống cháy nổ, ngoài trang bị bình chữa cháy, chuông báo cháy, quan trọng là phải cấm đốt lửa, cúng bái trong chợ, phải xử phạt thật nghiêm những trường hợp này” - ông Nguyễn Văn Vị nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ cho biết - cận tết, lượng bánh kẹo, quần áo về chợ rất nhiều, trong khi diện tích mỗi sạp nhỏ nên tiểu thương bày hàng ra lối đi nhiều hơn so với ngày thường. Đội bảo vệ thường xuyên nhắc tiểu thương sắp xếp hàng gọn để chừa lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn PCCC nhưng vẫn tạo điều kiện cho tiểu thương bày hàng hóa ra nhiều hơn một chút, bởi cả năm, sức mua rất yếu. Nếu sạp nào bày hàng kín lối, không tắt hết các thiết bị điện khi ra về hoặc đốt nhang trong chợ, sẽ bị đình chỉ kinh doanh.
Chị Kim An - chủ sạp vải 426-428 chợ Tân Định (quận 1) - cho biết, ở chợ này, các dây điện được cài đặt gọn gàng, không còn rối như trước đây. Thỉnh thoảng, ban quản lý chợ nhắc nhở tiểu thương về phòng chống cháy nổ nhưng các tiểu thương kinh doanh vải ở phía ngoài vẫn bày hàng lấn ra lối đi, bít đường vào các sạp bên trong.
“Lối đi chỉ rộng khoảng 1,5m nhưng các sạp 2 bên bày hàng lấn ra nên chỉ còn khoảng 0,5m, chỉ 1 người cũng phải nghiêng người mới lách qua được. Thêm nữa, việc bày hàng choán lối còn khiến các sạp bên trong bị tối, phải bắt nhiều bóng đèn, càng làm tăng nguy cơ chập cháy” - chị An cho hay.
Theo ông Lê Quang Thiện - Trưởng ban quản lý chợ Tân Định - công tác phòng cháy ở chợ là rất quan trọng, nên chợ này trang bị đầy đủ các thiết bị báo nhiệt, báo khói ở các cửa ra vào chợ. Hệ thống báo cháy ở chợ được nối trực tiếp với Trung tâm PCCC của thành phố. Khi có sự cố xảy ra, hệ thống sẽ báo trực tiếp về trung tâm, lực lượng của trung tâm sẽ sớm có mặt để xử lý.
Ông nói thêm: “Chúng tôi yêu cầu tiểu thương bố trí bóng đèn điện cách xa hàng hóa, đồng thời vận động tiểu thương dùng đèn led để không phát nhiệt. Theo quy định, tiểu thương không được bày hàng hóa lấn ra lối đi. Phần lớn tiểu thương hiểu rằng tài sản mà họ đầu tư trong chợ khá lớn nên cũng có ý thức cao về phòng cháy”.
Ban quản lý chợ Đông Ba phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân về phòng cháy chữa cháy dịp tết - Ảnh: Thuận Hóa
Thừa Thiên - Huế: Tiểu thương tự sắm thiết bị chữa cháy
Chợ Đông Ba ở trung tâm TP Huế là ngôi chợ lớn nhất miền Trung, thu hút khá đông du khách. Dịp cận tết, trung bình mỗi ngày, chợ Đông Ba đón hơn 8.000 lượt khách ra vào chợ. Chợ có khoảng 3.000 tiểu thương, kinh doanh ở 2.701 lô, sạp.
Ở chợ Đông Ba, ngoài các thiết bị PCCC do ban quản lý chợ trang bị, nhiều tiểu thương cũng tự trang bị bình chữa cháy và các thiết bị PCCC, nhất là tiểu thương các quầy bán quần áo, giày dép, hàng mã, giấy, bao bì, đồ ăn.
Tiểu thương Trần Thị Ngọc Bích - kinh doanh sỉ vải ở tầng 2, chợ Đông Ba - cho biết, do kho hàng của bà được đầu tư tiền tỉ, lượng vải vóc nhiều nên bà chủ động sắm các bình chữa cháy và các quả cầu nén khí để kịp chữa cháy tại chỗ khi có sự cố: “Dù ban quản lý chợ có tổ bảo vệ để giữ tài sản chung, mỗi tiểu thương cũng phải tự bảo vệ tài sản của mình. Cách bảo vệ tốt nhất là sắp xếp hàng hóa gọn hàng, chừa lối đi thông thoáng, không đốt lửa trong chợ, quan tâm các thiết bị điện. Theo tui, phòng ngừa cháy nổ là quan trọng nhất”.
Tiểu thương chợ Đông Ba trang bị mỗi sạp hàng 1 bình chữa cháy để bảo vệ tài sản dịp tết - Ảnh: Thuận Hóa
Hiện chợ Đông Ba có hơn 300 bình chữa cháy, được bố trí rải rác ở tất cả các khu, phần lớn do tiểu thương tự trang bị. Ngoài bình chữa cháy, các tiểu thương còn tự trang bị hơn 115 quả cầu nén khí (tự động bung ra bọt khí khi gặp nhiệt độ cao bất thường).
Có mặt ở chợ Đông Ba dịp này, chúng tôi ghi nhận, các nhân viên thuộc ban quản lý chợ thay phiên nhau đi kiểm tra các quầy hàng 24/24 giờ. Nhân viên đội trật tự chia thành các tốp 2 người đến từng ki ốt để nhắc nhở tiểu thương không được chất hàng hóa ra khỏi vạch kẻ màu vàng trước mỗi quầy, nhắc các quầy ẩm thực không được dùng than củi đốt lửa sau 17g30. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, yêu cầu chuyển bóng đèn thông thường sang đèn led, thường xuyên vệ sinh quạt điện…
Ban quản lý chợ Đông Ba cũng lắp hệ thống điện riêng cho khối kinh doanh và bảo vệ để đến giờ đóng cửa chợ là ngắt toàn bộ hệ thống điện kinh doanh. Ở phòng trực bảo vệ, có công tắc tổng và màn hình camera an ninh để theo dõi mọi khu trong chợ liên tục 24 giờ/ngày.
Bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba - cho hay, chợ còn có 2 máy bơm chữa cháy và 1 xe chuyên dùng để chữa cháy.
Thời gian qua, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM thực hiện nhiều đợt diễn tập về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở chợ truyền thống, trung tâm thương mại trên địa bàn - Ảnh: SVX
Nhiều vụ cháy chợ gây thiệt hại lớn Ngày 10/11/2022, một vụ cháy đã xảy ra ở chợ Tân Lập (TP Thủ Đức, TPHCM) khiến nhiều ki ốt bị thiêu rụi, trong đó có ki ốt vừa nhập quần áo về để bán tết. Trước đó, ngày 13/9, lửa thiêu rụi nhiều ki ốt trong chợ dân sinh Ngọc Lịch (tỉnh Hưng Yên). Ngày 13/7, vụ cháy ở chợ Đọ Xá (tỉnh Bắc Ninh) đã thiêu rụi 120 gian hàng và 4 ki ốt, ước thiệt hại trên 33 tỉ đồng.
TPHCM lập các tổ phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư
UBND phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM vừa tổ chức ra mắt “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy cộng đồng” nhằm nâng cao ý thức về an toàn cháy nổ ở khu dân cư. Theo đó, mỗi nhà trong “Tổ liên gia an toàn PCCC” được lắp đặt hệ thống chuông báo cháy liên thông cả bên trong lẫn bên ngoài và được trang bị dụng cụ chữa cháy khẩn cấp. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn được tập huấn về kỹ năng và xử lý tình huống cháy, nổ trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hỗ trợ. Được biết, mô hình trên nằm trong kế hoạch của Bộ Công an, được Công an TPHCM triển khai thực hiện ở khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức. Sau thời gian thí điểm, UBND TPHCM đánh giá mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc huy động nhân dân cùng tham gia phòng, chống cháy nổ ở khu dân cư.
Hà Nội: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ” lại càng hẹp thêm
Căn nhà của anh Kiều Quốc Anh nằm hun hút trong một ngõ nhỏ ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, gồm khoảng 10 hộ với gần 40 người sinh sống. Con ngõ hẹp tới mức chỉ đủ cho một xe máy chạy qua. Cuối ngõ là một khoảng sân rộng chừng 10m2 nhưng đã bị các hộ cơi nới, biến thành nơi ở, nhà kho. Ngay đầu ngõ là hệ thống đồng hồ điện của các hộ, dây điện chằng chịt đan nhau và nằm rất thấp, chỉ ngang đầu người lớn. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hà Nội, chỉ riêng quận Hoàn Kiếm, đã có khoảng 1.700 ngõ, ngách nhỏ và 30 tuyến phố mà xe chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng không thể chạy vào được do quá hẹp. Những ngày cận tết, chúng tôi ghi nhận, nguy cơ cháy nổ ở một số tuyến phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Mã… là rất cao. Ở phố Hàng Mã, các cửa hàng trưng ra nhiều hàng hóa làm bằng vật liệu dễ cháy, xếp sát nhau, các ki ốt được dựng tạm giữa đường, đấu nối đường dây điện chằng chịt. Nếu không giải quyết được tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm đường đi, lối đi chung cũng như đấu nối dây điện vô tội vạ thì nguy cơ cháy, nổ vẫn hiện hữu và hậu quả sẽ rất khó lường.