Tiểu thương chợ dưới lòng đất công viên 23/9 lo lắng khi phải di dời

30/08/2018 - 14:31

PNO - Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23/9 phải di dời trước ngày 30/4/2019. Trước thông tin di dời chợ Sense Market tại công viên này, tiểu thương đều lo lắng…

Tiểu thương đầu tư nhiều, chưa thu hồi vốn

Chính thức ra mắt người dân và khách du lịch quốc tế từ tháng 3/2017, Sense Market (dưới lòng đất công viên 23/9, quận 1, TP.HCM) rộng hơn 5.000 m2 tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, khu Taka Plaza với hơn 400 gian hàng chuyên doanh giày dép, quần áo thời trang theo tiêu chí “bán đúng giá, không nói thách” thu hút khách mua sắm. Tại đây còn có cửa hàng tiện lợi, nhà sách, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ…

Tieu thuong cho duoi long dat cong vien 23/9 lo lang khi phai di doi
Taka Plaza với hơn 400 gian hàng chuyên doanh giày dép, quần áo thời trang.

Thế nhưng, không khí mua bán sôi động, nhộn nhịp thường nhật bỗng “chùng lại” khi có thông tin UBND TP.HCM thu hồi, chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23/9.

Cô Chi (ngụ Q.12, TP.HCM, 63 tuổi) có hai gian hàng bún đậu và bún chả Bà Hon cho biết, gian hàng đang kinh doanh khá ổn nhưng nghe mặt bằng sắp bị thành phố thu hồi khiến cô ngỡ ngàng, hụt hẫng.

“Tôi đã đầu tư trang thiết bị đèn, tủ, bếp… và thuê quầy gần 200 triệu đồng, tiền đặt cọc hai quầy đã hết 50 triệu đồng. Trong khi đó, tôi mới chỉ ký hợp đồng, bán chưa được hai năm. Giờ nếu ngưng bán, coi như mất trắng số tiền này”, cô Chi lo lắng.

Theo chia sẻ của cô Chi, mặc dù mới mở gian hàng hơn một năm nhưng đã có rất nhiều khách du lịch biết đến. Nhiều khách quen đưa gia đình đến ăn uống vào mỗi cuối tuần kết hợp mua sắm ở khu vực Taka bán quần áo.

“Trước đây, buôn bán ở khu lề đường không ổn định, tôi phải thuê nhiều nhân công, chi phí đội lên. Giờ bán ở chợ dưới lòng đất này, tôi chỉ cần một người đứng bán, một người tiếp khách là đủ. Bán ở đây vừa ổn định, sạch sẽ lại vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi mong sao được tiếp tục buôn bán ở chợ này…”, cô Chi nói.

Tieu thuong cho duoi long dat cong vien 23/9 lo lang khi phai di doi
Khách đến ăn uống khá đông tại Sense Market

Anh Hùng, chủ quầy ẩm thực phở Thìn cũng sửng sốt trước thông tin di dời chợ. Anh cho biết đã đầu tư mấy trăm triệu đồng, bán chưa được hai tháng nên vốn bỏ ra cũng chưa lấy lại được.

“Thay vì thu hồi mặt bằng, mong sao thành phố cho chính sách cải tạo lại đường hầm, mở rộng chợ dưới lòng đất, tạo điều kiện cho bà con buôn bán, ổn định cuộc sống mà không ảnh hưởng đến hoạt động công viên phía trên”, anh Hùng nói.

Chị Tuyết Nga (53 tuổi, ngụ TP.HCM) kinh doanh quần áo trong khu Taka cho biết: “Từ khi nghe thông tin thành phố thu hồi mặt bằng, hầu hết tiểu thương ở đây đều bị chao đảo tinh thần, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đầu tư hơn 1 tỷ đồng, mới chỉ hai năm đầu buôn bán, chúng tôi chưa thu hồi vốn được. Giờ mà giải tỏa, coi như mất hết...”.

Tieu thuong cho duoi long dat cong vien 23/9 lo lang khi phai di doi
Chị Nga, tiểu thương tại Sense Market lo lắng nếu di dời chợ thì số tiền hơn 1 tỷ đồng đầu tư của mình không biết thu lại bằng cách nào

Theo chị Nga, tiểu thương kinh doanh tại đây đều tâm huyết muốn cùng với đơn vị đầu tư tạo nên một “điểm đến thưởng thức ẩm thực Việt, mua sắm văn minh”, ai cũng xác định kinh doanh lâu dài.

“Nếu được, xin chính quyền thành phố xem xét cho tiểu thương chúng tôi thêm thời gian được buôn bán ở đây để có cơ hội thu hồi bớt một phần vốn đã đầu tư. Sau đó, mỗi gia đình sẽ xoay sở, sắp xếp lại công việc sắp tới, tìm nơi bán ổn định. Nếu trước 30/4/2019 phải di dời, chắc chắn nhiều nhà lâm cảnh khốn khó khi nợ nần chồng chất”, chị Nga lo lắng.

Chủ trương đúng, nhưng cần khai thác tầng hầm hiệu quả

Sense Market từng là khu vực hầm ẩm thấp, nơi diễn ra các tệ nạn tiêm chích, trộm cắp và buôn bán hàng rong bừa bãi gây mất mỹ quan.

Ông Lê Thanh Bình – Phó phòng kinh doanh Taka cho biết, hiện có 250 gian hàng kinh doanh quần áo tại khu vực này. 

Với phương châm tạo điểm mua sắm tin cậy, thu hút khách du lịch, tiểu thương đã làm rất tốt, buôn bán văn minh, lịch sự. Đồng thời, nơi đây cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người trước đây bán hàng rong, chợ “chạy”...

Để có thể trở thành điểm nhấn như hiện nay, Sense Market đã có quá trình dày công nghiên cứu nhằm đưa ra một mô hình bán lẻ văn minh, độc đáo và đặc biệt là phù hợp với tính năng công viên cây xanh phục vụ cộng đồng.

Đại diện Ban Quản lý Sense Market cho biết, khu chợ ra đời đã tạo công ăn việc làm cho trên 500 hộ kinh doanh địa phương (trước đây buôn bán trên lòng lề đường ở quận 1, quận 3); đồng thời phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa ẩm thực đến lượng lớn du khách quốc tế.

Công trình thực hiện với mong muốn thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa, ẩm thực và thắng cảnh của Việt Nam. Hơn 100 tỷ đồng được đầu tư nghiên cứu thiết kế những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh Việt Nam, kết hợp với mô hình các chợ hiện đại ở nước ngoài.

“Nếu Sense Market được kết nối với sân khấu Sen Hồng liền kề và sân khấu này được nâng cấp đồng bộ với Sense Market thì sẽ tạo thành một quần thể thống nhất khép kín rất độc đáo", đại diện Sense Market nêu ý kiến.

Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về quản lý, chỉnh trang, quy hoạch công viên 23/9, các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên này phải di dời trước ngày 30/4/2019.

Có thể nói, việc UBND TP.HCM xem xét thu hồi để tái quy hoạch hàng loạt mặt bằng chưa sử dụng đúng mục đích hoặc hoạt động chưa hiệu quả tại khu vực công viên 23/9 là hoàn toàn hợp lý và cần được ủng hộ. Thực tế, hiện có quá nhiều đơn vị cùng quản lý trên nhiều hoạt động khiến mặt bằng khu vực này trở nên mất mỹ quan, bát nháo, khó quản lý.

Tieu thuong cho duoi long dat cong vien 23/9 lo lang khi phai di doi
Sense Market được đông đảo du khách tìm đến tham quan, mua sắm

Điển hình là các phiên chợ cuối tuần có mấy chục quầy hàng kinh doanh hàng hóa và các món ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bãi xe khu vực sân khấu Sen Hồng cũng chiếm diện tích khá lớn, che chắn tạm bợ và các quán cà phê đang hoạt động cũng không đảm bảo mỹ quan chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc rà soát, thu hồi mặt bằng để chỉnh trang nên giao về cho một đơn vị có kinh nghiệm quản lý tốt. Đặc biệt, thành phố cần xem xét duy trì và mở rộng các dịch vụ tại tầng hầm theo hướng ngầm hóa các dịch vụ hiện hữu tại khu vực công viên 23/9.

Điều này vừa đảm bảo khu vực mặt bằng phía trên công viên vẫn đúng chức năng mảng xanh công cộng của công viên theo quy hoạch của thành phố, vừa đảm bảo khai thác tầng hầm một cách hiệu quả.

Nhà đầu tư lẫn tiểu thương chợ Sense Market đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phép được gia hạn chợ để giải quyết việc làm cho hàng trăm tiểu thương, đồng thời là một điểm đến cho khách nước ngoài.

Nhà đầu tư, tiểu thương phải thực hiện đúng chủ trương của TP.HCM

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến về vấn đề “nóng” liên quan đến công viên 23/9. 

Theo đó, lãnh đạo thành phố thống nhất quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách để tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch và chỉnh trang tổng thể công viên, chứ không sử dụng nguồn vốn nào khác hoặc mục đích quy hoạch nào khác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cũng giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương có công văn trả lời Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cửu Long (chủ đầu tư Sense Market) để biết và thực hiện đúng chủ trương của thành phố.

Nguyễn Cẩm - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI