Quyết tâm giữ cho chợ tết được xôm tụ
Khác với sự sầm uất, sôi nổi và giàu sắc màu như vốn có, từ khi dịch bệnh COVID-19 quét qua, chợ Bến Thành rơi vào đìu hiu. Những ngày tháng cuối năm, chúng tôi phải qua nhiều thủ tục: đo nhiệt độ, khai báo y tế, quét mã QR, trình “thẻ xanh” mới được bảo vệ gật đầu cho vào chợ. “Em thông cảm, do dịch bệnh nên chợ phải chấp hành các quy tắc phòng dịch”, người bảo vệ nói.
|
Bà Trinh, chủ thương hiệu Bé Chè ở chợ Bến Thành tin tưởng sẽ có một ngày chợ nhộn nhịp trở lại |
Sau thời gian hoạt động lại, chợ Bến Thành còn khá nhiều quầy sạp cửa đóng then cài do tiểu thương chưa mở bán, hoặc treo biển sang sạp chờ chủ mới. Nhộn nhịp nhất có lẽ là khu vực kinh doanh thực phẩm thiết yếu, quầy ẩm thực.
Nhanh tay kéo ghế mời khách ngồi, khuôn mặt che khẩu trang kín mít nhưng đôi mắt vẫn ánh niềm vui khi trò chuyện cùng khách, bà Trương Thị Tuyết Trinh - chủ quán Bé Chè có hơn nửa thế kỷ kinh doanh ở chợ Bến Thành - nói: “Khi được thông báo chợ mở lại, tôi đăng ký ngay, không nghĩ đến chuyện lời lỗ mà chỉ cần chợ được sáng đèn là vui”.
Nhiều năm buôn bán ở chợ, sạp của bà Trinh đã có nhiều lần thăng trầm nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như hai năm qua. Từ chỗ phục vụ luôn tay luôn chân, làm tại chỗ còn không kịp, hiện mỗi ngày bà bán được khoảng 50% số lượng chè so với trước dịch. Khách quen nhớ chè, chưa dám ra chợ Bến Thành, alo đặt hàng, bà giao tận nhà. Nhiều khi chị em tiểu thương trong chợ ủng hộ nhau ly chè, tô bún. Dẫu biết, mở bán lại trong khi dịch vừa tạm lắng vẫn thường trực nhiều nguy cơ, nhưng bà Trinh cùng nhiều tiểu thương khác đều hoan hỉ.
Mặt hàng quần áo của bà Ngô Kim Tiến, tiểu thương ngành hàng quần áo chợ Bình Thới (quận 11) dù không phải thiết yếu, nhưng bà vẫn ra chợ ngay từ khi nơi này được phép mở cửa. Bà Tiến có hơn 40 năm buôn bán quần áo, từ chỗ trải bạt bán vỉa hè, bà đã gầy dựng 4 sạp trong chợ Bình Thới. Bà bảo, chợ là sinh mệnh của mình, một ngày không ra chợ là đứng ngồi không yên.
“Tôi nhớ chợ, nhớ nghề và “thèm” nghe tiếng nói cười của mọi người. Bán hàng trở lại cũng lo vì tiếp xúc nhiều người, không biết ai có nguy cơ F0. Nhưng dù thế nào tôi cũng không bỏ chợ”, bà Tiến khẳng định.
|
Dù buôn bán ế ẩm hơn trước nhưng các tiểu thương vẫn kiên trì bám chợ |
Bình thường như mọi năm, đây là mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm nhưng đến thời điểm này, bà Tiến, tiểu thương chợ Bình Thới vẫn e dè chuyện đặt hàng, trữ hàng tết. “Giờ này trễ rồi, nhưng không sao, mình còn khỏe mạnh, còn ra chợ là mừng. Năm nay thua thì năm sau cố gắng, chỉ cần thành phố kiểm soát dịch tốt, mình bắt đầu lại cũng không sao”, bà Tiến nói.
Theo thống kê, TPHCM đã mở lại gần 90% số chợ có trên địa bàn. Qua khảo sát một số chợ, mãi lực đang rất chậm, nhiều mặt hàng có giá nhích hơn so với trước dịch. Cụ thể, cá diêu hồng trước đây chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nay tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg, cá trê cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg lên hơn 80.000 đồng/kg. Giá rau củ các loại cũng tăng vài ngàn đồng/kg, thậm chí có loại tăng hơn chục ngàn đồng/kg, như xà lách 55.000 đồng/kg, bắp cải 30.000 đồng/kg, súp lơ xanh 45.000 đồng/kg... Các mặt hàng đông lạnh, gia vị đều tăng khá cao.
Thay đổi và chiều khách hết mình
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), hiện chỉ có khoảng 400 trong tổng số 1.000 tiểu thương mở cửa sạp buôn bán. Trong đó đa phần là ngành hàng rau củ quả, thịt cá, thủy hải sản, trái cây… “Dù tiểu thương đã được tiêm đủ vắc xin nhưng người kinh doanh ở chợ đều lớn tuổi, nhiều bệnh nền nên họ chưa sẵn sàng quay lại chợ”, ông Huỳnh Thanh Trường - Trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu - nói nguyên nhân.
Bù lại, tiểu thương chợ đẩy mạnh kênh bán hàng online, giao hàng tận nơi. Ngay khu vực thực phẩm tươi sống, tiểu thương “chế” đủ các bảng hiệu có tên sạp, như: Hiệu mắm Hồng Liên, gia vị cô Hòa, mắm cô Tự… kèm số điện thoại rồi treo trước rào chắn. Khách đến mua chỉ cần “a-lô” liền có hàng giao tận tay.
Chị Châu, khách hàng mua mắm cho biết đã từng mua hàng qua mạng nhưng đây là lần đầu tiên khi đã ra chợ mà vẫn gọi điện thoại để mua hàng. "Rất nhanh lại an toàn, tôi không cần phải vào chợ, không phải mua hàng rong; tiểu thương bán hàng rất yên tâm", chị Châu nói.
|
Tiểu thương chợ Bà Chiểu tự treo biển “tiếp thị” để khách dễ dàng mua sắm |
Trước đây, dù chợ Bà Chiểu đã mở lại nhưng có một khu vực vẫn bị chặn chốt do chợ thực hiện “một cổng vào, một cổng ra”. Lúc ấy, các tiểu thương bán hàng bằng cách chuyền qua “hàng rào” nào là thịt heo, mắm ruốc, giò chả đến rau củ… Bà Dương Mai, sạp 574 kể: “Khách sợ dịch nên không dám đi chợ, “ế” quá nên mình nghĩ ra cách này. Khách gọi điện hỏi “2 ký có giao không?”, tôi đồng ý luôn và giao tận nơi. Nhờ vậy nên gần như ngày nào cũng hết hàng. Mừng lắm!”. Bây giờ, chợ đã mở lại các lối đi nhưng khách hàng và tiểu thương đã có số điện thoại của nhau nên vẫn duy trì việc mua bán “hiện đại” như thế.
Trong xu thế mua bán hàng online tại nhiều chợ truyền thống, ban quản lý một số nơi đã chủ động hướng dẫn tiểu thương tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến. Tiểu thương từ thụ động chờ khách hỏi mua đã chuyển sang chủ động giới thiệu hàng hóa trên mạng xã hội, kết bạn thành nhóm với người tiêu dùng để tìm, tiếp nhận đơn hàng...
Cụ thể, muốn mua hàng rau củ quả chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), khách hàng lên Fanpage “Hội Phụ nữ Chợ Phạm Văn Hai” để đặt hàng. Phòng Kinh tế phối hợp Trung tâm Văn hóa quận 5 triển khai địa chỉ bán hàng trực tuyến shop.ttvhq5.com.vn để tiểu thương giới thiệu sản phẩm…
Theo chuyên gia kinh tế Đoàn Đình Hùng, từ thực tế khảo sát có thể thấy sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn một phần cũng do dịch bệnh. Trong bối cảnh này, tiểu thương cần linh hoạt tích hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống để thu hút khách hàng, kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp đầu mối lớn để có các khuyến mại, bán giảm giá, hấp dẫn người mua. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại. |
Phương Vy