“Tiểu thư” đi xin việc

04/10/2022 - 05:21

PNO - “Số sướng không chịu, lại đòi bươn chải”, “Tui chỉ ước được ở nhà chồng nuôi như bà”… Mọi người tranh nhau nói nói cười cười...

Ai cũng nói vợ “số tiểu thư”. Thời con gái ở cùng cha mẹ, được mẹ cưng chiều, mãi đến khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa từng vào bếp. Kết hôn, vợ được mẹ chồng thương như con ruột. Mẹ bảo chỉ cần sinh một đứa cháu gái thì đã là con dâu tốt nhất. Ai ngờ vợ sinh đôi, hai đứa cháu gái giống hệt bà nội. 

Gia đình nhỏ ra ở riêng, xây ngôi nhà cạnh nhà cha mẹ chồng. Hằng ngày, mẹ chồng vẫn sang chăm hai đứa cháu. Sống riêng nhưng vợ ít khi vào bếp, vì mẹ chồng luôn giành nấu rồi đem thức ăn sang cho. Cuộc sống êm đềm, thu nhập của chồng khá, đủ trang trải nên lúc đầu vợ không nghĩ đến việc kiếm tiền. Nhưng thời gian gần đây thấy bạn bè ăn nên làm ra, vợ có chút so sánh. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Năm nay hai đứa trẻ bắt đầu đến trường mầm non. Con học bán trú, ông nội giành phần đưa đón cháu. Ở nhà một mình được hơn tuần, vợ mới thấm thía cảm giác nhàn rỗi buồn chán. Nghĩ đến tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, vợ lưỡng lự hai ngày rồi ghi danh tìm việc. 

“Công cuộc” chuẩn bị đi làm không hề đơn giản. Đầu tiên vợ sửa sang mái tóc, tìm hiểu xu thế ăn mặc để sắm quần áo, giày dép. Ở nhà lâu ngày nên mọi thứ đều xuềnh xoàng, vợ mặc đồ mới, ngắm đi ngắm lại vẫn không có cảm giác tự tin. Trang web giới thiệu việc làm vẫn im ỉm, thỉnh thoảng có người gửi thư mời thử việc nhưng vợ vẫn chưa thấy nơi nào vừa ý, hào hứng chùng xuống. Đã vậy, mẹ chồng còn thuyết phục, bảo vợ ở nhà quen rồi, lo nội trợ thôi, đi làm chi cho vất vả.

Biết không ngăn được con dâu, mẹ chồng cầu viện bà sui. Thế là mẹ gọi cho con gái, “cải huấn” cả tiếng đồng hồ, cuối cùng tóm gọn lại một câu: “Con ở nhà quen rồi, không chịu cực khổ được như người ta đâu”.

Thấy vậy, chồng động viên, nhắc chuyện thời sinh viên vợ năng nổ như thế nào. Rồi chồng gợi ý vợ nên kết nối giao lưu với những người bạn cũ để bắt nhịp cuộc sống bên ngoài nhanh hơn và có thể tìm thấy những cơ hội tốt. Quả nhiên, công ty chỗ người bạn thân mở rộng quy mô nên cần tuyển nhiều nhân viên. Bạn hối thúc vợ nộp hồ sơ.

Ngoài ba mươi tuổi, lần đầu tiên vợ đi phỏng vấn xin việc. Một trong những người phỏng vấn vợ, chính là cô bạn thân, giờ là sếp lớn trong công ty. Ngày xưa sức học của hai đứa ngang nhau. Vợ lén nhìn theo dáng bạn bước nhanh, thầm nghĩ rồi sẽ có một ngày mình cũng được thăng tiến như thế, chỉ cần làm việc thật tốt từ hôm nay. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Ngày làm đầu tiên kết thúc tốt đẹp, vợ được sếp khen. Lo lắng cho vợ nên chồng về sớm, tiện đường chờ đón ở cổng công ty. Mấy đứa bạn cũng tíu tít điện thoại, hẹn cà phê. 

“Thế nào rồi tiểu thư? Nếm được mùi vị cực khổ sau một ngày đi làm chưa?”, “Số sướng không chịu, lại đòi bươn chải”, “Tui chỉ ước được ở nhà chồng nuôi như bà”… Mọi người tranh nhau nói nói cười cười, vợ lâng lâng vui.

Thì ra đi làm và gặp gỡ bạn bè đem lại tâm trạng tốt như vậy. Nếu biết được cảm giác này sớm, vợ đã ra ngoài kiếm tiền từ lâu. 

Việt Quỳnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Đỗ Thị Hương 05-10-2022 05:26:08

    Mình từ khi là một cô bé con đã luôn ao ước: gặp được một chàng trai đúng nghĩa và chàng nói:" Em ở nhà để anh nuôi". Mộng ước sau đó vỡ tan tành. Câu hỏi đầu tiên đàn ông hay hỏi mình là: Lương em bao nhiêu tiền! Hoá ra đàn ông thích tiền và vàng chứ không quan tâm đến tính cách và nhân phẩm!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI