Người ta thường nhắc đến vùng đất này qua tác phẩm trứ danh Lost Horizon (Chân trời đã mất) của nhà văn James Hilton. Nhờ cuốn sách đó, Shangri-La được tô vẽ và truyền thông nhắc đến như một vùng đất huyền thoại, nổi tiếng đến mức năm 2001 nó được đổi tên theo cuốn sách, là Shangri-La, thay cho tên cũ là Trung Điện, một huyện phía tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gần với Tây Tạng.
|
Những mái nhà dát vàng của tu viện nổi tiếng nhất Shangri-La |
Tôi chưa đọc cuốn sách này, nên không bị cảm xúc từ sách dẫn dắt nhưng tôi lại đi Tây Tạng trước khi đến Shangri-La, nên cảm xúc có lẽ khác với những ai đã viết về nơi này ít nhiều.
Từ Tây Tạng đến “tiểu Tây Tạng”
Tôi không thấy ở đây một thiên đường đã mất với những từ ngữ lóng lánh, mà tôi thấy như một sự thân quen, yên bình. Một sự “trở lại” khi gặp ở đây những khung cảnh, đền đài gợi nhớ Tây Tạng rất nhiều, nhất là với kẻ mới đi Tây Tạng cách đó vài tháng như tôi. Vùng đất này còn được gọi là Tiểu Tây Tạng quả không sai. Thì đây cũng là nơi sinh sống của người Tạng mà. Nếu như Tây Tạng nằm trên những đỉnh núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn huyền thoại, mệnh danh là mái nhà thế giới, thì “tiểu Tây Tạng” nằm ở cuối chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, như điểm khởi đầu, cửa ngõ bước vào đời sống văn hóa, cảnh sắc rất đặc trưng của người Tạng.
|
Tháp chuyển kinh khổng lồ lớn nhất vùng này |
Bước dọc theo những con đường nhỏ, tôi cảm nhận được không khí cổ kính, trầm mặc của một vùng đất nơi văn hóa Tây Tạng trùm lên từng căn nhà, góc phố. Những con bò yak nhẩn nha gặm cỏ ngoài đồng, trên thung lũng; những ngôi nhà kiến trúc đặc trưng. Những người phụ nữ tay luôn lần tràng hạt, diện những bộ áo váy của người Tạng với hoa văn họa tiết đặc biệt không lẫn vào đâu được. Bầu trời trong vắt, xanh ngăn ngắt và mây trắng cứ bồng bềnh, bồng bềnh. Những dãy núi quanh năm tuyết phủ mờ xa. Shangri-La quanh năm tuyết phủ, nhiệt độ trung bình luôn vào khoảng từ âm 10 - 150C khi vào hè, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi sự che chắn của dãy núi tuyết Shika hùng vĩ.
“Gặp lại” cung điện Potala ở Shangri-La
Tu viện Songzanlin là nơi mà ai đã đến xứ này đều không thể bỏ qua. Songzanlin là phiên bản thu nhỏ của cung điện Potala nổi tiếng ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Songzanlin (còn gọi là Tùng Tán Lâm - Ganden Sumtseling Gompa), do Đạt Lai Lạt Ma thứ năm của Tây Tạng xây dựng từ năm 1679, có những mái nhà dát vàng rực rỡ, những bánh xe pháp luân với hai con nai quỳ chầu hai bên - đặc trưng của trang trí ở các tu viện Phật giáo Tây Tạng.
|
Đi hết 146 bậc thang là không gian chính của tu viện |
Hành lang dẫn lên không gian chính của tu viện gồm 146 bậc, được trang trí với hơn 108 cột trụ khổng lồ cùng vô số đèn sáp thắp sáng. Khi bước trên những bậc thang lên tu viện, tôi cứ bồi hồi, ngỡ như lại ghé thăm cung điện Potala. Cũng trên một quả đồi, cũng trong không gian đậm mùi bơ bò yak - như tất cả các tu viện khác ở Tây Tạng - không gian của tu viện Songzanlin luôn được thắp sáng bằng một loại sáp làm từ mỡ bò yak. Những chiếc áo đỏ đậm của người tu hành, những bức thangka cũ mới trên khắp các bức tường và nhất là cơ man những pho tượng Phật lớn nhỏ sinh động, uyển chuyển được tạc thật đẹp và huyền bí.
|
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng bò yak |
Chuyện xưa kể rằng sau nhiều năm trời khô hạn, Đạt Lai Lạt Ma thứ năm được cử xây 13 tu viện trong vùng mà Tùng Tán Lâm là một trong số đó, nhằm nguyện cầu cho đời sống dân lành được bình yên qua khỏi những khốn khó. Đến thế kỷ XVIII, tu viện được mở rộng, từ 330 tu sĩ dần dần lên đến hơn 1.200 và lúc đông nhất, có 3.000 nhà sư tu hành ở đây. Anh bạn hướng dẫn của tôi kể, xưa kia tu viện cứ rộng dần vì cứ mỗi tu sĩ đến ở lại có thêm một căn nhỏ - hiểu nôm na là cốc - ở dưới chân đồi.
|
Lối vào tu viện |
Ngày nay, tu viện còn khoảng 700 tu sĩ. Hôm tôi đến, chỉ có một số tu sĩ coi sóc tu viện. Thi thoảng có vài vị sư dõi mắt theo để nhắc nhở rất nhẹ nhàng những vị khách “ngoan cố” chụp hình bên trong tu viện. (Như rất nhiều tu viện ở Tây Tạng, du khách không được phép chụp hình bên trong Songzanlin. Chỉ một số tu viện cho phép du khách chụp hình với một khoản lệ phí nhất định).
Tháp chuyển kinh và khu phố cổ
Chỉ cách tu viện chừng năm cây số là ngôi Đại Phật tự tọa trên một ngọn đồi, nơi có chiếc chuyển pháp luân kinh khổng lồ cao 24m - cao nhất tỉnh Vân Nam. (Người Tạng tin rằng, cùng với niệm Phật và quay chuyển pháp luân, những lời cầu nguyện sẽ dễ dàng lên trời). Một trong những mục đích chính của tôi khi đến Sangri-La là được chạm và xoay chiếc tháp tròn nổi tiếng này.
|
Tu viện Songzanlin - phiên bản thu nhỏ của cung điện Potala nổi tiếng ở Tây Tạng |
Tháp chuyển kinh rất nặng, phải tám người cùng hợp lực mới xoay chuyển được. Chẳng biết sự cầu nguyện có thật sự linh nghiệm hay không, bản thân mỗi người tìm đến vòng quay thiêng với tâm thế như thế nào nhưng với riêng tôi, sau khi nguyện cầu và đi đủ ba vòng xoay, chợt nhận ra một điều rất giản đơn, là làm việc gì nếu hiệp sức cùng lúc thì cũng dễ dàng hơn, ngay cả khi cùng thực hành nghi lễ nguyện cầu. Và có những việc dẫu tha thiết muốn, bạn cũng chẳng thể nào làm được một mình.
|
Ở Shangri-La, bầu trời lúc nào cũng thăm thẳm sâu |
Còn việc có thể và nên làm một mình sau khi quay vòng xoay chuyển luân, là xuống đồi băng qua khoảng sân rộng trước chùa để vào khu phố cổ có tuổi đời hơn 1300 năm của Shangri-La. Phố cổ Shangri-La không còn nhiều nhà cổ vì một trận hỏa hoạn xảy ra đã thiêu rụi hơn 60% những ngôi nhà ở đây, khiến phải đóng cửa một thời gian để trùng tu, đến năm 2016 mới mở cửa trở lại.
|
Ở Shangri-La, bầu trời lúc nào cũng thăm thẳm sâu |
|
Du khách chiêm ngưỡng các trang trí trên tường ở tu viện Songzanlin |
Những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn nằm trong một góc phố nhỏ, ẩn mình tít sâu trong lòng phố chính. Những con phố quanh co và vắng lặng đến bất ngờ, gợi chút nhớ về phố cổ Hội An. Đây là nơi sinh sống tập trung lâu đời của người Tạng, được cho là nơi bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc.
|
Một góc nhỏ bình yên ở Shangri-La |
Lang thang dọc những con đường lát đá đã nhẵn bóng bước chân lữ khách bốn phương, tôi ghé thăm khu phố khi chiều đã dần tàn, những vệt sáng tối bắt đầu đổ dài theo từng bóng mái thấp cao, những lối nho nhỏ quanh quanh của phố cổ. Mặt trời cố rướn qua khỏi những đám mây tranh thủ thả thêm mấy vạt nắng rực rỡ cuối cùng nghiêng qua tháp, qua mái cổ, qua con phố. Tôi vội vàng lấy máy ảnh ra chụp, như muốn lưu lại khoảnh khắc bình yên nhất của một ngày.
Lê Minh Hạ
Vài lưu ý khi đến Shangri-La:
Lâu nay các tour du lịch chỉ khai thác tuyến Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang mà ít khi có kèm thêm Shangri-La vì khá xa xôi và mất thêm thời gian cho một chặng bay Côn Minh - Shangri-La. Hiện hầu như chỉ có hãng lữ hành Bayon travel khai thác tuyến này, kết hợp cùng ba điểm trên. Các dịch vụ lữ hành khác cũng có nhưng chỉ thêm Shangri-La vào tour khi khách yêu cầu. Bạn nên chọn những đơn vị lữ hành chuyên tour Trung Quốc.
Bạn có thể tham khảo lịch trình khép kín TP.HCM - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Sangri-La - Côn Minh - TP.HCM. Lý do, Shangri-La ở độ cao trung bình 3.200m so với mực nước biển, có một số điểm tham quan còn cao hơn, bạn nên chọn hành trình từ thấp đến cao để cơ thể thích nghi dần, tránh tình trạng đổi độ cao đột ngột, dễ bị say độ cao.
Tour Shangri-La - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang hiện có giá trung bình 21.990.000 đồng/6 ngày 5 đêm. Lựa chọn thuận tiện là bay với China Eastern Airlines, hằng tuần đều có chuyến bay thẳng TP.HCM - Côn Minh và ngược lại.
Shangri-La mát lạnh quanh năm, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh từ 150C xuống còn 4,50C. Bạn không cần phải chuẩn bị bình ô-xy vì hướng dẫn viên bản địa sẽ lo việc này; các điểm tham quan, khách sạn và ô tô đưa đón cũng luôn có. Giá trung bình 1 chai ô-xy khoảng 20 tệ (khoảng 70.000 đồng).
Nếu ở Hà Nội, bạn có thể đi theo lịch trình: Hà Nội - Côn Minh - Shangri-La hoặc bằng đường bộ, đường sắt: Hà Nội - Sapa - qua cửa khẩu Hữu Nghị - bắt xe đi Côn Minh (500km). Từ Côn Minh có thể lựa chọn bay Côn Minh - Shangri-La hoặc đi bus (700km).
|