Tiểu Tân và những bức tranh về Trường Sa

08/07/2024 - 08:11

PNO - Những ngày cuối tháng Tư năm nay, đoàn công tác số 12 - TPHCM đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa. Đây cũng là lần đầu Tiểu Tân - phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng - được đến đây. Trong hành trang của chị có cả giấy vẽ, họa cụ.

Trong 7 ngày, từ 26/4 - 2/5, đoàn đã đến đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần). Đến nơi, chị mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của Trường Sa. Mặt đất hay con người trở nên nhỏ bé giữa biển cả và trời xanh. Màu xanh của những cây bàng vuông, hàng phong ba chắn bão, lá cờ đỏ sao vàng tung bay khẳng định chủ quyền... càng tô đậm hình ảnh về nơi này. Hơn hết là hình ảnh những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời với tinh thần thép.

Tác phẩm Chiều Cô Lin của Tiểu Tân
Tác phẩm Chiều Cô Lin của Tiểu Tân

Mỗi ngày ở Trường Sa được chị lưu lại bằng ngôn ngữ hội họa riêng. Chiều hoàng hôn ở Đá Tây B, Cô Lin… xuất hiện trong những bức tranh màu nước. Khoảnh khắc xúc động khi chị Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, quận Tân Bình) vui mừng gặp con trai - trung sĩ Huỳnh Thế Sơn (19 tuổi, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn) được đem vào bức tranh lụa mang tên Gặp mẹ bên bờ sóng…

Khi đến thăm đảo Cô Lin, chị được nghe các cựu chiến binh kể về những câu chuyện lịch sử của đất, biển và người. Những người lính đảo hiện tại đối diện không ít khó khăn, nhưng vẫn kiên trung, vững tay súng. 2 bức tranh Ngọn sóng Gạc Ma, Trên đầu ngọn sóng đã ra đời.

Bộ tranh Thao thức Trường Sa của Tiểu Tân
có 25 bức. Từ ngày 5/7, bộ tranh cùng nhiều
tác phẩm nhiếp ảnh, thơ, nhạc về Trường Sa được trưng bày tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Từ năm 2021 đến nay, Tiểu Tân tham gia
hơn 10 triển lãm tranh tại Hội Mỹ thuật TPHCM.
Từ ngày 18 - 26/6, chị tham gia Triển lãm tranh “99” của những người làm báo tại Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam (TPHCM) nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cùng 7 nhà báo, họa sĩ.

Bình thường chị chỉ vẽ 2-3 bức tranh/tháng hoặc ít hơn nếu quá bận công việc. Thế nhưng trong hơn 1,5 tháng qua, chị tập trung vẽ nhiều. “Tôi chưa phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là một người có duyên nợ với hội họa. Nhưng có lẽ chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc nên mình chọn những gì đơn sơ, thân thuộc, dễ cảm để vẽ” - Tiểu Tân tâm sự.

Ban đầu, chị định vẽ tranh rồi giữ cho riêng mình. Thế nhưng khi đăng bức tranh Chiều Cô Lin trên trang cá nhân, một đại biểu đi cùng đoàn chia sẻ, muốn “đặt hàng” một bức tranh về Trường Sa. Từ đó, chị nghĩ đến việc có thể vẽ nhiều hơn rồi bán tranh, gửi 100% ủng hộ Trường Sa và trẻ em vùng xa. May mắn, ý tưởng này được nhiều người động viên, ủng hộ. Tranh của chị hiện đã bán hết và sẽ góp 50% cho quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, 50% cho quỹ Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường của đơn vị đang công tác.

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI