'Tiêu dùng xanh' từ căn bếp

09/03/2019 - 06:47

PNO - Việc mua sắm trong gia đình hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm. Vì thế, hành trình tiêu dùng xanh phải bắt đầu từ người “nội tướng”.

Nhiều gia đình có thói quen cho rau củ quả vào túi ni-lông mà không biết nguy hiểm đang rình rập. Ngoài hộp nhựa an toàn, hộp thủy tinh, hiện nay, người tiêu dùng đã có lựa chọn mới từ túi silicon được làm từ silic, không có chất phủ BPA, BPS, BPF, PVC, phthalates hoặc bất kỳ hóa chất độc hại nào. Túi được thiết kế kín, không bị rò rỉ và có khóa, lý tưởng để bảo quản thực phẩm và chất lỏng, có thể chịu nóng đến 2500C, lạnh dưới -500C, sử dụng để nấu chín hoặc hâm thức ăn trong lò viba, tủ lạnh, lò nướng, tủ đông, máy rửa chén, bếp và ngoài trời. 

'Tieu dung xanh' tu can bep

Hiện tại, người tiêu dùng thông minh đang có xu hướng chuyển sang chất liệu vải tre không dệt có độ dai cao, thấm hút tốt và bền hơn khăn giấy thông thường, có thể giặt tay hoặc máy và tái sử dụng đến 120 lần. Sản phẩm được làm hoàn toàn từ tre, mỗi cuộn gồm 20 mảnh có kích thước 28cmx28cm, được bán giá 150.000 đồng, có thể thay thế cho 60 cuộn giấy thông thường. Ngoài công dụng lau chùi, thấm hút dầu mỡ thừa, vải tre còn có thể dùng thay thế bông tẩy trang bằng cách cắt nhỏ hoặc dùng làm khăn ướt lau chùi cho trẻ. Vải tre cũng được dùng để may quần áo. 

Bên cạnh đó, túi đi chợ hoặc mua sắm cũng dần trở thành trợ thủ đắc lực thay thế cho túi ni-lông thông thường. Chị em có thể kết hợp đi chợ sau giờ làm với túi vải bố có nhiều ngăn nhỏ để tiện giữ rau củ quả lúc mua sắm. Sản phẩm túi vải bố được bán với giá từ 100.000-150.000 đồng, túi lưới móc có giá 30.000 đồng. Ngoài ra, bạn có thể chọn túi vải mềm thời trang và đa chức năng hơn (giá 150.000-200.000 đồng). Hiện một số doanh nghiệp xã hội hoặc nhóm hoạt động vì cộng đồng đã tái chế từ quần áo cũ hoặc vải thừa để làm nên các sản phẩm xanh này.

Việc thay đổi thói quen chưa bao giờ dễ dàng. Bản thân người viết, một phụ nữ, cũng mất vài năm điều chỉnh dần nhu cầu mua sắm của mình. Vậy nên, đừng quá khắt khe với bản thân, vì đây là cả một hành trình dài. Điều quan trọng là bạn đã ý thức hơn về môi trường qua từng hành động nhỏ mỗi ngày. Hãy cùng bắt đầu sự thay đổi với khái niệm 5R (Refuse: từ chối, Reduce: cắt giảm, Reuse: tái sử dụng, Recycle: tái chế và Rot: phân hủy) trong quản lý, phân loại rác thải.

Cẩm Phô

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI