Tiêu dùng ích kỷ và 'virus' sợ hãi

12/02/2020 - 13:03

PNO - 'Virus' sợ hãi cũng trở nên nguy hiểm không kém con virus corona đến từ Vũ Hán. Khi virus này càng lan rộng, sẽ kích hoạt vô số những bản năng tiêu cực như hành vi tiêu dùng ích kỷ, cướp đi cơ hội tiếp cận sản phẩm của người khác, làm hỗn loạn thị trường…

Tiêu dùng ích kỷ làm hỗn loạn thị trường 

Từ xếp hàng kín một con phố ở Sài Gòn hay chen chúc, giành giật trong khu “chợ thuốc” ở Hà Nội để mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, sức cầu nóng bỏng rất nhanh chóng “cháy lan” sang mặt hàng lương thực, thực phẩm. Hình ảnh quầy kệ đồ ăn thức uống trống trơn xuất hiện ở không ít siêu thị, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc…

Vậy cung cầu hàng hóa có thực sự chênh lệch đến giá một chiếc khẩu trang y tế bị đẩy lên gấp năm, thậm chí gấp mười so với thông thường? Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, khẩu trang không phải “cứu tinh” để ngừa dịch viêm phổi cấp do virus corona. Các doanh nghiệp cung ứng, hệ thống phân phối khẳng định nguồn cung nhu yếu phẩm dồi dào. Bộ Tài chính quyết định miễn thuế nhập khẩu khẩu trang và một số sản phẩm y tế phục vụ phòng dịch. Vinatex công bố sản xuất, bán ra 300.000-400.000 khẩu trang vải mỗi ngày… 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những phản ứng quá mức cần thiết của người dân, thị trường thời gian qua? 

Câu trả lời là: đám đông sợ hãi! 

 Tại siêu thị VinMart Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, quầy rau quả trống trơn ngay sau khi được xếp lên kệ - Ảnh: H. Hạnh
Tại siêu thị VinMart Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, quầy rau quả trống trơn ngay sau khi được xếp lên kệ - Ảnh: H. Hạnh

Biết lo lắng, sợ hãi dịch bệnh để thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cần thiết. Nhưng sợ hãi đến mức vơ vét khẩu trang, đồ ăn thức uống vượt quá nhu cầu trong bối cảnh dịch bệnh, là một hành vi tiêu dùng tham lam, ích kỷ, không chỉ lấy đi cơ hội của những người còn lại mà còn đẩy thị trường vào tình trạng mất cân bằng, hỗn loạn, đồng thời “tiếp tay” cho gian thương tăng giá vô tội vạ để trục lợi. 

Hành vi tiêu dùng ích kỷ ấy một lần nữa kích hoạt nỗi sợ hãi và khuếch tán nó lan rộng hơn. Đám đông sợ hãi nhân lên, sức cầu hàng hóa phục vụ chống dịch hay nhu yếu phẩm càng đột biến. Nếu không kiểm soát được đám đông sợ hãi ấy sẽ dẫn đến hoảng loạn, kéo theo vô số hệ lụy. 

Trong khi sự sợ hãi dịch bệnh “dâng” cơ hội kiếm chác cho vô số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khẩu trang, thiết bị, sản phẩm y tế thì ở chiều ngược lại, đã “dúi” không ít doanh nghiệp tiến gần bờ vực thua lỗ. Doanh nghiệp tư nhân Hùng Dũng, chuyên sản xuất gạch, sản phẩm nội thất tại Hà Nội mỗi ngày phải bù lỗ 300 triệu đồng do thiếu nguyên liệu đầu vào, phải giảm công suất nhưng mọi chi phí thuê mặt bằng, lương vẫn phải trả đủ. Công ty Vinapharma vừa phải dừng thông quan 30 container sản phẩm thảo dược sang Trung Quốc, chịu lỗ ngay 5 tỷ đồng và đối mặt với nguy cơ “âm vốn” 200 triệu mỗi ngày vì tắc thị trường đầu ra. Chuỗi nhà hàng Lan Chín - điểm đến quen thuộc của “dân nhậu” Hà Nội vừa phải đóng cửa vì chưa khắc phục xong khó khăn sau quy định kiểm soát nồng độ cồn, thì dịch bệnh kéo đến khiến khách hàng quay lưng…

Còn nhiều, rất nhiều doanh nghiệp, từ hàng công nghiệp, nông nghiệp đến vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng… đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, nợ nần, dẫn đến nhiều công nhân không có việc làm, nhiều gia đình mất đi thu nhập…

“Virus” sợ hãi nguy hiểm không kém corona

Nỗi sợ hãi là một bản năng. Nhưng hành động như thế nào khi đối mặt với sợ hãi là một sự lựa chọn. 

Để hướng người dân đến những sự lựa chọn hợp lý, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu các bộ, ngành: thông tin đầy đủ, hướng dẫn kịp thời, cam kết hành động và hành động như cam kết… 

Đơn cử, để xử lý “khủng hoảng” khẩu trang, Chính phủ và các bộ liên quan phải lập tức chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp bằng mọi cách tăng cung khẩu trang, từ gỡ khó về nguyên liệu đến bơm vốn hay miễn giảm thuế nếu cần thiết. Trong thời điểm nguồn cung chưa thể tăng ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu quá đột biến, giải pháp đi kèm là xử lý doanh nghiệp, thương nhân trục lợi trên nỗi sợ của người dân. Đồng thời, tiếp tục đưa ra thông điệp nhanh chóng, đầy đủ, chính xác về vai trò của khẩu trang trong phòng dịch, hướng dẫn khuyến cáo người dân có thể sử dụng khẩu trang vải thay vì khẩu trang y tế… 

Nhiều người vội vã tích trữ lương thực khi nghe những thông tin không đúng bản chất về virus corona
Nhiều người vội vã tích trữ lương thực khi nghe những thông tin không đúng bản chất về virus corona

Quyết định lựa chọn hành động còn lại là trách nhiệm của mỗi cá thể, phụ thuộc vào thông tin họ tiếp nhận, khả năng phân tích thông tin, trình độ nhận thức, kiến thức cá nhân và kinh nghiệm, kỹ năng được tôi luyện qua thực tế… 

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Nhật luôn được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những hành động mẫu mực, nhân văn trước mọi thảm họa, từ thiên tai lẫn nhân tai… Khắp đất nước Nhật, đâu cũng có thể thấy hình ảnh những dòng người dài dằng dặc xếp hàng nhẫn nại, trật tự chờ đến lượt mua, nhận nhu yếu phẩm sau một trận động đất hay sóng thần. Tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, tranh cướp. Mặc dù nguồn cung khan hiếm, song hệ thống phân phối không tăng giá bất cứ sản phẩm nào, một số siêu thị còn giảm giá, tặng đồ miễn phí cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ cứu hộ… Ngay trong đại dịch do virus corona này, một số siêu thị Nhật đã lập tức giảm giá khẩu trang phục vụ ngừa lây nhiễm... 

Virus corona có đáng sợ không? Có, rất đáng sợ nếu chúng ta thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và thiếu bản lĩnh. Và khi đó, thứ vi-rút còn nguy hiểm hơn cả virus corona, đó là vi-rút sợ hãi. Virus sợ hãi càng lan rộng sẽ kích hoạt vô số bản năng tiêu cực: vơ vét, mua vượt nhu cầu từ khẩu trang đến thực phẩm là hành vi tham lam, ích kỷ vì cướp đi cơ hội của nhiều người tiêu dùng khác. Kỳ thị, chối bỏ người không may nhiễm dịch là hành vi tàn nhẫn, thậm chí độc ác…

Xuân Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI