Tiêu chuẩn nông sản an toàn: Ai tin, tin ai?

28/11/2018 - 10:00

PNO - Dù Việt Nam có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng chỉ VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không thể sử dụng các chứng nhận này đi chào hàng nông sản, thực phẩm ở các nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - chia sẻ câu chuyện một DN xuất khẩu thực phẩm đi các nước, trong đó có cả các nước châu Âu.

DN này cần mua hơn 20kg ngò gai, húng cây không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu sang Pháp nhưng không thể mua được. Bởi trước đó, DN này từng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua rau củ tại các siêu thị, kể cả mua của các công ty nông nghiệp có chứng nhận an toàn nhưng khi đem mẫu đi kiểm nghiệm, gần như 100% mẫu đều tồn dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng an toàn.

Tieu chuan nong san an toan: Ai tin, tin ai?
Dù Việt Nam có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng chỉ VietGAP nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không thể sử dụng các chứng nhận này đi chào hàng nông sản, thực phẩm ở các nước

Theo bà Minh, kết quả kiểm mẫu của DN này khá trùng khớp với kết quả của một công ty kiểm nghiệm có 100% vốn nước ngoài. Công ty đó cũng lấy rau khắp nơi với mục đích đưa ra kết luận về loại thuốc trừ sâu thường dùng ở Việt Nam cho khách hàng. 

Cách đây hai ngày (26/11), tại  hội thảo Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế được tổ chức tại TP.Hà Nội, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương - cho biết, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp.

Người Nhật đầu tư trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả sạch tại Lâm Đồng, sau đó xuất khẩu trở lại chính quốc. Ông Khanh cho rằng, các DN Nhật đầu tư để tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết với Việt Nam.

Đem chuyện này trao đổi với lãnh đạo một DN thực phẩm tại TP.HCM, vị này dự đoán, những sản phẩm đó rồi sẽ lại trở thành những sản phẩm cao cấp tại chính thị trường Việt Nam, vì rất nhiều người tiêu dùng tin vào tiêu chuẩn chất lượng của Nhật hay các nước khác hơn những tiêu chuẩn nội địa như VietGAP.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An, chủ thương hiệu chuối Fohla - từng chia sẻ, có người hỏi ông, để đưa trái chuối vào thị trường Nhật, có cần chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Ông nói, nhà nhập khẩu sản phẩm không yêu cầu những chứng nhận đó, họ thử và lấy mẫu về kiểm nghiệm với khoảng 200 chỉ tiêu về hóa chất, và họ phải biết rõ quy trình sản xuất. Chỉ các siêu thị trong nước mới chú trọng đến những giấy chứng nhận này.

Đối với nông sản, thực phẩm trong nước, các đơn vị, đặc biệt là các nhà bán lẻ lớn, vẫn dựa vào các loại chứng nhận, nhưng niềm tin vào các chứng nhận ấy lại không nhiều, vì đã có những vụ việc cấp chứng nhận theo kiểu “có đăng ký và đóng phí là được cấp” mà báo chí từng phanh phui, hoặc mẫu mang đi kiểm nghiệm để lấy chứng nhận khác hoàn toàn mẫu bán ra trên thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị  Hồng Minh, không có cách tiếp cận thật sự thiết thực và phù hợp từ cấp quản lý thì nông nghiệp không thể hưởng lợi, ngay cả khi những hiệp định thương mại lớn như CPTPP có hiệu lực. 

Bà Minh đặt vấn đề: “Cửa đã mở rất rộng mà DN vẫn phải đi gom từng ký thực phẩm an toàn hoặc phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tự tìm sự an toàn cho mình thì làm sao cạnh tranh được?”. Bà cho rằng, nâng sức cạnh tranh cho nông dân, rời bỏ sự lệ thuộc quá đáng vào hóa học của nông nghiệp là bài toán khó, dài hơi nhưng nhất thiết phải làm. Nếu không, không chỉ nông dân mà giống nòi này không biết sẽ ra sao. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI