Tiêu chuẩn kỳ quái vào hội cha mẹ học sinh

14/11/2019 - 22:14

PNO - Cô Phượng, có thể về bằng cấp hay chuyên môn xứng đáng được đứng trên bục giảng. Thế nhưng cô dường như không có khả năng dạy học trò về khái niệm “hạnh phúc” hay sự tôn trọng giá trị của người khác.

Trong cuộc họp ban phụ huynh tại Trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội, nhằm bầu Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh, bà Đào Thị Hồng Phượng - giáo viên Trường THCS Yên Sở - đã có những phát biểu đầy chủ quan, thiên kiến đối với những phụ huynh đơn thân và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Tieu chuan ky quai vao hoi cha me hoc sinh
Bà Đào Thị Hồng Phượng khiến dư luận bất bình trước phát biểu kỳ thị những người cha người mẹ đơn thân

Bà Phượng nói: “Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm là gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con mình trước đã.

Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta đi lo hạnh phúc của người ta, của bản thân người ta đi đã và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta hạnh phúc… những người như thế chưa đủ tư cách thì không thế nằm trong ban phụ huynh.

Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban giám hiệu ở đây hãy xem xét về trích lục của bố mẹ như thế nào, chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào”.

Đáng buồn hơn, với nội dung phát biểu đó, bà Phượng vẫn trúng cử, trở thành Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An.

Bản thân là một giáo viên, nhưng cô Phượng lại có những suy nghĩ lệch lạc về “hạnh phúc”, “gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức”. Là một nhà giáo, cô đã thể hiện một cái nhìn thiếu sự cảm thông đối với các bậc sinh thành của những học sinh của mình, với những từ ngữ đầy xúc phạm: “lệch bố lệch mẹ”.

Không biết cô có bất ngờ không, nếu biết cựu tổng thống Mỹ - Barack Obama là con của một người mẹ đơn thân ở Hawaii hay ca sĩ Madonna - một biểu tượng lớn cho nữ quyền thế giới là con của một người bố đơn thân ở Michigan. Ngoài ra ta còn có thể kể về vô số nhân vật đã làm nên những điều vĩ đại cho thế giới này từ hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Những con người tạo nên lịch sử này, từ lâu đã cho ta hiểu một điều rằng, hoàn cảnh của cha mẹ chưa bao giờ là yếu tố quyết định để nuôi nấng và bảo ban trẻ, mà chính là tình thương của họ, cách sống ngay thẳng, đạo đức và nghị lực bền bỉ của họ mới chính là những điều khiến cho đứa trẻ phát triển một cách vững vàng.

Chưa kể, để làm nhà giáo - người mà trong văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa được coi như người cha người mẹ thứ hai - còn khó hơn. Ngoài những điều trên, họ còn phải có sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đến từng học sinh của mình. Những phát ngôn mang tính đánh giá kệch cỡm này chẳng khác nào xát muối lên các học sinh của chính cô.

Có cậu bé mẹ qua đời vì ung thư, mỗi ngày nhìn cha tất bật lo toan cho miếng ăn manh áo của gia đình một cách vụng về. Có cô học trò tối tối vẫn phải phụ mẹ bán trà chanh vì cha đã bỏ đi xa… Tất cả những hoàn cảnh này, trong mắt “nhà giáo” Phượng, cuối cùng chỉ quy về một mối đơn giản: “lệch bố lệch mẹ”.

“Hạnh phúc” vốn dĩ vẫn luôn là điều gì đó vô cùng mơ hồ, nhưng dù giàu hay nghèo, ai cũng mãi tìm và chạy đuổi theo nó, đánh đổi nhiều thứ để có được nó, để rồi cuối cùng nhận ra rằng, nó chỉ là một trạng thái nhất thời của sự hài lòng và mãn nguyện với cuộc sống của mình, chứ không phải một món đồ vật với những yêu cầu nhất định để ta có thể đạt được mãi mãi.

Cô Phượng, có thể về bằng cấp hay chuyên môn xứng đáng được đứng trên bục giảng. Thế nhưng cô dường như không có khả năng dạy học trò về khái niệm “hạnh phúc” hay sự tôn trọng giá trị của người khác.

 Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI