Nhiều hãng thời trang danh tiếng bắt đầu đa dạng hóa các mẫu thiết kế, thay đổi tiêu chuẩn về cái đẹp, lồng ghép những thông điệp nhân văn, phản ánh hiện thực xã hội trong các sản phẩm mới nhất.
Tiêu chuẩn về cái đẹp dần thay đổi, đa dạng hơn
Trong vài năm trở lại đây, các thương hiệu thời trang xa xỉ dần thay đổi định hướng, thoát khỏi những rào cản mà bản thân tự đặt ra về tiêu chuẩn cái đẹp. Không còn là những cô người mẫu chuyên nghiệp, gương mặt đại diệm hoàn hảo về sắc vóc, các hãng bắt đầu lắng nghe tiếng nói của phái đẹp hơn, từ những phụ nữ chưa hoàn thiện, tự ti về khiếm khuyết của bản thân.
Điều này phần nào được thể hiện rõ qua các chiến dịch quảng bá, thông điệp mà các thương hiệu gửi gắm trong các sản phẩm mới phát hành. Điển hình là Gucci, mới đây đã cho chọn nữ ca sĩ Dani Miller, người có hàm răng thưa, ố vàng trở thành người mẫu đại diện cho dòng mascara L’Obscur dù vấp phải không ít phản ứng trái chiều từ khán giả.
|
Nữ ca sĩ Dani Miller vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi làm mẫu đại diện cho Gucci. |
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên nữ ca sĩ hợp tác cùng thương hiệu danh tiếng này, trước đó, vào tháng 5/2019, Gucci từng khiến giới mộ điệu thời trang kinh ngạc khi chọn cô cho chiến dịch quảng cáo son môi. Đây được xem là bước đệm đầu tiên của Gucci đánh dấu sự thay đổi về quan điểm, hướng tới thông điệp: phụ nữ đều có quyền làm đẹp dù vẻ ngoài của họ còn nhiều khuyết điểm.
Cách đây không lâu, hãng nội y Victoria’s Secret đã mời những người mẫu lớn tuổi, đẫy đà và cả người mẫu chuyển giới tham gia chiến dịch quảng bá bộ sưu tập mới Body by Victoria. Thay đổi quy chuẩn luôn tôn vinh nét đẹp hoàn hảo của hãng trong nhiều thập kỷ gây bất ngờ cho khách hàng trung thành. Không còn là những cô người mẫu với số đo 'chuẩn vàng', thay vào đó là những sắc vóc lệch chuẩn, nhiều người cho rằng, hãng đang dần xuống cấp, mâu thuẫn với chính tôn chỉ hướng đến nét đẹp hoàn hảo của chính mình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc Victoria Secret thay đổi là xu thế tất yếu khi hàng chục cửa hàng kinh doanh của họ đã đóng cửa trong vòng 2 năm trở lại đây, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Nếu không thay đổi, nếu chăm chăm quan điểm trên thì có lẽ không sớm thì muộn nguyên hệ thống hãng mốt này sẽ sụp đổ, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Victoria’s Secret như Etam, Aerie… liên tục tung ra các bộ sưu tập mới đa dạng về mẫu mã, phù hợp với mọi vóc dáng.
|
Victoria's Secret chọn những người mẫu lớn tuổi, vóc dáng lệch chuẩn quảng bá bộ sưu tập mới. |
Hiện ngày càng có nhiều thương hiệu, nhà thiết kế sẵn sàng sử dụng người mẫu ngoại cỡ (size 10 trở lên) trên các sàn diễn. Steven Kold, Chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) từng truyền thông điệp đến các nhà mốt tham gia casting trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York 2019: “Khi các bạn tuyển chọn người mẫu, hãy nhớ đề cao và quan tâm đến sự đa dạng trên đường băng”.
Thực chất, những chuẩn mực về cái đẹp: vóc dáng cao ráo, da trắng, mũi cao… là những ý nghĩ tồn tại trong phần đông quan điểm thẩm mỹ của khán giả. Khi bắt đầu thay đổi ắt hẳn sẽ gây nên nhiều luồng tranh cãi nhưng suy cho cùng nhu cầu được làm đẹp, mặc những bộ cánh lộng lẫy là mong ước chính đáng của phái đẹp kể cả người có sắc vóc hoàn hảo hay những người còn khiếm khuyết.
|
Hình ảnh hoa hồng xuất hiện xuyên suốt trong bộ sưu tập của nhà mốt Valentino. |
Thời trang phản ánh hiện thực xã hội
Không còn thể hiện xu hướng thời trang, làm đẹp đơn thuần… các bộ sưu tập đến từ nhiều hãng mốt và các nhà thiết kế danh tiếng thế giới luôn ẩn chứa những thông điệp nhăn văn, hướng đến con người và những vấn đề xã hội mang tính thời sự cao.
Xuyên suốt các bộ sưu tập của Prada, Valentino, Fendi… trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Milan, Paris đầu năm 2020 tuyên ngôn nữ quyền tiếp tục được thể hiện đậm nét. Đêm trình diễn của thương hiệu Dior tràn ngập những tấm bảng mang thông điệp đấu tranh trực diện, giành quyền lợi cho phái đẹp như “Phụ nữ hãy đứng dậy”, “Đàn áp và gia trưởng”… Cho đến những hình ảnh “ẩn dụ” - hoa hồng đính trên những mẫu áo khoác, váy suông cũng như túi xách của thương hiệu Valentino gợi nhớ đến cuộc đấu tranh nữ quyền đầu tiên trên thế giới mang tên Flower Power.
|
Sàn diễn của thương hiệu Dior với những tấm biển mang thông điệp nữ quyền. |
Những bộ cánh được nghệ sĩ khoác lên mình tại thảm đỏ các lễ trao giải lớn như Oscar, Grammy, Cannes… cũng được gửi gắm những thông điệp chính trị nóng bỏng. Cuối năm 2019, Joy Villa gây chú ý với chiếc đầm rực rỡ cùng tên của Tổng thống Mỹ Trump được viết ở mặt trước, trong khi phần sau của chiếc đầm có chữ “impeached” (tạm dịch luận tội) đầy ẩn ý của nữ ca sĩ. Cùng với Joy Villa, trên thảm đỏ Grammy, Megan Pormer cũng truyên tải thông điệp không thể rõ ràng hơn được viết trên trang phục - ngừng chiến với Iran.
|
Thông điệp chính trị được Megan Pormer và Joy Vliia truyền tải trên thảm đỏ lễ trao giải Grammy. |
Nhằm hướng đến việc xây dựng và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang, nhiều hãng mốt còn thẳng tay loại bỏ các chất liệu lông thú cùng các loại da động vật cho các bộ sưu tập của họ.
Gucci đã bắt đầu loại bỏ lông thú từ các sản phẩm Xuân Hè 2018. Theo Marco Bizzarri, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hãng cho biết: “Có trách nhiệm với xã hội là một trong những giá trị cốt lõi của Gucci. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để giúp ích cho môi trường và các loài động vật trên thế giới”. Danh sách các hãng mốt nói không với lông thú còn được nối dài với một loạt cái tên đình đám như Miu Miu, Car Shoe, Versace, Chanel… Prada cam kết không sử dụng 100% lông thú trong bộ sưu tập Xuân Hè 2020 và tập trung tìm kiếm các chất liệu thay thế.
|
Các hãng mốt hàng đầu nói không với việc sử dụng lông thú. |
Không dừng ở đó, để dần hạn chế những tác hại không tốt với môi trường từ dệt may - ngành gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới, các thương hiệu bắt đầu giới thiệu những trang phục từ thiên nhiên hay quần áo không cần giặt.
Pablo Isla - Giám đốc điều hành hãng Zara, tuyên bố năm 2020 hãng sẽ không dùng hóa chất độc hại, những sợi vải có nguồn gốc từ rừng già… để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% sợi cotton, linen bền vững, 100% sợi polyester tái chế được. Hãng sản xuất đồ dùng thể thao lớn thứ hai thế giới của Đức - Adidas đặt mục tiêu đến năm 2024 chỉ sử dụng vải sợi polyester tái chế chứ không dùng sợi polyester thô, dù giá sợi polyester tái chế cao hơn 10-20% so với nguyên liệu thô. Thương hiệu Nudie Jeans dùng 100% nguyên liệu từ bông hữu cơ, tiết kiệm đến 91% lượng nước sản xuất.
Chính những sự thay đổi về tiêu chuẩn cái đẹp, hướng đến đại chúng cùng những thông điệp vì môi trường, chính trị và xã hội giúp các thương hiệu thời trang hàng đầu nhận được nhiều sự yêu mến, ủng hộ từ phía khách hàng.
Chung Thu Hương