Tiêu chí “bình thường mới” không nên làm khó thêm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

27/09/2021 - 06:22

PNO - Trong những tuần qua, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, tất cả các sở ngành đã gấp rút soạn thảo các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 ở những hoạt động do mình quản lý nhằm tham mưu cho UBND thành phố. Đây là sự chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, trong trạng thái “bình thường mới”.

Các chuyên gia đều cho rằng, thành phố cần mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế, nhưng nếu sai lầm thì hậu quả sẽ còn lớn hơn.

Mở cửa trong sự cẩn trọng từng phần

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho biết, mở cửa vào lúc này đồng nghĩa phải chọn mức cân bằng giữa hai thái cực chống dịch mà người ta thường hay nhắc đến: chống COVID-19 quyết liệt hoặc không làm gì cả, cứ để mặc cho miễn dịch cộng đồng.

Do đó, Nhà nước cần xem xét toàn bộ các vấn đề liên quan, làm sao cho tổng chi phí toàn xã hội là thấp nhất, hay nói cách khác là xã hội ít bị thiệt hại nhất từ việc chống dịch. Trong kinh tế gọi là lợi ích tăng thêm từ việc chống dịch phải bằng với chi phí tăng thêm do việc chống dịch gây ra.

 

Từ 20 nhân công, nay Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Mai Thanh (chuyên phân phối máy lọc nước gia đình, Q.10, TP.HCM) chỉ còn lại một người “ba tại chỗ” - ẢNH: QUỐC NGỌC
Từ 20 nhân công, nay Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Mai Thanh (chuyên phân phối máy lọc nước gia đình, Q.10, TP.HCM) chỉ còn lại một người “ba tại chỗ” - Ảnh Quốc Ngọc

Những điều ông Huỳnh Thế Du nói cho thấy, phải có những cơ sở để biết lúc nào thì “đóng”, lúc nào thì “mở”. “Các tiêu chí đó phải được xây dựng theo hướng có thể “nới lỏng” hoặc “siết chặt” tùy mức độ. Điều này khác với “mục tiêu kép” vừa chống dịch tốt, vừa tăng trưởng kinh tế, là điều phi thực tế. Cũng phải thấy rằng, các nguồn lực là hữu hạn nên buộc phải cân bằng giữa việc chống dịch và các yếu tố khác”, ông nói.

Để sản xuất kinh doanh có thể trở lại, theo vị tiến sĩ này, có hai việc cần là nguồn lực và an toàn. Cách tốt nhất, khi chưa phủ được vắc xin, đặc biệt là mũi hai, thì cần dựa vào tính chất của các hoạt động kinh tế để có sự ưu tiên mở cửa dần (chứ không thể mở bung cửa ngay), những nhóm tham gia hoạt động kinh tế xã hội cần thiết thì ưu tiên trước, song song với việc bảo đảm an toàn. 

Trước những khó khăn của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng ăn uống trước tình hình nguyên vật liệu tăng giá, phí vận chuyển, phí kinh doanh qua ứng dụng công nghệ đều tăng, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: không có gì đảm bảo về mặt hiệu quả cho việc mở cửa trở lại mà không có các giải pháp khoa học. “Bán buôn phải có lãi là quy luật. Vấn đề là thành phố phải xem xét, liệu rằng khi mở cửa có thể phục hồi được kinh doanh đến đâu. Tôi vẫn đồng ý là phải mở cửa, nhưng mở cửa trong sự cẩn trọng từng phần” - ông nói.

Cũng theo ông Hiếu, không thể nào không có những tiêu chí cho “bình thường mới” và đó là “cái giá phải trả” để nền kinh tế vận hành trở lại. Vấn đề là các tiêu chí khi được ban hành không trở thành các “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp, người dân. Việc lập tiêu chí được giao cho các sở ngành tuy chỉ đang ở mức độ tham mưu, nhưng để khả thi, cần có một kế hoạch tổng thể.

“Tất cả nên được thành phố thống nhất lại thành một bộ tiêu chí hoàn hảo. Khi đã ban hành thì cứ thế thực hiện, và việc thực hiện phải hết sức thông suốt, nhất quán giữa các cấp, sở ban ngành. Nên nhớ, hồi phục kinh tế mà vấp phải sự lộn xộn, dẫm chân nhau thì hậu quả sẽ còn lớn hơn, chẳng những không kiểm soát được dịch bệnh mà còn làm đổ vỡ hết mọi kế hoạch hồi phục” - ông Hiếu cảnh báo.

Vắc xin + 5K là đủ

Vị chuyên gia tài chính ngân hàng đặc biệt lưu ý đến vấn đề lợi ích nhóm trong việc xây dựng, ban hành các tiêu chí. Theo ông, cần phải tránh những tiêu chí “hướng vào” nhóm nào đó để “ngăn cản đối thủ” hoặc để trục lợi cho một hoạt động nào đó. Vì vậy, khi xem xét các tiêu chí, cần hết sức khách quan, bảo đảm khía cạnh công bằng, hợp lý, hợp lòng dân. “Đây là một nhiệm vụ không phải dễ cho thành phố lúc này, nhưng đây cũng là lúc chúng ta thực hiện lòng dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết” - ông Hiếu nói và đồng ý quan điểm, bên cạnh những tiêu chí cần phải có một lộ trình theo các mốc thời gian để mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Theo tìm hiểu, các bộ tiêu chí của các sở ngành trình UBND thành phố tuy có khác nhau về tính chất ở từng lĩnh vực, nhưng điểm chung đặt ra là phải tiêm hai mũi vắc xin lên hàng đầu cùng với biện pháp bảo đảm an toàn theo nguyên tắc 5K. Đây là đòi hỏi tiên quyết cho các cá nhân, tổ chức muốn tham gia hoạt động kinh tế xã hội trong giai đoạn “bình thường mới”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, bên cạnh vắc xin, các hoạt động để mở cửa trở lại chỉ cần tuân thủ 5K là đủ. Trong 5K cần nhất là việc tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên - hai điều kiện chống dịch có cơ sở khoa học chứng minh. “Tham gia hoạt động bình thường mới buộc phải đeo khẩu trang, vào bất cứ chỗ nào cũng phải có sẵn dung dịch rửa tay sát khuẩn (những chi phí đó doanh nghiệp, người dân có thể kham được) và hạn chế tối đa các tiêu chí xét thấy có thể cản trở việc kinh doanh, mua bán” - ông Đinh Thế Hiển nói.

Theo ông Hiển, càng nhiều tiêu chí càng nguy hiểm; rất có thể, để đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước mà lại tạo ra cơ chế “giấy phép con”. Ông nói: “Bộ tiêu chí là để giúp cán bộ đi giám sát và hướng dẫn, chứ không phải để xuống cơ sở bắt người ta làm cái này, làm cái kia… thì càng khổ”. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI