Trở về TP.HCM sau một thời gian dài đi theo các gánh hát ở miền Tây có lẽ là một trong những quyết định đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Hơn hai mươi năm kể từ thời điểm đó, mỗi khi nghĩ lại, tôi cũng không biết một cách chắc chắn là mình đã đúng hay sai.
Cuộc chia tay từ sự trở về
Những năm 1990, tên tuổi anh hề Phước Hậu, sau đổi thành Tiểu Bảo Quốc đã được khá nhiều công chúng ở miền Tây yêu mến. Đi theo gánh hát nhỏ, nhưng vợ chồng tôi đã sắm được ghe riêng, tiền bạc cũng để dành được “rủng rẻng” vì hồi đó, quanh năm suốt tháng rong ruổi theo gánh hát, cơm đã có đoàn lo, vợ chồng chưa có con nên không tiêu tốn mấy.
Gia đình đi xuất cảnh, các dì, cậu gọi tôi về Sài Gòn để tiện bề chăm sóc ngoại. Phần vì tôi vốn gần gũi ngoại (được ngoại nuôi từ nhỏ), phần vì đi hoài cũng mỏi mệt, cải lương bắt đầu khó khăn hơn trước, tôi quyết định quay trở về với hy vọng chấm dứt cuộc sống rày đây, mai đó.
Có những lúc mình không thể sắp đặt được cuộc đời của chính mình. Sân khấu cải lương ở TP.HCM khi đó cũng khó khăn, không đoàn nào chịu nhận tôi về. Số tiền dành dụm khi còn đi hát, ăn hoài cũng hết. May mắn có một căn nhà dưới 15m2 của ngoại nên vợ chồng tôi không phải thuê mướn nhà, nhưng vẫn cần phải có tiền để sống. Tôi làm đủ mọi công việc để kiếm tiền, từ đi mua ve chai đến chạy xe ôm… Từng có lúc, tôi ngồi bó gối trước cửa nhà ước có được 2.000 đồng, đủ để mua được hai ổ bánh mì chan nước tương.
|
Tiểu Bảo Quốc và con trai |
Khổ đến mấy, cực bao nhiêu tôi cũng không sợ, vì hồi còn nhỏ, gia đình khó khăn, tôi từng phải nghỉ học sớm, đi làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng tôi chỉ bàng hoàng với sự thay đổi đến không ngờ của vợ.
Không thể ở yên ở Sài Gòn, thỉnh thoảng vợ tôi lại “biến mất” cùng số tiền tôi chắt chiu dành dụm. Nếu số tiền dành dụm được chẳng là bao thì vợ đi cùng số tiền vay mượn của ai đó. Khi hết tiền, vợ tôi lại quay về nhà. Có khi chưa kịp trả hết nợ cũ, vợ đã “gầy” thêm nợ mới.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể giải thích một cách chính xác vợ tôi đã mang tiền đi đâu. Vài lần đầu, tôi tự trách mình đã sai khi đưa vợ về Sài Gòn. Người nghệ sĩ khi phải rời bỏ ánh đèn sân khấu, đôi khi cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tôi tự an ủi, vợ nhớ nghề hát và không quen cuộc sống yên phận, chờ chồng nuôi nên quay về quê theo đoàn hát để đỡ nhớ nghề. Nhưng dần dần, tôi lại có cảm giác hình như mọi việc không phải như tôi nghĩ…
Khi kinh tế gia đình cạn kiệt, vợ gây nợ nần chồng chất cũng là lúc chúng tôi sắp đón đứa con đầu lòng. Một số người hiểu hoàn cảnh của tôi cũng thắc mắc vì sao tôi không thể dứt khoát với người vợ chỉ biết gây nợ mà không giúp gì được cho chồng con. Đứng ngoài ngó vô thì nói vậy, chớ người trong cuộc là tôi thì mọi thứ rối bời.
|
Tiểu Bảo Quốc (trái) |
Ba mẹ tôi chia tay khi tôi còn nhỏ, suốt tuổi thơ sống với ngoại, tôi luôn thèm khát tình cảm gia đình, tình thương của mẹ cha. Tôi không muốn con mình sẽ đi lại con đường cũ của cha nó ngày xưa. Tôi dẹp bỏ hết mọi hờn giận, oán ghét, chỉ xin vợ ở nhà nuôi con, nợ nần bao nhiêu, tôi lãnh trách nhiệm trả hết.
“Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Tôi không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần khi cần tiền, nhưng số tiền cắc củm dành dụm đã không cánh mà bay. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể quên cảm giác đau đớn của mình ngày thôi nôi con.
Thời gian đó, đã bắt đầu được đi tấu hài, cuộc sống bớt cực hơn, tiền kiếm được cũng khá hơn so với lúc chạy xe ôm. Tôi mừng lắm. Mỗi lần chạy show về, tôi lại bỏ một ít tiền vô con heo đất và bàn với vợ, đây là tiền để dành cho ngày thôi nôi con. Tôi đặt tiệc ở nhà hàng vì thực lòng cũng muốn “khoe” vợ con với bạn bè, đồng nghiệp.
Vậy mà, đến ngày đó, hí hửng đập con heo đất, tôi chết điếng khi nhìn thấy chỉ còn 200.000 đồng. Hỏi vợ, vẫn là câu trả lời “không biết”.
Không thể hoãn bữa tiệc, tôi đến nhà hàng mà tâm trạng ngổn ngang lo lắng. Đến nơi, nhìn mọi thứ đã sẵn sàng mà trong túi chỉ có mấy trăm ngàn, tôi đã bật khóc ngon lành như đứa con nít. May mắn, số tiền mừng của khách đi tiệc đủ để tôi trả tiền nhà hàng mà không cần phải xài tới mấy chỉ vàng dưỡng già mà má tôi cho mượn.
Mòn mỏi, đau đớn, không muốn con trai phải sống thiếu thốn tình cảm như tuổi thơ của cha nó, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Vợ chồng tôi chính thức ly hôn khi con trai được ba tuổi. Nhưng đúng ngày sinh nhật lần thứ tư của con thì vợ tôi quay về.
Nhìn con tíu tít mừng mẹ, lòng tôi chợt mềm lại. Tôi năn nỉ vợ quay về nhà cho con có mẹ, nợ nần bao nhiêu, tôi hứa sẽ trả hết. Nhưng mặc kệ tôi và cả gia đình tôi năn nỉ, cô ấy vẫn kiên quyết chỉ về thăm con chớ không thể quay lại như xưa.
Khi năn nỉ vợ, tôi phát hiện con trai đã đi đâu khỏi nhà. Chạy đi tìm, tôi tưởng trái tim mình đang bị ai bóp nghẹt khi thấy con đứng khóc ở góc sân. Thấy tôi, con mếu máo: “Má về rồi má đi nữa chớ không ở nhà phải không ba?”.
Gà trống nuôi con
Bây giờ, tôi nghe hai chữ “con nhỏ” là… hãi hùng. Có lẽ vì tôi nuôi con quá cực. Chia tay khi con ba tuổi, đêm nào con cũng khóc vì nhớ mẹ. Ngày đó, tôi vẫn đang đi tấu hài, đi đâu cũng chở con đi cùng vì không biết gửi con cho ai. Diễn xong, về nhà, hai cha con tắm rửa. Pha bình sữa cho con, tôi lại chở con ra đường, cho con đi lòng vòng, uống hết bình sữa; chờ con mệt, ngủ say, mới quay về nhà. Không dám đặt con xuống giường vì sợ con thức lại khóc.
Nhưng lúc con còn nhỏ, cha đâu con đó, vẫn đỡ hơn lúc con lớn, bắt đầu đi học. Tôi không dám đi đâu xa, tập tành, quay phim... lúc nào cũng phải xin về sớm để đón con.
Một mình nuôi con, thu nhập của một nghệ sĩ tự do như tôi lại rất bấp bênh. Hôm nay mình có thể có rất nhiều show, nhưng tháng sau có thể chẳng còn được ai kêu đi diễn.
Cuộc sống vô thường, mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi luôn ám ảnh nỗi sợ, nếu chẳng may mình có bề gì thì con mình ai nuôi… Cát-sê hàng đêm, tôi tính toán chia thành nhiều khoản: tiền sữa cho con, tiền ăn, tiền học, tiền phòng thân... Tính riết, thấy mình giống như người keo kiệt, bủn xỉn.
Suốt một thời gian dài, tôi từ chối tất cả những lời mời dự đám cưới, sinh nhật, giỗ chạp… Bạn bè có người hiểu, thông cảm, có người chê tôi “kẹo kéo”, tôi đành chịu và chỉ biết im lặng.
Điều tôi sợ nhất là thất nghiệp, không có tiền nuôi con. Nỗi sợ nữa là nếu chẳng may mình có chuyện gì, con sẽ ra sao. Vậy mà cái sự chẳng may đó đã hai lần suýt xảy ra với tôi.
Năm con khoảng bốn tuổi, có lẽ do cả ngày đi quay ngoài nắng, đêm về máy lạnh mở hết tốc lực để xua cái nóng hầm hập trong ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 15m2 nên tôi bị trúng gió, người cứng đờ, lạnh toát.
Nhìn thấy con nằm cách mình hơn sải tay mà tôi không thể chạm vào con, không thể cất tiếng gọi con, cái cảm giác đó thật khủng khiếp. May mắn, tôi tỉnh dần và đủ sức quờ quạng để tìm chai dầu, tự xoa bóp, làm ấm cơ thể.
Khi khoảnh khắc kinh hoàng trôi qua, nhìn con ngủ ngon lành, tôi khóc ròng vì thương con và thương chính mình. Tôi cũng là một người đàn ông bình thường như tất cả những người đàn ông khác, cũng khát khao yêu thương và được yêu thương, chăm sóc.
Cũng có những người phụ nữ yêu thương tôi thật lòng, muốn được về làm vợ, chăm sóc cho cha con tôi, nhưng quá nhiều nỗi lo khiến tôi đành bỏ qua cơ hội được có một gia đình. Chỉ hai cha con thôi mà cuộc sống đã quá chật vật, giờ thêm một người, liệu tôi có đủ sức lo chu toàn?
Chưa kể, lấy vợ rồi sẽ phải có con. Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chung con riêng… Tôi sợ con bị khủng hoảng tinh thần, con bỏ học hay làm điều gì dại dột, chắc tôi không sống nổi. Tôi nói với người phụ nữ yêu mình, nếu thật sự yêu tôi, nếu sực sự là duyên nợ, xin hãy cố gắng chờ cho đến khi con trai tôi trưởng thành. Có người cũng chờ bốn năm, có người tám - chín năm nhưng cuối cùng không có người phụ nữ nào đủ kiên nhẫn chờ tôi…
Bạn bè hỏi tôi có hối hận vì đã phí hoài tuổi thanh xuân chỉ để quanh quẩn chuyện kiếm tiền, bếp núc chăm con mà bỏ qua hạnh phúc? Thực lòng, tôi không bao giờ hối hận với sự lựa chọn của mình. Không may mắn trong đường tình duyên, nhưng bù lại, tôi có một đứa con sớm biết chia sẻ và yêu thương cha.
Tôi nhớ hoài ngày mới chia tay vợ, có những đêm chở con đi diễn dưới trời mưa, tôi khóc cho nhẹ lòng, cho những giọt nuóc mắt hoà trong nước mưa không bị ai phát hiện. Con nhỏ xíu, ngồi phía trước, núp trong áo mưa nắm tay tôi giật giật: “Ba đừng khóc, mai mốt con lớn, con đi làm kiếm tiền nuôi ba”.
Khi con năm, sáu tuổi, có lần, tôi quá buồn nên đi nhậu với bạn, về nhà, tôi nằm li bì. Con nấu gói mì, đem tới, khều tôi dậy mếu máo: “Ba ăn mì đi, ba đừng chết nghe ba!”. Với tôi, con là tài sản vô giá. Con cho tôi niềm vui sống, cho tôi hạnh phúc và sức mạnh, nghị lực để có thể vượt qua mọi nỗi buồn, mọi khó khăn trong cuộc sống.
Tôi thương con đến thắt lòng. Dù có yêu thương con đến bao nhiêu, dù có cố gắng cho con có một cuộc sống đủ đầy thì tôi vẫn không thể cho con cảm nhận được hạnh phúc của một gia đình có đủ cha, đủ mẹ. Con sống khép kín, ít hoạt bát, ngại giao tiếp cũng là nỗi buồn của người làm cha, là điều luôn làm tôi day dứt.
Cha con tôi giờ đã hết khổ, đã có được những điều mình từng mơ ước: một ngôi nhà ở thành phố, một mảnh vườn rộng ở quê. Con đang học năm thứ ba đại học. Chờ hai năm nữa, khi con tốt nghiệp và có việc làm ổn định, tôi sẽ nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình. Không biết khi đó tôi có còn duyên, có còn ai đó chờ đợi mình…
Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc