Tiết kiệm xoay vòng trao cơ hội để chị em vươn lên

11/05/2024 - 06:16

PNO - Dù số tiền không lớn, song bằng cách “xoay tua” giúp nhau có một khoản vốn làm ăn hợp lý, tổ tiết kiệm xoay vòng tại chỗ đã giúp chị em ở nhiều làng quê Hà Tĩnh có cơ hội vươn lên và tránh được tín dụng đen.

Tạo thói quen tiết kiệm

Sáng sớm, chị Phạm Thị Tình - 33 tuổi, trú phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - tranh thủ chở gạch, cát về chuẩn bị xây nhà. Chị bảo, phải tranh thủ tự làm để tiết kiệm chi phí. Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng chị Tình quyết định xây lại ngôi nhà đã xuống cấp khi được tổ tiết kiệm (TTK) xoay vòng tại chỗ duyệt cho vay cả năm 2024. “Mỗi tháng TTK góp được 30-40 triệu đồng, mình vay cả năm cũng được vài trăm triệu. Ông bà cho vay thêm một ít nữa, cơ bản cũng gần đủ nên vợ chồng tôi mới dám xây lại ngôi nhà mới” - chị Tình nói.

Chị Phạm Thị Tình xây lại ngôi nhà mới khi được tổ tiết kiệm duyệt cho vay cả năm 2024
Chị Phạm Thị Tình xây lại ngôi nhà mới khi được tổ tiết kiệm duyệt cho vay cả năm 2024

TTK xoay vòng tại chỗ được chị Tình xem như là “ống heo tiết kiệm” hơn 10 năm qua. Làm nông nên thu nhập không nhiều, mỗi tháng chị gắng chắt chiu từ 1-1,2 triệu đồng nộp vào TTK. “Chỉ khi nào cần thiết, như mua thêm trâu bò, tôi mới xin được lĩnh trước. Còn không thì cứ đóng mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, coi như đó là tiền bỏ ống heo, cuối năm mình rút về chi tiêu dịp tết. Tôi thấy mô hình này rất hay, tạo được cho mình thói quen tiết kiệm hằng ngày” - chị Tình chia sẻ.

Theo chị Tình, dù số tiền tiết kiệm hằng tháng không lớn, nhưng nhờ “xoay tua” hợp lý, ai có việc cần thì ưu tiên dùng trước, nên đã giúp nhiều chị em hạn chế được tình trạng vay nóng, vay tín dụng đen. Đặc biệt, mô hình này còn giúp chị em hiểu, chia sẻ và đoàn kết gắn bó với nhau nhiều hơn trong cuộc sống.

Chị Dương Thị Nga - Tổ trưởng TTK tổ liên gia số 7, phường Đậu Liêu - cho biết, trước mỗi kỳ góp vốn, tập thể đều xem xét và ưu tiên cho những người khó khăn nhận trước. Từ nguồn vốn được vay, chị em giải quyết được nhiều việc cần thiết trong cuộc sống như: đầu tư kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi, sửa chữa nhà, lo cho con ăn học, tổ chức đám cưới cho con… “Chúng tôi không tính lãi, nhưng cuối năm mọi người tùy vào khả năng, khi trả có thể bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua bánh kẹo để liên hoan trong tổ cho vui. Trường hợp chị em nào còn có nhu cầu thì sau khi trả chúng tôi sẽ xem xét cho vay tiếp” - chị Nga nói.

Chị Bùi Thị Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Đậu Liêu - cho biết, mô hình được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã nhân rộng toàn phường với 42 TTK xoay vòng tại chỗ, thu hút hơn 95% chị em trên địa bàn tham gia. Hiệu quả của mô hình thấy rất rõ ở từng gia đình được vay. Chị em vì thế ngày càng tin tưởng và tích cực đóng góp xây dựng nguồn quỹ, để ngày càng có nhiều người được vay. “Hiện nay, đời sống chị em được nâng cao, vì thế nhiều chị đã góp tiền vào nhiều hơn. Cho đến nay, mô hình đã huy động được hơn 10 tỉ đồng, giúp hàng ngàn lượt chị em vay vốn” - chị Tuyên cho biết.

Bớt bát phở để trao cơ hội cho phụ nữ nghèo

Tại Hà Tĩnh, mô hình TTK hay “ống heo tiết kiệm” đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ra các chi hội phụ nữ. Mô hình hoạt động với mục đích tạo thói quen tiết kiệm nơi chị em từ những khoản tiền nhỏ, phát huy nội lực của từng hộ gia đình trong cộng đồng để hỗ trợ những hội viên và phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

Là một huyện biên giới, đời sống còn khó khăn do còn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, song mô hình TTK đã “phủ sóng” khắp các chi hội ở huyện Hương Khê. Vì điều kiện còn khó khăn nên chị em nơi đây đặt mục tiêu khiêm tốn: mỗi năm “hùn” vài bát phở để trao “cần câu” cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nam - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Trạch, huyện Hương Khê - cho biết, tùy vào điều kiện mà mức đóng vào TTK mỗi năm ở mỗi xóm khác nhau, song hầu hết chị em đều nhiệt tình tham gia.

Các khoản tiền của hội viên được các tổ tiết kiệm  ở phường Đậu Liêu ghi chép cẩn thận
Các khoản tiền của hội viên được các tổ tiết kiệm ở phường Đậu Liêu ghi chép cẩn thận

Đầu năm, các chi hội sẽ họp bàn mức đóng từ 50.000-200.000 đồng, số tiền này sau đó sẽ ưu tiên cho một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoặc buôn bán nhỏ. Khi chị em trả, tiền tiếp tục được xoay vòng sang người khác có nhu cầu. Đến nay, số tiền từ các TTK đã lũy kế lên hơn 400 triệu đồng.

“Vì xã biên giới nên chị em cũng không có nhiều điều kiện, có chi hội mỗi năm chỉ đóng mấy chục ngàn thôi nhưng đây là một khoản vay rất hữu ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn mua thêm con bò, con heo, đàn gà… để có thêm thu nhập cho gia đình” - chị Đinh Huyền Trang - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Lâm, huyện Hương Khê - nói.

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê - cho biết, mô hình TTK đang được triển khai ở hầu hết các chi hội trên địa bàn với 383 tổ, thu hút gần 12.000 hội viên tham gia. Tùy theo hoàn cảnh, có người góp 10.000 đồng, có người 50.000 đồng, cũng có người khá giả thì góp vài trăm ngàn.

Điều đó là rất đáng quý, vì chị em đã tự nguyện san sẻ, hỗ trợ đối với những gia đình khó khăn hơn. Từ năm 2020 đến nay, các TTK đã huy động trên 12 tỉ đồng. “Ngân hàng tại chỗ” này đã giúp gần 1.500 lượt phụ nữ nghèo vay vốn để mua con giống, trồng cây ăn quả, hay lo cho con cái học hành, từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, các mô hình tiết kiệm ở các chi hội thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giúp đỡ hội viên khó khăn có thêm cơ hội để thoát nghèo. Tuy nhiên, hội không khuyến khích hội viên đóng số tiền lớn mà chỉ nên tiết kiệm những khoản nhỏ để hỗ trợ nhau. “Nếu số tiền quá lớn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như vỡ hụi, mất đi ý nghĩa của nó. Chúng tôi chỉ hướng dẫn quy chế cho các chi hội. Các TTK cũng cần có báo cáo tài chính rõ ràng và thường xuyên cho các hội viên nắm” - bà Nguyễn Thị Quyên nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI