Tiết kiệm và gắn kết cộng đồng nhờ “cũ người mới ta”

24/01/2022 - 06:00

PNO - Từ lúc đại dịch lan rộng khắp thế giới, rất nhiều người đã tham gia các trang web hoặc nhóm tương tác để trao đổi đồ đạc thay vì phải mua đồ mới và vứt bỏ đồ cũ vào thùng rác.

Cho đi và nhận lại

Nếu nghĩ rằng trên thế giới sẽ chẳng có ai cần nước thải bể cá, xơ vải từ máy sấy quần áo, lõi giấy vệ sinh… hay một món đồ chơi bị hỏng, bạn đã sai. Tại cộng đồng Buy Nothing, mọi thứ đều là những “món quà” thực sự mà nhiều người trong số hơn năm triệu thành viên trên toàn thế giới muốn sở hữu. Alisa Miller - quản trị viên của một nhóm - chia sẻ: “Đó là bằng chứng sống động cho việc cũ người mới ta, hay bãi rác của một người là kho báu của người khác”. 

Miller từng rao tặng chiếc lồng chim đồ chơi bị hỏng của con gái cô với rất ít hy vọng có người nhận, nhưng món quà đã được chào đón bởi một người đam mê cắm hoa. Món đồ tưởng chừng bỏ đi giờ đây chứa đầy các loài xương rồng và cây cảnh. Con trai một người bạn của Miller hiện đang giữ một chiếc trực thăng đồ chơi từng được “truyền thừa” qua năm gia đình thành viên trong nhóm Buy Nothing.   

Những vật tưởng chừng bỏ đi trong nhà của bạn như các lõi giấy vệ sinh có thể trở thành vườn ươm cây xanh của người khác - ẢNH: ALAMY
Những vật tưởng chừng bỏ đi trong nhà của bạn như các lõi giấy vệ sinh có thể trở thành vườn ươm cây xanh của người khác - Ảnh: ALAMY

Việc cho và nhận mọi thứ miễn phí là một tập quán cũ của con người. Dù vậy, dự án Buy Nothing chú trọng ít hơn vào vật chất để tập trung nhiều hơn vào các giá trị tinh thần cộng đồng.

Trong Buy Nothing, người dùng được khuyến khích tìm cách giúp các mặt hàng trở nên “nổi bật”, thu hút sự chú ý  hơn là chỉ đơn giản tặng chúng cho người đầu tiên hỏi, thông qua việc gợi ý người nhận chia sẻ một câu chuyện vui hoặc giải thích lý do tại sao họ muốn nhận vật phẩm. Người dùng còn được khuyến khích đăng “lời cảm ơn” kèm theo thông điệp hoặc hình ảnh thể hiện ý nghĩa của món quà đối với họ. Theo giải thích của những người sáng lập - Rebecca Rockefeller và Liesl Clark - điều này giúp tạo ra sự thay đổi trong thái độ của chúng ta đối với của cải vật chất, bằng cách xây dựng ý thức cộng đồng nơi các mặt hàng là của chung và dễ dàng được chia sẻ. 

Rockefeller nói: “Tái sử dụng món đồ theo cách “cũ người mới ta” chỉ là một phần của vấn đề, chính những câu chuyện đi cùng với nó - hài hước, sâu lắng, đầy kỷ niệm - mới là những điều chúng tôi thực sự muốn ở nhau”. Từ nhóm Facebook đầu tiên, cộng đồng đã mở rộng lên 7.000 nhóm. Buy Nothing hiện có 5,3 triệu người dùng ở 44 quốc gia, đa dạng như Guatemala, Iceland, Oman, Zimbabwe và cả Việt Nam.

Lợi ích về kinh tế, môi trường

Được thành lập năm 2003, mạng lưới quà tặng Freecycle hoạt động giống như bất kỳ cuộc đấu giá trực tuyến nào, ngoại trừ việc không liên quan đến tiền bạc. Mọi người tặng những món đồ không cần nữa cho những người hàng xóm trong cùng một cộng đồng. Người “trúng thầu” thường là người phản hồi nhanh nhất hoặc có lý do thuyết phục nhất để sở hữu món đồ.  Không giống như các trang web như eBay, các nhóm được thành lập tại địa phương và hầu hết các mặt hàng được trao đổi trong phạm vi vài cây số. 

Giám đốc điều hành Deron Beal cho biết, khoảng 1.000 tấn mặt hàng được đổi chủ qua Freecycle trên toàn cầu mỗi ngày. Con số đó gần tương đương với lượng rác thải hằng ngày ở một bãi rác cỡ trung bình. Tác động này là rất nhỏ so với 2 tỷ tấn chất thải được tạo ra trên khắp thế giới mỗi năm theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhưng đó là một cách mà các cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt. 

Paul Markham - một người dùng Freecycle - bắt đầu kinh doanh bán đồ nội thất cao cấp từ trang web của riêng mình. Sau một cơn đau tim, người đàn ông 48 tuổi này đã bỏ việc và hiện dành cả ngày đạp xe quanh London để quyên góp và cải tạo các món đồ thông qua Freecycle. Nhà thiết kế đồ họa này cho biết trong lần đầu tiên, anh nhận được chiếc máy in và màn hình 30 inch từ một cặp vợ chồng quanh khu vực. Anh ước tính chúng trị giá khoảng 2.700 USD.  

Các bài đăng trên Freecycle đã tăng gấp đôi lên khoảng 30.000 lượt mỗi ngày vào mùa hè năm 2021 khi mọi người mắc kẹt ở nhà do COVID-19. Một phần lý do cho sự phổ biến của Freecycle là niềm hưng phấn được sở hữu món đồ mới nhưng không đi kèm cảm giác tội lỗi về hao tốn tiền bạc hay gây ảnh hưởng môi trường. Đối với nhiều người, niềm vui chính là tìm chủ nhân mới cho những vật dụng mà họ từng gắn bó và mở rộng quan hệ xã hội giữa thời dịch bệnh. 

Deron Beal hiện đang cố gắng nâng cấp Freecycle để mọi người có thể cho mượn đồ thay vì trao tặng. Ví dụ, một chiếc máy khoan trung bình chỉ được sử dụng trong 15 phút suốt vòng đời, vì vậy các hộ gia đình nên chia sẻ hơn là mỗi người sở hữu một chiếc. “Bạn có thể cho mượn toàn bộ ngôi nhà hoặc chiếc ô tô của mình với một khoản phí phù hợp, nhưng chưa ai quan tâm đến việc cho mượn những món đồ nhỏ”, Beal giải thích. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI