Tiết kiệm thức ăn - nói mãi vẫn thế

27/04/2018 - 11:30

PNO - Nếu biết kiềm chế thú vui ăn quá nhiều, chúng ta còn có thể hạn chế được bệnh tật như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tiểu đường và vô số bệnh chuyển hóa khác.

Trong những ngày hội hè, giỗ chạp, tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình là thức ăn thừa mứa, phải đổ đi: bánh chưng lên mốc, giò thiu chảy nước, thịt gà luộc héo khô trong tủ lạnh; các món xào, nấu, nộm bỏ đi phần nhiều… Điều này không những lãng phí mà còn gây hại cho môi sinh.

Tiet kiem thuc an - noi mai van the
Ảnh minh họa

Phụ nữ có gia đình vào những dịp nghỉ lễ thường có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm. Khi chúng ta chỉ chú tâm vào chuyện ăn uống, lượng đạm nạp vào quá cao, chỉ làm ta tăng cân, béo phì. Trong khi còn nhiều thú vui khác như dã ngoại, xem phim, kịch, hòa nhạc, thậm chí là tranh thủ học một kỹ năng sống mới thì ta lại không quan tâm. 

Kiều Hương, em gái tôi sống ở Bỉ, phàn nàn rằng chồng em hay mua thêm quá nhiều thức ăn, mặc dù em là bà nội trợ, đã tính đủ thức ăn mỗi ngày. Thường cả nhà chỉ dùng hết 60% thực phẩm mua về, quá lãng phí.

Mỗi lần lôi những túi bánh mì bị quá hạn sử dụng từ nóc tủ lạnh xuống và vứt vào sọt rác, em tôi lại thở dài. Em buồn nhớ lại ngày xưa, những đứa trẻ sống qua thời bao cấp như chúng tôi ở Hưng Yên, thèm khát một ổ bánh mì để gặm mà không có.

Tiet kiem thuc an - noi mai van the
Ảnh minh họa

Đọc về ba quốc gia có nhiều người sống tới trên trăm tuổi là Ecuador, Ý và Nhật Bản, tôi thấy họ có một điểm chung, đó là hiếm khi ăn thịt, cá, thức ăn chủ yếu của họ là rau, củ, quả nuôi trồng tự nhiên theo phương pháp truyền thống, không dùng phân bón vô cơ và các chất kích thích.

Thống kê cho biết, mỗi năm người Mỹ vứt đi hơn 50 tỷ đô la thức ăn thừa. Con số thật rùng mình. Việt Nam chúng ta chưa giàu, nhưng lượng thức ăn thừa phải bỏ phí tại mỗi gia đình cũng không hề nhỏ. Tiền chi phí cho thức ăn chiếm tới 43% trong tổng chi tiêu gia đình.

Nếu chúng ta biết cách dùng thức ăn vừa đủ, không bỏ phí từ 20-40% số thực phẩm mua về, số thức ăn bỏ thừa trên bàn nhậu, thì mỗi năm ta đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhiều công sức lao động và giảm thải cho môi trường. Hơn thế nữa, nếu biết kiềm chế thú vui ăn quá nhiều, chúng ta còn có thể hạn chế được bệnh tật như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tiểu đường và vô số bệnh chuyển hóa khác. 

Là phụ nữ, nắm phần chủ yếu trong việc nội trợ, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh, sử dụng thực phẩm hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn và sống khỏe hơn. 

Mai Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI