Tiết kiệm, ly hương… vì giá cả sinh hoạt tăng cao

11/07/2024 - 06:14

PNO - “Khủng hoảng chi phí sinh hoạt” hiện là cụm từ quen thuộc để chỉ việc giá cả hàng hóa, dịch vụ liên tục tăng đến mức chóng mặt trong những năm gần đây. Tình trạng này đã gây áp lực lớn, buộc mọi người chọn cách chi tiêu ít hơn, làm nhiều việc hơn, chuyển nơi sống từ thành thị về nông thôn hoặc thậm chí rời bỏ quê hương.

Tiết kiệm và làm thêm việc

Mỗi buổi sáng, hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động tại các cửa hàng thịt ở trung tâm thị trấn Ellesmere Port (Anh). Cửa hàng N&N Meats của vợ chồng Bill và Nikki Ferguson đã có hơn 30 năm. Dù tình hình buôn bán vẫn cơ bản ổn định nhưng vài năm gần đây, ông Bill nhận thấy đơn hàng của ​​mọi người dần thay đổi: “Nhiều khách hàng đã chọn mua những miếng thịt có giá rẻ hơn”.

Theo thống kê, năm 2023, thu nhập trung bình ở Anh đã tăng 6% - cao gấp 3 lần so với mức tăng lạm phát giá tiêu dùng. Nhưng đối với nhiều người, những con số không phản ánh đúng thực tế. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), 1/4 người dân ở phía tây bắc nước Anh có thu nhập dưới 60% của mức trung bình toàn quốc. Phần lớn người dân chỉ dám chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản nhưng giá hàng hóa, dịch vụ cơ bản cũng đã tăng vọt. Theo ONS, trong 2 năm qua, giá thực phẩm đã tăng 25%, gần gấp 3 lần so với mức tăng trong cả thập niên trước (9%).

Áp lực từ giá cả sinh hoạt, nhà ở quá cao đang đẩy người trẻ tại Bồ Đào Nha rời khỏi quê hương - Nguồn ảnh: Getty Images
Áp lực từ giá cả sinh hoạt, nhà ở quá cao đang đẩy người trẻ tại Bồ Đào Nha rời khỏi quê hương - Nguồn ảnh: Getty Images

Bồ Đào Nha đã tăng cường thu hút công dân nước ngoài có thu nhập cao trong những năm gần đây, cung cấp các chương trình như thị thực du mục kỹ thuật số cho những người lao động muốn định cư tại quốc gia này. Tuy nhiên, những kế hoạch đó bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bản xứ. Giá cả tăng cao, từ thực phẩm đến nhà ở. Với nhiều người dân Bồ Đào Nha, họ chỉ còn cách làm thêm việc hoặc rời khỏi đất nước. Vào tháng 2/2024, cuộc khảo sát của Cơ quan Thống kê Bồ Đào Nha cho thấy, khoảng 250.000 người dân cho biết họ đã làm ít nhất 2 công việc vào năm 2023. Theo tờ Le Monde, hơn một nửa số người làm từ 2 công việc trở lên có bằng đại học. Gần 1/3 thế hệ Y (sinh từ năm 1981-1996) và thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012) đang chọn rời khỏi đất nước.

Rời quê hương, tránh xa thành thị

Ở Ibiza - một hòn đảo Địa Trung Hải nổi tiếng của Tây Ban Nha - số khách du lịch giàu có ngày càng tăng kết hợp với hoạt động đầu cơ bất động sản đã khiến giá nhà đất tăng cao, đẩy một bộ phận lớn người lao động vào cảnh không nhà. Theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải Tây Ban Nha, 1m2 bất động sản ở thị trấn Santa Eulària des Riu - phía đông bắc hòn đảo Ibiza - có giá đến 5.550 USD. Một công nhân 37 tuổi chia sẻ với tờ El Pais: “Tôi chuyển đến sống trên đảo từ năm 2017.

Nhưng từ tháng 2/2024, tôi không còn đủ tiền để thuê nhà và chưa tìm được chỗ ở nào phù hợp. Tôi quyết định mua một chiếc xe và sống trong đó”. Cô Sonia Sancho - 35 tuổi, một điều dưỡng - đã quyết định chuyển vào khu vực đất liền của Tây Ban Nha, đến vùng Valdepeñas ở tỉnh Ciudad Real. Ngày ra đi, Sonia đã khóc vì Ibiza là nơi cô sinh ra và lớn lên trong vòng tay của mẹ, bạn bè. Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình trên truyền hình, cô đã trở thành một biểu tượng của những người dân địa phương cảm thấy bị hòn đảo của chính họ bỏ rơi.

Đôi bạn người Úc - Will Fellowes và Michael McLaughlin - lần đầu chuyển đến bang Queensland (Úc) vào năm 2019. Giống như nhiều người trẻ khác, họ nghĩ lựa chọn đó chỉ là tạm thời. Cả hai chuyển đến thị trấn Roma, nơi Michael làm việc với tư cách là nhân viên y tế cấp cao tại bệnh viện địa phương và Will làm việc trong lĩnh vực tài chính. 5 năm qua, họ quyết định lập nghiệp và mở một nhà máy chưng cất rượu. Theo viện nghiên cứu độc lập Regional Australia Institute, các khu vực ven biển của bang Queensland tiếp tục đứng đầu danh sách thu hút dân cư. Nhưng người dân bắt đầu rời đô thị nhằm tránh áp lực sinh hoạt ở các thành phố đắt đỏ. Chuyên gia Anthony Kimpton - Đại học Nam Queensland - cho biết, thế hệ Y thường chuyển đến các thành phố quy mô trung bình ở khu vực nội địa, trong khi thế hệ Z chọn ra nước ngoài. Will Fellowes giải thích: “Giá 1 căn hộ 2 phòng ngủ ở Sydney xấp xỉ trang trại rộng 22ha nơi tôi đang sống. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thế hệ trẻ chọn rời khỏi thành phố”.

Linh La (theo Fortune, abc.net, El Pais, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI