Tiết học ngoài nhà trường: Tham gia hay không tùy các trường

10/10/2018 - 06:30

PNO - Về tiết học ngoài nhà trường, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích, dạy học trải nghiệm khác với việc tổ chức các chuyên đề giáo dục, tham quan ngoại khóa.

Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài ngày 28/9 và Sở GD-ĐT làm trái quy định của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM ngày 5/10, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM đã có cuộc đối thoại với chúng tôi xoay quanh vấn đề này. 

Tiet hoc ngoai nha truong: Tham gia hay khong tuy cac truong
 

Ông Đỗ Minh Hoàng lý giải: mặc dù đều được tổ chức ngoài nhà trường nhưng dạy học trải nghiệm khác với việc tổ chức các chuyên đề giáo dục, tham quan ngoại khóa. Học qua trải nghiệm phải tuân thủ theo trình tự cụ thể, có kiểm tra đánh giá kết quả học tập... Tiết học ngoài nhà trường là hoạt động dạy học có đánh giá tính điểm, là hoạt động chuyên môn. Còn hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề giáo dục chỉ nhằm đạt một số mục tiêu giáo dục mà nhà trường muốn trang bị cho học sinh (HS), không kiểm tra đánh giá, các trường vẫn tự làm lâu nay. 

Trong văn bản 3245/GDDT-TrH có giới thiệu việc triển khai các chương trình được Hội đồng bộ môn sinh của sở phối hợp với Trung tâm Giáo dục vườn thú - Thảo cầm viên, chương trình trải nghiệm tại khu Nông nghiệp công nghệ cao và khu sinh thái Về Quê - Củ Chi. Việc tham gia hay không là tùy các trường. Các trường có quyền tự tổ chức. Các trường có thể không tổ chức tiết học ngoài nhà trường hoặc HS có quyền chọn không tham gia. Trong trường hợp đó, trường sẽ tổ chức dạy tại lớp, kiểm tra tính điểm như bình thường.

Phóng viên: Là hoạt động chuyên môn thì giáo viên hoàn toàn có thể chủ động thiết kế, giảng dạy và cho điểm. Vì sao phải nộp chương trình về sở thẩm định trước 30 ngày triển khai? Nếu tập trung về sở thì đơn vị nào hay ai sẽ cầm trịch chương trình này?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Chuyển hóa kiến thức của nhiều môn học thành một chuyên đề trải nghiệm là hoạt động tương đối mới, nhiều trường vẫn còn gặp khó. Việc đăng ký thực hiện chương trình tiết học ngoài nhà trường trước 30 ngày là để các trường xác định đó là chương trình được xây dựng trong kế hoạch năm học, không phải là các hoạt động tự phát. Hơn nữa, từ khi nộp về đơn vị chuyên môn góp ý, thẩm định xong thì cũng mất vài ngày, các trường cũng cần thời gian thông báo cho phụ huynh, chuẩn bị, lên kế hoạch tổ chức… Chúng tôi cho rằng, thời gian 30 ngày chuẩn bị cho một chuyến học tập là phù hợp, chu đáo hơn. 

Sở GD-ĐT không chủ trương tập trung hoạt động này về sở, chỉ yêu cầu các trường đăng ký, báo cáo vào trang trực tuyến để nắm bắt chương trình được nhà trường tổ chức như thế nào. Sở cũng không can thiệp vào quy trình tổ chức, chỉ hỗ trợ các trường khi có nội dung kiến thức không phù hợp, không đúng với quy định. Nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường. Các chương trình khác không kiểm tra đánh giá HS, không cần thẩm định.

Tiet hoc ngoai nha truong: Tham gia hay khong tuy cac truong
Học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa

* Không muốn gom về một mối nhưng vì sao trong văn bản chỉ nêu có ba địa điểm?

- Đến thời điểm này, chương trình của ba đơn vị nói trên đã được thẩm định phù hợp, có kinh nghiệm và chúng tôi giới thiệu để các trường lựa chọn. Hiện cũng có nhiều đơn vị đã xây dựng chương trình tương tự, đang được các hội đồng bộ môn liên quan thẩm định như: Vietopia, Đầm Sen, khu du lịch sinh thái Hồ Mây, một đơn vị chuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm của Singapore… Sau khi thẩm định, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu cho các trường. Có nhiều trường tự tổ chức mà không cần phải phối hợp với công ty nào như THPT Lương Thế Vinh, THCS Trần Văn Ơn… 

* Sở có thật sự vô vụ lợi trong hoạt động này? 

- Việc thu phí các hoạt động là do các đơn vị khai thác chương trình thực hiện, không liên quan đến sở, miễn sao đảm bảo quyền lợi HS và nhà trường. Khi tham gia tiết học ngoài nhà trường, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho yêu cầu chuyên môn của chuyên đề đó, đảm bảo an toàn cho HS. Sở cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị phối hợp thực hiện hoạt động trải nghiệm giảm chi phí nhằm giảm mức đóng góp của HS cũng như có chế độ miễn giảm cho một số đối tượng HS khi tham gia. 

Học sinh là chủ thể của mọi hoạt động, giáo viên là người cố vấn

Giáo dục HS thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là con đường quan trọng và cần thiết. Những hoạt động này sẽ góp phần thực hiện những mục tiêu, những giá trị từ đơn giản đến phức tạp, phát huy tối đa vai trò của cá nhân và tập thể HS trong quá trình hoạt động.

Nội dung, hình thức hoạt động phải phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của HS, điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương; xuất phát từ quyền trẻ em để xác định nội dung và lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp.

HS là chủ thể của hoạt động. Các em có quyền và phải được tham gia vào mọi khâu của quá trình hoạt động, từ khâu chuẩn bị đến tiến hành hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động. Giáo viên là người cố vấn, giúp đỡ, định hướng HS hoạt động có hiệu quả.

(trích Quy định về hoạt động ngoài giờ lên lớp của Bộ GD-ĐT)

Tiêu Hà (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI