|
Nhiều trường tại TP.HCM đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú cho học sinh |
Vừa đá bóng vừa thổi còi?
Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM gửi văn bản đến tất cả hiệu trưởng trường THPT và trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện về thực hiện chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” năm học 2018-2019. Theo đó, sở sẽ triển khai ba chương trình học tập trải nghiệm trong năm học. Thứ nhất là tiết học ngoài nhà trường tại Thảo cầm viên Sài Gòn từ ngày 1/10 với 20 chủ đề về sinh học - nông nghiệp cho học sinh từ lớp Sáu đến lớp 12. Thứ hai là chương trình trải nghiệm và ngoại khóa tại khu Sinh thái Về quê - Củ Chi từ ngày 20/9.
Chương trình này gồm hai nội dung, ngoài tiết học về bộ môn sinh và nông nghiệp, công nghệ và nghề nông, học sinh được tham gia cấy lúa bậc thang, thu hoạch nông sản, rèn luyện kỹ năng… Thứ ba là chương trình học tập trải nghiệm “Nông nghiệp 4.0”, phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi xây dựng, được giới thiệu là chương trình học tập trải nghiệm theo định hướng giáo dục STEM với các nghiên cứu về công nghệ nuôi cấy mô thực vật, công nghệ nông nghiệp tự động…
Sở GD-ĐT đề nghị các đơn vị đăng ký tham gia trước 30 ngày. Tài liệu được sử dụng trong chương trình phải được sở thẩm định. Các trường THCS, THPT và các đơn vị lữ hành muốn thực hiện riêng các chương trình tiết học ngoài nhà trường, hoạt động trải nghiệm có nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, phương án kiểm tra đánh giá… phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện, nội dung hoạt động và lực lượng tham gia, bài kiểm tra đánh giá về phòng trung học của sở trước 30 ngày.
Dư luận từ các trường THPT cho rằng, sở đặt ra “luật chơi” không sòng phẳng nhằm chi phối cả thị trường học tập ngoại khóa, học tập trải nghiệm đầy tiềm năng. Người ta cũng đặt vấn đề: chương trình của sở xây dựng là do ai thẩm định mà vẫn được triển khai, trong khi những chương trình do các trường dày công xây dựng thì lại bắt phải báo cáo chi tiết về sở? Và câu hỏi không thể không đặt ra là: với xu hướng giáo dục đang chuyển dần từ sách vở sang thực tiễn cuộc sống, phải chăng Sở GD-ĐT TP.HCM đang tìm cách giành lấy “thị trường” béo bở này để kiểm soát và độc quyền kinh doanh?
Hiệu trưởng một trường THCS phân tích: “Đúng là trong văn bản chẳng có câu chữ nào bắt buộc các trường phải tham gia chương trình của sở. Nhưng cứ không thử coi, sẽ phức tạp ngay! Từ nội dung chương trình, đơn vị đối tác đồng tổ chức, cho đến báo cáo đánh giá… đều sẽ bị “hành” cho mà xem. Họ bảo phải báo cáo để họ thẩm duyệt. Nhưng nếu 15 - 20 ngày sau họ bảo không được, phải chỉnh sửa rồi nộp lại cho họ thẩm duyệt lại thì có phải là lỡ hết việc của mình không? Để tránh phiền hà thì các trường phải “tự nguyện” nộp mình, chứ sao giờ”.
Trường học dư sức tự tổ chức
Phải thừa nhận rằng, những tiết học thực tế ngoài nhà trường đã giúp học sinh thoát khỏi bốn bức tường, các em học tập hào hứng nên việc tiếp thu kiến thức cũng hiệu quả hơn. Phụ huynh cũng mong muốn con em mình được trải nghiệm nhiều hơn để tích lũy vốn sống. Thế nhưng, việc tổ chức cũng phải tính toán để số tiền bỏ ra không nhiều mà hiệu quả lại cao. Bởi thế, nhiều trường đã cùng phụ huynh bàn bạc, góp ý xây dựng nên những tour học tập thực tế mang tính tích hợp rất cao cho tất cả các môn văn, sử, địa, sinh, hóa, lý, thậm chí cả toán và công nghệ, văn hóa, kiến trúc (chứ không chỉ là sinh - nông nghiệp như chương trình của sở) và thu được nhiều kết quả. Cho nên, theo các trường, hãy để họ chủ động và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, điểm đến sao cho phù hợp với điều kiện của từng trường, tránh tập trung về sở, nhằm tiết kiệm chi phí trung gian. Hiện nay, các địa điểm sinh thái, bảo tàng… đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho giáo dục.
Một nhà giáo thẳng thắn: “Tổ chức tiết học ngoài nhà trường không phải là chuyện quá to tát, chỉ là đem những kiến thức sách vở dạy bằng hoạt động thực tế thay vì giảng suông trên lớp. Thay vì lên giáo án thì giáo viên phải đầu tư công phu hơn, tích hợp kiến thức liên môn. Một tổ bộ môn không đủ sức làm thì hai, ba tổ cùng hợp sức lại. Tóm lại, các trường dư sức thực hiện. Thiết kế xong có thể áp dụng cho toàn khối nên không lãng phí. Trường nào chưa có kinh nghiệm thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dà hoàn thiện”.
Trong thực tế, dù không đặt tên “Tiết học ngoài nhà trường” hay “hoạt động trải nghiệm” nhưng nhiều trường tại TP.HCM đã tổ chức các hoạt động này rất hấp dẫn. Ví dụ, để luyện tiếng Anh, một trường THCS tại Q.1 dắt học sinh ra Bưu điện thành phố để trò chuyện với khách du lịch nước ngoài (ảnh). Để giáo dục học sinh có ý thức đọc sách và yêu quý sách, trường dắt học sinh ra đường sách… Một trường cho biết, để làm tiết học theo dự án dạy học theo định hướng STEM có chủ đề hệ thống giao thông công cộng, trường đưa học sinh đi trải nghiệm tại công trường xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên để nhìn ngắm robot TBM khoan đường hầm, các công nhân làm việc ra sao… Tất nhiên, ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh đều xắn tay vào làm để tạo ra tiết học thú vị chứ không thể trông chờ vào đơn vị trung gian.
Cách đây vài ngày, Trường THPT Nguyễn Du cũng đưa học sinh đến Lăng Ông - Bà Chiểu để học sử. Tiết học tái hiện lịch sử nhằm tri ân đức Tả quân Lê Văn Duyệt được dàn dựng công phu, sinh động không thua gì lễ hội. Cả 500 học sinh lớp 12 tham gia tiết học này không chỉ choáng ngợp về độ hoành tráng mà còn thán phục người xưa và mong muốn được học sử…
Đó là chưa kể, tại TP.HCM hiện nay còn có mạng lưới liên kết mềm gồm những giáo viên có kinh nghiệm tổ chức tiết học theo dự án. Họ đến từ các trường, quận khác nhau nhưng thường xuyên chia sẻ bí quyết, giúp đỡ nhau tổ chức những buổi học sáng tạo, hấp dẫn. Ý tưởng, khả năng tổ chức, nhân sự tổ chức “cây nhà lá vườn” không thiếu, vấn đề là Sở GD-ĐT có muốn tận dụng hay không mà thôi.
Thanh Thanh