Tiết học đầu tiên: Chống “sốc” cho trò

09/11/2021 - 06:51

PNO - Dịch bệnh đã khiến học sinh bị gián đoạn việc học cũng như các hoạt động vui chơi và không ít trẻ gặp những vấn đề tâm lý khác nhau. Vì thế, khi chuẩn bị cho học sinh quay lại trường, nhà trường và giáo viên đã có các giải pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em giảm “sốc”.

Trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với học sinh

Cô Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Nộn (H.Đông Anh, TP.Hà Nội), nhận định: Dịch bệnh khiến học sinh rơi vào trạng thái lo âu. Đặc biệt, những trường hợp bố mẹ qua đời dễ dẫn đến sốc tâm lý. Để giúp học sinh ổn định tâm lý khi quay lại trường, trường đã thành lập ban tư vấn tâm lý, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên cách chia sẻ với học sinh về kế hoạch quay lại trường để các em chuẩn bị. Các giáo viên trò chuyện, chia sẻ với học sinh về việc các em quay lại trường thế nào, chuẩn bị những gì. Đồng thời, nhắc nhở học sinh về nền nếp học tập cũng như biện pháp đảm bảo an toàn.

Phụ huynh phối hợp cùng nhà trường đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường
Phụ huynh phối hợp cùng nhà trường đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường

“Giáo viên phải quan sát, khuyến khích các em bày tỏ, bộc lộ suy nghĩ của mình. Qua đó, giáo viên nắm bắt vấn đề các em đang gặp phải. Em nào ít nói hơn mọi khi, thiếu tự tin thì giáo viên phải hướng các em đến việc ổn định tâm lý”, cô Thu Lý nói. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên phải chia sẻ với phụ huynh về các quy định đảm bảo an toàn khi con tới trường. Học sinh chỉ đi từ nhà đến trường và từ trường về nhà, giao nhận học sinh tại cổng, không la cà. Giáo viên đón và đưa trẻ vào tận lớp chứ không chơi trong khuôn viên. Lớp học chia thành hai để đảm bảo giãn cách. Học sinh ở trường phải quản lý chặt chẽ, phân công giám sát thực hiện đúng yêu cầu để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Tại H.Ba Vì, nơi duy nhất học sinh học trực tiếp từ ngày 8/11, các trường dành một tiết học đầu tiên ở mỗi buổi học để trò chuyện, chia sẻ với học sinh, giúp các em ổn định tâm lý.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Ba Vì, cho biết: Giáo viên chủ nhiệm và bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho con như trò chuyện với học sinh từ trước. Cùng với đó là thông báo rõ lịch trình cũng như kế hoạch học tập để học sinh có sự chuẩn bị. Trước mỗi buổi học sẽ dùng tiết đầu tiên để trò chuyện với học sinh.

Ở đó, học sinh được chia sẻ cùng các bạn, thầy cô những suy nghĩ cũng như vấn đề mình đang gặp phải, những lo âu khi quay trở lại trường vào thời điểm bất thường và cách ứng phó. Các trường cũng có thể tổ chức hoạt động kết nối cảm xúc ngay trong lớp học tạo nên sự gắn kết giữa học sinh và giáo viên. Từ đó, giáo viên sẽ nắm bắt tâm lý của học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp. 

Phụ huynh cùng cố gắng

Chị Nguyễn Phương Linh (H.Ba Vì, TP.Hà Nội) có con học lớp 5, cho biết: “Mấy tháng ròng nghỉ ở nhà, mọi sinh hoạt của con đều do con sắp xếp. Ngoài giờ học cố định vào buổi sáng thì con thích học, chơi, ngủ hay xem phim là tùy con. Sắp tới, con đi học phải thay đổi hàng loạt thói quen, sinh hoạt. Để con không bị áp lực, lo âu thì cha mẹ dần uốn nắn con vào nền nếp, thảo luận với con về các biện pháp an toàn, động viên con dậy sớm để ăn sáng, liệt kê ra các tình huống có thể xảy ra ở trường để con chuẩn bị…”.

Con trai đang học lớp 9 của anh Nguyễn Quang Đức (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) hay tự tạo áp lực, thường xuyên lo lắng sẽ không theo kịp bạn, làm bài kiểm tra không đạt… Bắt được “bệnh” của con, gia đình anh Đức chuẩn bị kế hoạch giảm “sốc” từ từ cho đến ngày con quay trở lại trường. Ngay từ lúc này, vợ chồng anh đã phải dành thời gian chia sẻ cùng con, tư vấn cho con phương pháp học, không quá lo lắng vào kết quả chỉ cần cố gắng hết mình là được… 

Theo giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, để giảm lo âu của học sinh về mặt kiến thức cũng như đối mặt với các bài kiểm tra thì giáo viên bằng những nghiệp vụ của mình phải rà soát lại xem học sinh hổng kiến thức nào để có kế hoạch dạy bù, bổ sung rồi mới thực hiện các bài kiểm tra để các em không áp lực. Ngoài ra, việc học cũng nên nhẹ nhàng, đừng quá nặng nề truyền đạt kiến thức, tránh việc quá tải khi thay đổi hình thức đột ngột từ trực tuyến sang trực tiếp.

Ngoài tổ chức các buổi nói chuyện để học sinh được giao lưu, giáo viên có thể linh hoạt tích hợp nội dung này trong buổi học, tăng tương tác để học sinh hết tâm lý e dè, tự ti sau thời gian dài ở nhà. Đồng thời, phụ huynh cũng phải tích cực phối hợp với nhà trường giúp con yên tâm đến trường học tập. 

Có biện pháp giảm kỳ thị với học sinh từng là F0

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Ba Vì, cho rằng, nhà trường nên tạo điều kiện để có nhiều không gian bạn bè, thầy trò nói chuyện với nhau, thông cảm và hiểu nhau về những áp lực trong thời gian qua, có những biện pháp giảm kỳ thị với những học sinh từng là F0…


Đại Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI