Tiếp xúc nhiều với nhựa có thể phá vỡ hệ thống nội tiết

06/01/2021 - 19:55

PNO - Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc nhiều với nhựa có thể phá vỡ hệ thống nội tiết, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

 

Trong một báo cáo mới công bố vào cuối năm 2020, các nhà khoa học thay mặt Hiệp hội Nội tiết Mỹ và Mạng lưới loại bỏ chất gây ô nhiễm quốc tế (IPEN) đã chỉ ra việc tiếp xúc với nhựa có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết ở người.

Gián đoạn nội tiết

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, hệ thống nội tiết mô tả các thành phần khác nhau của cơ thể, bao gồm các tuyến được tìm thấy ở các vị trí khác nhau, các hoóc-môn mà những tuyến này tiết ra và số cơ quan bị ảnh hưởng bởi các hoóc-môn này.

Hệ thống nội tiết có thể bị gián đoạn do tiếp xúc với nhóm hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC). Tác động có thể làm tăng cường hoặc trực tiếp gây ra nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm béo phì, tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.

Ngày nay có hơn 1.000 hóa chất được sử dụng rộng rãi có thể phá vỡ hệ thống nội tiết. Những hóa chất này thường tồn tại trong nhựa, sau đó xâm nhập vào cơ thể người.

Nhựa chứa EDC xuất hiện phổ biến trên khắp thế giới, bao gồm trong bao bì đóng gói, sản xuất thực phẩm, đồ dùng bếp, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, đồ điện, hàng dệt may, mỹ phẩm và xe cộ. Hơn nữa, một người có thể tiếp xúc với EDC trong suốt vòng đời của sản phẩm nhựa, bao gồm cả quá trình sản xuất, sử dụng và cuối cùng là thải bỏ.

Tác giả chính của báo cáo, giáo sư Jodi Flaws từ Đại học bang Illinois (Mỹ), giải thích: “Nhiều loại nhựa chúng ta sử dụng hằng ngày ở nhà và nơi làm việc khiến chúng ta tiếp xúc với hóa chất gây rối loạn nội tiết có hại. Hành động dứt khoát ở cấp độ toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những mối đe dọa này là rất cần thiết”.

Tác hại qua nhiều thế hệ

Franz Xaver Perrez, Đại sứ Thụy Sĩ về môi trường, viết ở đầu báo cáo: “Trách nhiệm của chúng ta là ban hành các chính sách công để giải quyết bằng chứng rõ ràng rằng EDC trong nhựa là mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng và tương lai”.

Theo ông Perrez, ngoài gánh nặng hiện tại mà EDC gây ra đối với sức khỏe con người, báo cáo còn đưa ra dự báo cho thấy sự gia tăng đáng kể trong tương lai gần về sản xuất nhựa độc hại. Bà Pamela Miller, đồng Chủ tịch IPEN, tiết lộ với tốc độ như hiện nay, dự kiến ngành nhựa sẽ tăng 30 - 36% trong sáu năm tới, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng phơi nhiễm EDC và gia tăng tỷ lệ bệnh nội tiết trên toàn cầu.

Một điểm đặc biệt nguy hiểm của EDC là tác hại gây ra cho sự phát triển của thai nhi. Theo nghiên cứu gần đây, EDC có liên quan đến sự chậm phát triển của thai nhi, rối loạn thần kinh và rối loạn tuyến giáp. Bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy những tác động này có thể kéo dài nhiều thế hệ.

Đồng tác giả, tiến sĩ Pauliina Damdimopoulou từ Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), giải thích: "Khi một phụ nữ mang thai tiếp xúc EDC, các hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con và cả cháu cô ấy. Nghiên cứu trên động vật cho thấy EDC có thể gây ra các thay đổi DNA, di truyền qua nhiều thế hệ”.

Hiệp hội Nội tiết đề nghị mọi người nên cố gắng giảm tiếp xúc với EDC bằng cách tìm hiểu sản phẩm nào thường chứa các hóa chất này và tìm sản phẩm thay thế phù hợp. 

Ngọc Hạ (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI