UBND TP.HCM cho biết sau 8 năm triển khai và thực hiện quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, đến nay các hoạt động văn hóa trên địa bàn TP đã tương đối ổn định và đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, cấp phép và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh bia club.
Cụ thể, UBND TP cho biết, trên địa bàn thành phố có trên 100 quán bar, 35 quán bia club đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ nhà hàng ăn uống, bán rượu, bia, nước giải khát có cồn thuộc đối tượng quản lý của ngành công thương, không bị giới hạn thời gian hoạt động, đã có sự biến tướng từ vũ trường, quán bar hoạt động quá 24 giờ đêm, kinh doanh thuốc shisha, bia, rượu (chủ yếu là bia), sử dụng nhạc DJ công suất lớn gây ồn ào.
Đáng báo động, nhiều quán beer club sử dụng tiếp viên nhảy múa khiêu dâm, gây mất an ninh trật tự, trong khi đó pháp luật hiện hành chưa quy định khái niệm về hoạt động kinh doanh quán beer club, quán bar.
|
Hàng loạt quán bar, beer club sử dụng tiếp viên nhảy múa khiêu dâm, |
Qua công tác kiểm tra, phát hiện một số hành vi vi phạm phổ biến tại các quán bar, quán beer club như: Hoạt động vui chơi giải trí quá giờ được phép; phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu có nội dung chưa được phép phổ biến; không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống giải khát; sử dụng rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; kinh doanh rượu, thuốc hút shisha nhập lậu; chiếm dụng lòng đường hè phố làm nơi trông giữ xe,...
Theo quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ và Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, quán beer club sử dụng nhạc DJ được xem là hình thức vui chơi giải trí khác nên bị giới hạn thời gian hoạt động vui chơi giải trí trước 24 giờ.
Nếu vi phạm thì xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Tuy nhiên sau 24 giờ, các nhà hàng beer club không sử dụng nhạc DJ thì được xem là nhà hàng, quán ăn bình thường và không bị giới hạn thời gian hoạt động, không bị xử phạt hành vi hoạt động vui chơi giải trí sau 24 giờ trong khi thực tế vẫn hoạt động trá hình, phức tạp về an ninh trật tự gây dư luận xấu trong xã hội.
Đồng thời, các cơ sở kinh doanh nói chung và quán beer club nói riêng luôn đối phó với hoạt động kiểm tra, xác định độ ồn tại cơ sở. Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT chưa quy định về việc xác định độ ồn nền khi tiến hành đo đạc. Do đó, kết quả đo đạc không phản ảnh được chính xác độ ồn do cơ sở gây ra, dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Kết quả kiểm tra, xử lý buộc chấm dứt hành vi vi phạm gây ồn, đình chỉ hoạt động kinh doanh sau 24 giờ của các cơ sở kinh doanh beer club còn hạn chế so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành.
Nhiều trường hợp đã bị xử phạt nhưng không chấp hành đóng phạt mà thay tên đổi chủ sở hữu, kinh doanh tại địa chỉ cũ với ngành nghề cũ; một địa chỉ có nhiều giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên các cơ sở kinh doanh lợi dụng tiếp tục vi phạm pháp luật và tái phạm gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhưng không thể hạn chế cấp phép kinh doanh theo quy định Luật doanh nghiệp.
Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát và tham mưu Chính phủ bổ sung loại hình kinh doanh quán bar, quán beer club vào Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; đồng thời hướng dẫn UBND cấp tỉnh lập quy hoạch cơ sở kinh doanh có hoạt động văn hóa như quán bar, quán beer club để địa phương có cơ sở, chủ động lập quy hoạch cấp phép, quản lý hoạt động của cơ sở kinh doanh có hoạt động văn hóa như quán bar, quán beer club.
Cụ thể, UBND TP kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ các khái niệm: “quán bar” (hiện nay là nhà hàng ăn uống có quầy bar bán rượu, bia, hoạt động kinh doanh kéo dài sau 24 giờ), “quán beer club” (hiện là nhà hàng ăn uống thường bán bia nhiều hơn rượu), có kinh doanh rượu, bia, nước giải khát có cồn, thuốc lá thuộc đối tượng quản lý của ngành Công Thương; có sử dụng nhạc DJ, tiếp viên nhảy múa thuộc đối tượng quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch;
Rà soát và tham mưu Chính phủ bổ sung loại hình kinh doanh quán bar, quán beer club vào Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP; đồng thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch cơ sở kinh doanh có hoạt động văn hóa như quán bar, quán beer club để địa phương có cơ sở, chủ động lập quy hoạch cấp phép, quản lý hoạt động của cơ sở kinh doanh có hoạt động văn hóa như quán bar, quán beer club;
Kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét sửa đổi, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT bổ sung quy định về việc xác định độ ồn nền khi tiến hành đo đạc, nhằm phản ảnh chính xác độ ồn của cơ sở kinh doanh vi phạm gây ra vượt quy chuẩn cho phép, để xác lập được hành vi xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật;
Đồng thời UBND TP cũng kiến nghị Bộ Công An cần có quy định cụ thể việc chấp hành an toàn về phòng cháy và chữa cháy, đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh quán bar, quán beer club ở các tòa nhà cao tầng thường tập trung lượng khách rất đông nhưng ít có lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm quá nhỏ và hẹp, nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Phương Nguyên