Đi đâu cũng gặp chất thải của Formosa
Chiều ngày 19/7, đơn vị chức năng thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh đã đến khu vực trang trại rộng 16ha của ông Cao Nhân (ngụ xóm Trại, phường Kỳ Long) để kiểm tra một khối lượng lớn rác thải có xuất xứ từ Formosa. Ngôi nhà của ông Nhân cách nhà máy Formosa chừng 3km, cách đây 3 năm về trước. có một số người đến chủ động đặt vấn đề đổ rác thải của nhà máy lên phần đất của ông Nhân.
Theo ông Nhân, lúc bấy giờ, số rác trên có nhiều gỗ, sắt, thùng nhựa nên ông cho rằng có thể tận thu để tái chế. Cứ vài ngày thì các xe lại chở rác về đổ. Rác thải có nhiều chủng loại, gồm xỉ, bê tông, gạch, gỗ, bao bì, cao su, dây thép, dây điện, bùn đất có màu đen sẫm.
Hiện tại, trong khuôn viên trang trại, rác được dàn trải gần khu vực trồng cây keo, xung quanh có một số thùng sơn được sơn in chữ Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có một đống đất đá màu đen nghi là chất thải bùn đen từ phía nhà máy Formosa.
|
Nhiều thùng sơn có in chữ Trung Quốc được vứt ngổn ngang trong bãi rác nhà ông Nhân (Ảnh VNE). |
Theo tìm hiểu của PV, tại thị xã Kỳ Anh có 3 điểm đổ rác phế thải trái phép có nguồn gốc từ nhà máy Formosa, trong đó có 2 điểm ở phường Kỳ Trinh, 1 điểm ở phường Kỳ Long. Ở các điểm này, nơi nhiều nhất chứa khoảng 100 khối rác, nơi ít nhất khoảng 7-8 khối.
Trước đó, ngày 11/7, thông tin 100 tấn chất thải từ nhà Formosa được chôn tại của ông Lê Quang Hòa - Giám đốc Công ty Mô trường Đô thị thị xã Kỳ Anh đã khiến cả nước chấn động. Mặc dù chưa biết được rằng loại chất thải công nghiệp này có thành phần chính là gì, tác động tới môi trường đất, nguồn nước ra sao nhưng ông Hòa đã đồng ý cho chôn xuống với lý do "làm phân bón trồng cỏ và chuối".
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học đầu ngành về đất và nước ở Việt Nam đều lên tiếng khẳng định, chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy chất thải công nghiệp có thể dùng làm phân bón nông nghiệp. Nếu có thì cũng phải trải qua nhiều bước xử lý mới có thể áp dụng vào trong nông nghiệp.
Ông Hòa còn cho biết, sau khi chôn lấp 100 tấn chất thải Formosa, đơn vị này còn chôn hơn 10 tấn chất thải ở công viên Hưng Thịnh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh. Theo ông Hòa, khoảng tháng 4/2016, công ty có vận chuyển hơn 10 tấn chất thải của Formosa là dạng bùn bánh chôn ở công viên Hưng Thịnh để trồng cây cảnh.
“Đưa chất thải Formosa về trồng cây cảnh giờ sợ dân bất an nên công ty báo cáo cơ quan chức năng đến lấy mẫu xét nghiệm. Chất thải chôn ở công viên là bùn bánh của Formosa”, ông Hòa nói.
Khi thông tin này chưa lắng xuống thì vào ngày 14/7, người dân tiếp tục phát hiện một lượng lớn rác thải của Formosa được đổ tại bãi rác Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Nơi đây cách bờ biển không xa.
Theo người dân cho biết, từ khoảng tháng 4-5/2015, người dân ở thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) liên tục phát hiện những chiếc xe ben chở rác thải lạ dạng bùn đóng gói trong bao bì đến đổ tại bãi rác của thị trấn này. Đến ngày 20/5/2015, phát hiện tiếp 1 chiếc xe chở rác thải này về bãi rác đổ, người dân đã lập tức đến chặn xe, báo cáo lên chính quyền địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, Formosa còn đưa chất thải của mình tới xã Trạm Bản, huyện Phù Ninh, Phú Thọ với số lượng khoảng 145 tấn. Tất cả số chất thải này đều được Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh đứng ra làm hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (địa chỉ tại Phú Thọ) xử lý. Toàn bố số chất thải này đều được xếp vào loại nguy hại.
|
Cơ quan chức năng tiến hành đào,thu gom số chất thải của Formosa chôn lấp trái phép tại trang trại ở phường Kỳ Trinh. |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong khi chất thải của Formosa tràn ngập khắp nơi thì chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng này. Ông Lê Quang Hòa cho biết, số chất thải mình đưa về chôn tại trang trại đã có giấy kiểm nghiệm từ Chi cục Môi trường Hà Tĩnh. Chính vì vậy, nếu lấy mẫu đi kiểm tra mà có phát hiện độc hại thì lỗi ở đơn vị kiểm định chứ không phải của ông Hòa hay Formosa.
Trong khi đó, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh cho rằng, chất bùn thải của Formosa có giấy kiểm nghiệm của Chi cục Môi trường Hà Tĩnh vào tháng 12/2015 vẫn chưa thể khẳng định được toàn bộ số rác và bùn thải của công ty này có an toàn hay không. Chính vì vậy, số chất thải trên địa bàn Hà Tĩnh có gây hại thì sẽ xử nghiêm Formosa và người đứng đầu Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh.
Còn tại Phú Thọ, trong khi đại diện công ty Phú Hà khẳng định chất thải mình lấy từ Formosa về có 4/7 chất được xếp vào loại nguy hại. Nhưng ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Sở Tải nguyên Môi trường Phú Thọ lại khẳng định với Người lao động:
"Theo thông tin nắm được, công ty chỉ mang vỏ thùng phuy về Phú Thọ, còn trong Hà Tĩnh người ta có nhà máy xử lý ở trong đó. Công ty cũng cam kết không mang chất thải nguy hại ra Phú Thọ. Vì trong Hà Tĩnh công ty cũng có nhà máy, không cần phải đem ra Phú Thọ cho xa xôi. Số liệu 145,4 tấn chỉ là thể hiện ở vỏ thùng phi chứ không phải chất bùn thải".
Để mình chứng cho tính an toàn, ông Hậu còn cung cấp thêm: "Công ty Phú Hà tái chế thùng phuy, bình ắc quy, rác thải y tế rồi bán các sản phẩm ra một số địa phương. Bọn tôi thường xuyên kiểm tra và xác nhận đúng là có dây chuyền hoạt động như thế. Song nếu có chất bùn thải độc hại thì bọn mình không cho làm ở đây".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng phải có thông điệp cứng rắn, có thể sẽ xử lý hình sự Formosa nếu kết quả kiểm tra cho thấy sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho tới ngày 19/7, 30 mẫu mà đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường lấy tại trang trại của ông Lê Quang Hòa vẫn chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Đoàn Văn